Cú sốc lớn của làng báo châu Âu

Làng báo châu Âu đang chấn động vì vụ bê bối báo chí lớn nhất trong nhiều năm khi tờ Der Spiegel của Đức cho biết, một trong những nhà báo hàng đầu của tờ này đã đưa các thông tin bịa đặt, sai sự thật vào trong hàng loạt bài báo của mình…

Đưa sự thật ra ánh sáng

Theo RT, Der Spiegel, một trong những tờ báo nổi tiếng nhất của Đức, đã trở thành trung tâm của vụ bê bối báo chí mới đây sau khi thừa nhận một trong những nhà báo nổi tiếng của tờ này đã bịa đặt thông tin trong nhiều năm qua.

Trước khi được ký hợp đồng chính thức vào năm 2017, nhà báo Claas Relotius-người đang làm làng báo châu Âu chấn động vì những câu chuyện bịa như thật, đã làm việc cho Der Spiegel với tư cách là cộng tác viên trong 6 năm. Giống như một ngôi sao của báo chí hiện đại, người đàn ông 33 tuổi này đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí uy tín cả trong nước lẫn nước ngoài. Vào năm 2014, Claas Relotius được đài CNN (Mỹ) bình chọn là “Nhà báo của năm”. Còn ngay trong tháng 12 này, ông được Hiệp hội Phóng viên Đức trao giải thưởng cho câu chuyện về cuộc đời của một đứa trẻ ở Syria.

Tuy nhiên, gần đây, sự thật động trời về cây bút nổi tiếng này đã bị phanh phui. Các cuộc điều tra cho thấy, Claas Relotius đã tự sáng tác ra nhiều chi tiết trong các bài viết của mình và thậm chí còn “phát minh” ra nhân vật chính, những người mà ông ta chưa bao giờ gặp mặt.

Claas Relotius - tác giả của những bài báo chứa nhiều thông tin bịa đặt. Ảnh: The Guardian.

Theo The Guardian, việc làm dối trá của Claas Relotius bị đưa ra ánh sáng sau khi Juan Moreno, một đồng nghiệp hợp tác với Claas Relotius trong một loạt bài về biên giới Mỹ-Mexico, cảm thấy nghi ngờ về các chi tiết trong bài viết của Claas Relotius. Để vạch trần được sự giả dối của Claas Relotius, nhà báo Juan Moreno, người đã làm việc cho Der Spiegel từ năm 2007, đã phải trải qua không ít khó khăn. Khi mới nêu ra những ngờ vực của mình về đồng nghiệp Claas Relotius, Juan Moreno từng phải đối mặt với nguy cơ bị mất việc khi lãnh đạo tờ Der Spiegel cùng nhiều đồng nghiệp khác không tin ông. Thậm chí, Claas Relotius còn được coi là "nạn nhân trong một âm mưu xảo quyệt" của Juan Moreno. Nhằm chứng minh những nghi ngờ của mình là đúng, Juan Moreno đã truy tìm hai nguồn tin mà Claas Relotius trích dẫn trong bài viết được đăng tải vào tháng 11. Đúng như suy nghĩ của Juan Moreno, hai nguồn tin này đều khẳng định họ chưa từng gặp hay trò chuyện với ông Claas Relotius. Một cuộc điều tra tiếp sau đó của tờ Der Spiegel cũng cho thấy, Claas Relotius đã bịa thông tin trong các bài báo khác. Dù ban đầu phủ nhận mọi cáo buộc nhưng khi đối diện với những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng, Claas Relotius phải thừa nhận hành vi bịa đặt thông tin một cách trắng trợn của mình.

Nhiều tờ báo khác có thể bị ảnh hưởng

Cho tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 14 trong tổng cộng gần 60 bài viết của Claas Relotius đăng trên phiên bản báo in và báo điện tử của tờ Der Spiegel được xác định có chứa các thông tin bịa đặt. Der Spiegelcảnh báo, con số này còn có thể cao hơn và rất nhiều tờ báo khác của Đức cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong những năm qua, Claas Relotius đã cộng tác với khoảng 10 tờ báo của Đức, bao gồm Die Welt, Die Zeit và Financial Times… Đáng chú ý, trong danh sách những bài báo của ông được chứng minh chứa nhiều thông tin bịa đặt lại có một số tác phẩm đã giành giải thưởng báo chí, như những câu chuyện về trẻ em Iraq bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc hay tù nhân tại căn cứ quân sự Mỹ ở vịnh Guantanamo.

Tờ Der Spiegel của Đức, được thành lập năm 1947 và có trụ sở tại thành phố Hamburg, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả với hàng loạt phóng sự điều tra sâu sắc. Sau khi hành vi bịa đặt thông tin của nhà báo Claas Relotius bị phanh phui, Der Spiegel đã đăng một bài viết dài nhằm xin lỗi độc giả, đồng thời mô tả vụ bê bối là "thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm của Der Spiegel". Tờ này đã thành lập một ủy ban nội bộ để kiểm tra lại tất cả những bài báo do Claas Relotius viết cho họ, cũng như đưa ra những đề xuất nhằm cải thiện các cơ chế an toàn.

Sau khi bê bối vỡ lở, Claas Relotius đã xin thôi việc và trả lại 4 giải thưởng báo chí, đồng thời cho biết cảm thấy cực kỳ xấu hổ về hành vi của mình. Đài CNN cũng đã tước danh hiệu “Nhà báo của năm” đã trao cho Claas Relotius trước đó. Sự nghiệp tưởng chừng như thành công của Claas Relotius được dư luận ví như “ngôi nhà của những lá bài đang sụp đổ”. Dù với mục đích nào thì khi bẻ cong ngòi bút và cố tình viết sai sự thật, người làm báo cũng không thể biện minh trước toàn xã hội.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cu-soc-lon-cua-lang-bao-chau-au-558810