Cú sốc NDT: Việt Nam tận dụng cơ hội thế nào?

Điều này được chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải đáp phần nào trong cuộc trao đổi với Đất Việt.

PV: - Dù ngày 27/8 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thay đổi cách tính tỷ giá tham chiếu đẩy đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá so với USD, tuy nhiên, suốt 3 tháng qua đà giảm giá của đồng nội tệ Trung Quốc đã khiến thị trường thế giới để ý.

Giới chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định không có ý định sử dụng nhân dân tệ như một loại vũ khí để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên ông có thể cắt nghĩa những động thái đối với đồng nội tệ của Trung Quốc trong thời gian qua? Trung Quốc được lợi gì cũng như có thể gặp những rủi ro gì từ những chính sách này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Những năm qua, Trung Quốc rất tích cực thực hiện quốc tế hóa đồng NDT và từ ngày 1/10/2016 đồng NDT đã chính thức được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Nhờ sự kiện này, đồng NDT trở nên mạnh mẽ hơn và Trung Quốc cũng muốn tận dụng cơ hội đó để đẩy mạnh việc sử dụng đồng tiền này.

Trung Quốc đã làm mọi cách để ổn định tỷ giá đồng NDT và nâng cao vị thế đồng tiền này trên thế giới. Nhưng khi xảy ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc đồng NDT mất giá là điều đương nhiên. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã can thiệp để hạ giá NDT, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, bù đắp lại phần nào thiệt hại từ việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa nước này.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Thế nhưng, nếu Trung Quốc có hạ giá NDT thì họ cũng chẳng giảm được bao nhiêu và việc bù đắp thiệt hại do Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc cũng không được bao nhiêu. Do đó, nếu nói rằng Trung Quốc cố tình hạ giá NDT thì ở phương diện nào đó có lẽ không chuẩn xác.

Khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, lập tức các nhà đầu tư thương mại quốc tế nghĩ rằng nước Mỹ - với tiềm lực kinh tế khổng lồ và đồng USD gần như thống trị trên thế giới, dứt khoát sẽ chiến thắng. Vì thế, họ đã bỏ chạy khỏi thị trường Trung Quốc và khỏi đồng NDT. Vì lẽ đó, USD lên giá, còn NDT mất giá.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu cuộc chiến này còn kéo dài dai dẳng và chỉ cần Trung Quốc trụ vững trong vòng 3-6 tháng thì đồng NDT có thể lại phục hồi giá trị, còn đồng USD thậm chí bị mất giá. Bởi khi ấy các nhà đầu tư trên thế giới nhận ra rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể trụ vững trước Mỹ và đồng NDT vẫn bình thường thì không có cớ gì để họ không quay trở lại đầu tư vào “miếng bánh ngon lành” Trung Quốc.

Đặc biệt, Mỹ không chỉ đánh thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc mà còn đánh thuế những hàng hóa tương tự của các quốc gia khác, như vậy các quốc gia khác cũng sẽ có phản ứng.

Nếu là nước nhỏ, có thể họ sẽ phản ứng yếu ớt hoặc không dám phản ứng. Nhưng khi các nền kinh tế lớn như EU, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... vẫn đương đầu với nước Mỹ thì chắc chắn đồng USD sẽ gặp chuyện. Thậm chí, khi ấy có thể là thời điểm đồng USD đánh mất vị thế và vai trò là đồng tiền chung của thế giới. Nó sẽ làm cho USD mất giá và trong xu thế ấy, giá NDT sẽ phục hồi.

Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc cố tình hạ giá NDT thì đó sẽ là điều nguy hại với chính quốc gia này. Việc giảm giá NDT có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian trước mắt và ngắn hạn nhưng về lâu dài, khi NDT yếu, lạm phát sẽ tăng cao, đầu vào của sản xuất có vấn đề kéo theo đầu ra dù có thể xuất khẩu được nhưng sẽ làm cho mức giá trong nước tăng lên, vòng xoáy liên quan đến mức sống, đời sống xã hội còn nghiêm trọng hơn nhiều so với cái được từ xuất khẩu hàng hóa trước mắt. Thế nên, Trung Quốc sẽ chẳng dại gì đánh hạ giá NDT quá thấp.

Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc thực sự hạ giá NDT để giảm thiệt hại từ việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa nước này thì đồng tiền ấy cũng bị mất giá so với những đồng tiền khác, nơi Trung Quốc đang xuất khẩu hàng hóa vào.

Khi ấy, xuất khẩu của Trung Quốc vào các thị trường khác được đẩy mạnh, các nước bị thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc và họ sẽ có biện pháp trả đũa. Mỹ sẽ lấy cớ Trung Quốc thao túng tiền tệ và chuyển cuộc chiến tranh thương mại sang chiến tranh tài chính-tiền tệ, lúc đó thiệt hại của nền kinh tế Trung Quốc còn lớn hơn nhiều.

Vì những lẽ đó, Trung Quốc giữ cho NDT không bị giảm giá sâu bằng cách bán ra một lượng ngoại tệ nhất định. Nhưng bán ngoại tệ làm ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và đó không phải biện pháp có thể tạo ra đột biến.

Nếu áp dụng biện pháp này trong điều kiện hiện nay thì không có gì mới, hiệu ứng không cao. Chính vì thế, PBoC đã sử dụng biện pháp thay đổi cách tính tỷ giá tham chiếu để từ đó giảm tác động của USD với NDT, đồng thời để NDT hòa nhập với các đồng tiền khác trên thế giới, không bị giảm giá quá sâu.

PV: - Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 46,82 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Riêng về nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, với hơn 30 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,9% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/cu-soc-ndt-viet-nam-tan-dung-co-hoi-the-nao-3365513/