Cụ Phan Văn Trị và cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường

HUỲNH HÀ

Các cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thông, Huỳnh Mẫn Đạt... đã khơi dòng văn học yêu nước Nam bộ, "mang hơi thở mạnh mẽ của cả một vùng đất bừng bừng sức sống quật khởi trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược"(1). Trong đó cuộc bút chiến giữa cụ Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường là điển hình.

Cụ Phan Văn Trị là nhà thơ, chí sĩ yêu nước, sinh năm Canh Dần (1830), quê ở làng Hưng Thạnh, tổng Bảo Phước, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Thời trẻ ông nổi tiếng thông minh, học giỏi và thơ hay. Năm Kỷ Dậu (1849) ông thi Hương tại trường thi Gia Định và đỗ cử nhân. Khoa thi này lấy đỗ 17 cử nhân, cụ Phan Văn Trị đỗ thứ 10.

Lễ giỗ Nhà thơ yêu nước- Cử nhân Phan Văn Trị. Ảnh: DUY KHÔI

Lễ giỗ Nhà thơ yêu nước- Cử nhân Phan Văn Trị. Ảnh: DUY KHÔI

Tuy đỗ đạt cao nhưng ông không ra làm quan, mà về mở trường dạy học. Buổi đầu, ông dạy học ở làng Bình Cách, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An). Sau khi quân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh Đông Nam kỳ, ông tỵ địa về Vĩnh Long, rồi về Phong Điền (Cần Thơ), tiếp tục nghề dạy học.

Không thích vòng danh lợi, vì vậy dù tuổi trẻ đỗ đạt cao, cụ Phan không tham gia vào chốn quan trường. Thế nhưng ông là một trí thức nặng lòng đối với vận mệnh của đất nước. Có thể nói, vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XIX ở Nam bộ, cụ Nguyễn Đình Chiểu và cụ Phan Văn Trị là hai nhà thơ dùng ngòi bút của mình chiến đấu chống quân thù mạnh mẽ nhất(2).

Bấy giờ, bộ máy của chính quyền nhà Nguyễn từ trung ương đến địa phương đã phơi bày sự chuyên chế cực đoan, quan liêu và sâu mọt. Đời sống của nhân dân ngày càng điêu linh và kiệt quệ. Vào đúng giai đoạn quẫn bách ấy, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình nhu nhược, nhân dân tự vũ trang đứng dậy liên tục và mạnh mẽ...

Trước thời cuộc, các sĩ phu thời đó lựa chọn ba xu hướng khác biệt. Thứ nhất là công khai đầu hàng và làm tay sai cho kẻ thù, mà đại diện sớm nhất, tiêu biểu nhất ở Nam bộ là Tôn Thọ Tường. Thứ hai là mất phương hướng, không hợp tác với Pháp nhưng cũng không dám ra mặt chống Pháp. Thứ ba là đứng về lực lượng chống xâm lăng, tập hợp đông đảo sĩ phu nổi bật của Nam bộ đương thời như các cụ Nguyễn Hữu Huân, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị...

Tên tuổi và sự nghiệp của cụ Phan Văn Trị có một vị trí rất đặc biệt trong giai đoạn đó. Bằng ngòi bút sắc bén của mình, cụ Phan đã dũng cảm vạch mặt bọn cướp nước, lên án và lột trần bản chất của bọn bán nước; đồng thời cổ vũ phong trào yêu nước của nhân dân ta. Tên tuổi của cụ gắn chặt với cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ giới sĩ phu ở nửa sau của thế kỷ XIX, chống tay sai bán nước mà đứng đầu là Tôn Thọ Tường(3). Cuộc bút chiến giữa cụ Phan với Tôn Thọ Tường là một minh chứng.

Cuộc bút chiến này xoay quanh một số vấn đề có ý nghĩa căn bản sau đây:

- Thứ nhất là sự đối lập giữa hợp tác và bất hợp tác với thực dân Pháp có phải là sự đối lập giữa chính và tà, giữa yêu nước và phản quốc hay không?

Vấn đề ngỡ như hết sức đơn giản nhưng lại từng là một thực tế phức tạp của thời đó. Thực dân Pháp thủ tiêu nền độc lập của nước ta, nhưng lại tìm cách giữ nguyên bộ máy phong kiến của nhà Nguyễn. Thủ đoạn đó tạo ra một ảo giác rằng, chỉ có những người đỗ đạt và làm quan nói chung chớ không hề có sự khác biệt giữa quan lại của triều đình với tay chân của thực dân Pháp.

Cụ Phan Văn Trị đã nhạy bén phát hiện vấn đề và đã thẳng thắn lên tiếng, buộc Tôn Thọ Tường phải thừa nhận sự phản bội. Còn Tôn Thọ Tường mượn chuyện xưa tích cũ, những sự kiện lịch sử đã bị bóp méo để biện hộ. Trước hết Tôn Thọ Tường đồng nghĩa cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta với thời chiến loạn Tam Quốc bên Trung Quốc, chỉ có mạnh yếu, hơn thua mà không hề có chính nghĩa hay phi nghĩa.

Tích cũ được Tôn Thọ Tường tâm đắc nhất có lẽ là tích Từ Thứ bỏ Lưu Bị về hàng Tào Tháo. Mượn chuyện Từ Thứ, Tôn Thọ Tường muốn thanh minh rằng mình theo Pháp chẳng qua cũng chỉ là chuyện chẳng đặng đừng chớ cái tình đối với bè bạn cũ, cái nghĩa đối với giang sơn vẫn còn dày.

Bài Từ Thứ quy Tào với vần voi, mòi, còi, roi, thoi rất khó họa nhưng lập luận lại rất rẻ tiền, cho nên cụ Phan Văn Trị chỉ thấy thương hại: "Kinh luân đâu nữa để khoe mòi". Và nhân danh những người yêu nước, cụ Phan khẳng định: Theo Pháp là bán nước, hành động nhục nhã đó thế nào cũng bị trừng trị đích đáng:

"Về Tào miệng ngậm như bình kín,

Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi".

Tích em gái Tôn Quyền theo chồng là Lưu Bị về đất Thục cũng được Tôn Thọ Tường triệt để lợi dụng để biện hộ. Tôn coi việc y theo Pháp chẳng qua cũng là chuyện tự nhiên và tất nhiên như "Tôn phu nhân quy Thục" mà thôi. Với Tôn Thọ Tường bài thơ này có nghĩa như một lời tuyên bố về lập trường:

"Ai về nhắn với Châu Công Cấn,

Thà mất lòng anh đặng bụng chồng".

Phản phác luận điệu trên, cụ Phan Văn Trị đã khẳng định: tiêu chuẩn trước nhất và cũng là căn bản nhất để phân biệt chính tà lúc bấy giờ là ở chỗ dám hay không dám chống kẻ thù của dân tộc, dám hay không dám đứng về phía những người yêu nước. Ông nhấn mạnh: chống Pháp là hành vi đồng nghĩa với cương thường, đạo nghĩa, lý tưởng cao đẹp nhất của kẻ sĩ lúc vận nước lâm nguy. Đã theo giặc thì chẳng những không còn chút tư cách nào để nói về lòng yêu nước mà còn là kẻ đối nghịch nguy hiểm của phong trào yêu nước đang cuồn cuộn dâng lên khắp mọi nơi lúc bấy giờ.

- Vấn đề thứ hai là đánh Pháp là hành động anh hùng hay chỉ là việc làm dại dột và thiếu suy nghĩ? Nhân dân ta sẽ thắng hay thực dân Pháp sẽ thắng trong cuộc chiến đấu ác liệt này?

Với Tôn Thọ Tường, mất nước âu cũng là định mệnh của dân tộc, có hy sinh bao nhiêu xương máu cũng chỉ uổng công vô ích. Y ra sức ca ngợi sức mạnh quân sự của Pháp, lấy ưu thế về kỹ thuật của Pháp để hù dọa nhân dân ta.

Đáp lại lời lẽ láo xược của Tôn Thọ Tường, cụ Phan Văn Trị đã khẳng định: đây là lúc hơn thua chưa rõ, thắng bại chưa phân, mọi sự hù dọa đều vô ích, không gì có thể lung lạc được lòng gang dạ sắt của những người yêu nước. Với cụ Cử Trị, chỉ có những kẻ thờ ơ và làm hại đến vận mệnh của đất nước mới thực sự là những "đứa ngu", chúng chỉ là một lũ "danh nhơ" và "tanh hôi" ghê tởm. Những người yêu nước, dù có chịu hy sinh, gian khổ, thì điều ấy cũng chẳng hề gì, bởi lẽ:

"Chưa trả thù nhà đền nợ nước,

Dám đâu mặt lấp lại tai ngơ".

Tôn Thọ Tường tuyên bố: đánh Pháp lúc bấy giờ có khác nào "Trăm tạ chuông treo một sợi mành" và lấy những tổn thất của phong trào yêu nước làm căn cứ cho ý kiến của mình. Tôn Thọ Tường cho rằng lời lẽ của Phan Văn Trị chẳng qua là "Bán dạng khua môi cũng một phồn", mai kia có gặp cọp, chồn mới biết thực oai cọp là thế nào!

Đáp lại, cụ Phan Văn Trị không hề giấu giếm những tổn thất của phong trào yêu nước, song ông coi sự tổn thất ấy cũng như chim hồng không may rụng mất mấy cái lông, mà "Hồng dẫu hư lông đâu sợ sẻ". Những người yêu nước cũng không vì thế mà chùn bước.

"Người Nhan há sợ dao kề lưỡi,

Họ Khuất nào lo nước đến trôn".

Cụ Phan Văn Trị cho rằng cuộc chiến đấu của nhân dân ta không phải vô vọng như chuyện như chuyện lấy thước đo trời hay bắc cầu qua biển của Tôn Thọ Tường, ngược lại, chính cuộc chiến đấu ấy sẽ góp cho lịch sử dân tộc những anh hùng kiệt xuất. Ông tin và tin một cách mãnh liệt vào thắng lợi của nhân dân, vào sự trường tồn của đất nước.

- Vấn đề thứ ba, sống trong cảnh loạn lạc, phức tạp và đảo lộn nhanh chóng như vậy, thế nào là dại, thế nào là khôn?

Đưa vấn đề này ra, Tôn Thọ Tường đã tỏ rõ sự bất lực của y trước những lời lẽ sắc bén và đanh thép của cụ Phan. Y cho rằng, thắng lợi của nhân dân, nếu có chăng thì cũng chẳng phải chuyện của ngày một ngày hai. Bậc trí giả phải sớm nhận ra điều đó, và khi đã nhận ra rồi thì hãy mau mau lo lấy cuộc sống cho chính mình, cho gia đình mình, rằng:

"Trâu ngựa dầu kêu chi cũng chịu,

Thân còn chẳng kể, kể chi danh".

Đến đây, bản chất của Tôn Thọ Tường đều bị phơi bày. Cụ Phan Văn Trị chỉ còn biết lắc đầu thương hại: "Thân danh chẳng kể thật thằng hoang" và kết luận:

"Đứa dại trót già đời cũng dại,

Lựa là tuổi mới một đôi mươi".

Như vậy, toàn bộ luận điệu phản dân hại nước của Tôn Thọ Tường đã bị cụ Phan Văn Trị đập tan tành. Tiếng nói của cụ Cử trong cuộc bút chiến này phản ánh sức mạnh của chính nghĩa, của phong trào yêu nước, có ý nghĩa quan trọng đối với những thắng lợi to lớn tiếp sau của phong trào yêu nước ở Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung(4).

------------------------

(1) Nguyễn Khắc Thuần - Nguyễn Quảng Tuân, Sđd, tr.82.

(2) Nhiều tác giả (2017), Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, Nxb Hồng Đức, tr.474-475.

(3) Nguyễn Khắc Thuần - Nguyễn Quảng Tuân (2001), Phan Văn Trị cuộc đời và tác phẩm, Nxb Trẻ, tr.24-43.

(4) Nguyễn Khắc Thuần - Nguyễn Quảng Tuân, Sđd, tr.84-90.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cu-phan-van-tri-va-cuoc-but-chien-voi-ton-tho-tuong-a115010.html