Cụ ông trên 80 tuổi với phòng lưu niệm và bài sử ca đặc biệt về Bác

Ở một con ngõ nhỏ thuộc xóm Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhiều người dân vẫn nhắc đến ông Trần Văn Cao, 83 tuổi bằng sự tôn trọng đặc biệt và coi ông là biểu tượng của một tâm hồn đẹp bởi chính tình yêu lớn lao của ông dành cho Bác Hồ. Tình yêu đó sáng ngời và hiển hiện ở ngay trong ngôi nhà của gia đình ông.

Tại tư gia, ông Trần Văn Cao dành 1 phòng riêng để trưng bày hơn 300 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Để bày tỏ lòng thành kính với Người, ông còn tự sáng tác một bài sử ca dài tới 1.456 câu thơ lục bát về Bác.

Nói về tình yêu với Bác, ông Trần Văn Cao dẫn giải, đó là mạch nguồn đã ngấm sâu trong tâm trí và trái tim của ông từ khi ông còn tấm bé. Ngày ấy, khi còn là một đứa trẻ, nhìn trong nhà có hình ảnh của Bác treo trang trọng, được nghe người lớn nói về Bác với lòng thành kính; rồi lớn lên được tiếp xúc, được đọc và chứng kiến công lao vĩ đại của Bác trên chặng đường dài bảo vệ dân tộc, giải phóng đất nước, tình cảm của cậu bé Trần Văn Cao khi xưa dành cho Bác ngày càng lớn lên.

Ông Trần Văn Cao giới thiệu những hình ảnh về Bác đặt trong phòng lưu niệm tại tư gia. Ảnh: M.T

Ông Trần Văn Cao giới thiệu những hình ảnh về Bác đặt trong phòng lưu niệm tại tư gia. Ảnh: M.T

Khi trở thành một người trưởng thành, tuy làm nghề nông, quanh năm vất vả với ruộng đồng, mùa vụ nhưng tình yêu của đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam vẫn được ông Cao nuôi dưỡng. Đó chính là ngọn nguồn cho bản sử ca dài gần 1.500 câu thơ lục bát của ông về Bác; ở đó tái hiện lên từng giai đoạn lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1911 cho đến mãi sau này. Điều đặc biệt là bài sử ca này sáng tác trong hơn 10 năm nhưng ông Cao thuộc làu từng câu, từng chữ.

Để có được bộ tư tập kỳ công này, ông cũng mất đến gần 10 năm. Khi có ý tưởng về việc sẽ tập hợp những bức ảnh về Bác Hồ, đi đâu, làm gì ông cũng đều quan tâm đến chủ đề này và đặc biệt khi đọc sách báo, xem mạng, ông rất chú ý để sưu tầm những hình ảnh mình chưa có về Bác. Ở mỗi bức ảnh có được về Bác, ông đều tìm hiểu rõ nội dung, thời gian, hoạt động của Bác để mỗi khi có người vào tham quan, nhất là các cháu học sinh, con cháu trong gia đình, họ hàng, ông có thể đứng bên để giới thiệu, thuyết trình về bức ảnh cho mọi người cùng hiểu. Và dù giới thiệu đến cả trăm lần đối với từng bức ảnh thì ông cũng vẫn giữ được niềm say mê khi nói về Bác.

Bộ sưu tập quý của ông Trần Văn Cao về Bác Hồ chẳng những được người dân địa phương biết đến mà lãnh đạo, chính quyền sở tại cũng rất đề cao, cảm phục, trân trọng và coi đây việc làm đầy ý nghĩa, có giá trị trong việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cu-ong-tren-80-tuoi-voi-phong-luu-niem-va-bai-su-ca-dac-biet-ve-bac-174356.html