Cứ nhất thiết bắt học sinh phải học trong mùa đại dịch?

Nhìn mấy bức hình, bạn có tiên liệu được hiệu quả của giờ dạy học trong dáng điệu cô trò đồng loạt bịt miệng bằng khẩu trang, thậm chí mặc bộ đồ chống nắng?

Quan sát trong mấy ngày đầu tuần sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, cho đến nay, thừa lệnh của cấp Chính phủ, cấp tỉnh, hàng loạt các trường đại học và các trường trong hệ thống giáo dục từ nhà trẻ, mẫu giáo đến PTTH đã tạm đóng cửa trường phòng dịch.

Con số thống kê cho biết có 52 tỉnh thành cho các trường nghỉ học theo các khung thời gian khác nhau, cao nhất là 1 tuần, thấp nhất 3 ngày. Đây là một chủ trương đúng, một ứng phó kịp thời để phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan.Tuy nhiên, không hiểu vì sao một số tỉnh và một số trường đại học vẫn tổ chức dạy và học bình thường.

Tôi cho rằng, giờ dạy học mà thầy trò đeo khẩu trang lên lớp là một tình cảnh mang tính hài hước, phản cảm.

Tôi cho rằng, giờ dạy học mà thầy trò đeo khẩu trang lên lớp là một tình cảnh mang tính hài hước, phản cảm.

Dĩ nhiên trong các công văn hành chính cấp Chính phủ và cấp tỉnh vẫn có độ mở cho phép các cơ sở giáo dục tùy tình hình thực tế để xử lý tình huống hợp lý. Thế nhưng có nên vin vào đó để làm riêng một kiểu khiến người dân và học sinh/sinh viên hoang mang?

Liệu có phải họ đinh ninh là dịch corona không bén mảng được tới địa phận của mình? Hay có phải họ muốn báo cáo thành tích với cấp trên rằng ta đây vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ do “cấp ủy đã đề ra ngay từ đầu năm học”? Hay có phải do lịch học thêm của nhà trường (như kế hoạch làm thêm để tăng thu nhập) không muốn bị suy giảm?

Có một số bình luận trên các trang mạng xã hội, chắc là sinh viên của một số trường không được nghỉ giễu rằng sinh viên trường XYZ sẵn thương hiệu đẳng cấp “có khả năng vô địch chống virus corona, nên cứ vô tư đến trường”…

Tôi, người viết mấy dòng này cho rằng giờ dạy học mà thầy trò đeo khẩu trang lên lớp là một tình cảnh mang tính hài hước, phản cảm.

Tấm hình cho biết cô giáo đang lên lớp với tiết giảng văn về tác giả Kim Lân. Ôi chao, đồng loạt các mặt nạ, khẩu trang các kiểu trưng ra trong một giờ giảng văn chương mang tính giao tiếp thẩm mỹ thì làm sao cô trò có thể để tâm vào nội dung bài giảng được?

Giờ giảng kiểu này là một cách cưỡng bức tinh thần đối với học trò, thậm chí phản văn chương, phản nhân văn. Mà chẳng phải chỉ giờ dạy văn, dạy môn gì cũng vậy, nó chỉ có thể tồn tại trong một môi trường sư phạm lành tính, an ninh, chứ không thể dạy và học như trong một môi trường đang bị đe dọa bởi corona được. Tôi cứ đang tưởng tượng với một giờ thanh nhạc thì tình hình diễn ra sẽ hài hước đến thế nào nhỉ?

Khi tôi hỏi một giáo viên ở một trường nọ, được cô ấy nói rằng: “Trên không cho nghỉ thì cô trò đâu dám nghỉ!” Lại hỏi: “Sao không làm đơn?”, cô giáo đáp vui vui, ra chiều buông xuôi rằng “Em hổng dám đâu”.

Thì ra ở xứ này, nhiều nơi, cái ý thức phản biện đã tê liệt mất rồi!

Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn TẠI ĐÂY.

Ngô Văn Giá (Nhà văn)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/text/cu-nhat-thiet-bat-hoc-sinh-phai-hoc-trong-mua-dai-dich-ar525750.html