Cử nhân Ngôn ngữ Tây Ban Nha có thế mạnh trong lĩnh vực giáo dục, thương mại, du lịch

Ngôn ngữ Tây Ban Nha ngày càng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ( ĐH KHXH&NV ) , ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Tây Ban Nha chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước.

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Tây Ban Nha chất lượng cao tại Việt Nam.

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Tây Ban Nha chất lượng cao tại Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện với Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh, Phó Trưởng Bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Xin cô cho biết về lịch sử hình thành của ngành học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Ngôn ngữ Tây Ban Nha được biết đến trong nhóm những ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới và đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Từ kết quả của quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước nói tiếng Tây Ban Nha cũng như sự năng động của Việt Nam nhất là trong chính trị và kinh tế, nhu cầu tuyển dụng nhân sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha tăng cao trong thời gian gần đây.

Năm 2010 Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đào tạo thí điểm trình độ đại học hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha và đến năm 2013, Nhà trường chính thức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha. Hiện nay, rất nhiều cử nhân Ngôn ngữ Tây Ban Nha đang làm việc ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới và họ đã chứng minh được năng lực của mình.

Hơn 10 năm phát triển ngành, Ngôn ngữ Tây Ban Nha nhận được sự tham gia và hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao từ Đại sứ Quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế phát triển Tây Ban Nha (La Agencia Espanõla de Cooperacíon Internacional para el Desarrollo, AECID), Đại sứ quán các nước nói tiếng Tây Ban Nha như Cuba, Mexico, Argentina và các đối tác, doanh nghiệp từ các quốc gia sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Đây là động lực vô cùng to lớn đối với sự phát triển của ngành.

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM làm việc với Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam (năm 2020). Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất về việc hỗ trợ sinh viên thực tập

Sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành này?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Ngôn ngữ Tây Ban Nha ngành học cung cấp kiến thức chuyên sâu về tiếng Tây Ban Nha và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ này trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, ngành này trang bị cho người học các kiến thức liên quan đến văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử…của đất nước Tây Ban Nha và các quốc gia sử dụng ngôn ngữ này.

Chương trình Ngôn ngữ Tây Ban Nha nhằm đào tạo Cử nhân Ngữ văn Tây Ban Nha có kiến thức cơ bản về khoa học nhân văn, kiến thức ngôn ngữ học của tiếng Tây Ban Nha, văn học của Tây Ban Nha cũng như của các nước nói tiếng Tây Ban Nha, kiến thức cơ bản về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa,… của các nước nói tiếng Tây Ban Nha nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với những ngành nghề cần sử dụng tiếng Tây Ban Nha (ngoại giao, dịch thuật, truyền thông, kinh tế, ngoại thương,…), kiến thức liên ngành đủ rộng để làm việc được trong nhiều môi trường, vị trí, lĩnh vực có sử dụng tiếng Tây Ban Nha, có phẩm chất nhân văn, có khả năng tự học và tự nghiên cứu để thực hiện việc học tập suốt đời nhằm không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao và không ngừng biến đổi của thị trường lao động tại Việt Nam.

Ngoài những môn học đại cương thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha qua nhiều môn học chuyên ngành: Thực hành ngôn ngữ A1-C1; Giao tiếp; Văn hóa xã hội các nước nói tiếng Tây Ban Nha; Nghệ thuật các nước nói tiếng Tây Ban Nha; Kinh tế các nước nói tiếng Tây Ban Nha; Lịch sử Ngôn ngữ Tây Ban Nha… Theo định hướng đào tạo của đơn vị, cử nhân ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha có kiến thức nền tảng, kỹ năng sống và tác phong nghề nghiệp, ngoại ngữ để làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực đòi hỏi sử dụng tiếng Tây Ban Nha.

Việc đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa cô?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Việc gắn đào tạo lý thuyết, ngôn ngữ với thực hành là yêu cầu tất yếu. Tất cả các môn học đều được xây dựng theo hướng lấy người học làm trung tâm, kết hợp linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành. Giảng viên sẽ là bạn đồng hành hướng dẫn quá trình học tập, giúp sinh viên phát huy tối đa thế mạnh của mình.

Sinh viên trong quá trình đào tạo được tạo điều kiện để có thể thực tập, tham quan tại các tổ chức, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực có liên quan đến ngôn ngữ Tây Ban Nha.

Được biết, ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha đang được ứng dụng tốt trong nhiều lĩnh vực. Vậy, cử nhân ngành có thể làm tốt những công việc nào?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Cử nhân ngành Ngữ văn Tây Ban Nha sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm kiếm và đảm nhiệm các vị trí việc làm trong ngành giáo dục và các ngành liên quan phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo; có khả năng nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, viện/trung tâm nghiên cứu, trung tâm ngoại ngữ đào tạo về ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha và các nước nói tiếng Tây Ban Nha; có khả năng biên/ phiên dịch viên tiếng Tây Ban Nha tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế/ phi chính phủ, các tổ chức hữu nghị, các công ty dịch thuật, các nhà xuất bản và các cơ quan thông tấn; có khả năng làm việc tại các vị trí nhân sự yêu cầu sử dụng tiếng Tây Ban Nha tại các công ty du lịch/ lữ hành, kinh doanh nhà hàng, khách sạn; có khả năng làm việc tại các vị trí nhân sự yêu cầu sử dụng tiếng Tây Ban Nha tại các công ty, tập đoàn kinh doanh thương mại. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đi làm việc hoặc tiếp tục học tập tại các quốc gia khác.

Nhiều bạn trẻ yêu thích làm việc trong lĩnh vực giáo dục và du lịch liên quan đến Châu Âu, đến Tây Ban Nha. Liệu đây có phải là thế mạnh của sinh viên ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha, thưa cô?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Đây chính là 2 lĩnh vực mà sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Tây Ban Nha có thế mạnh. Chương trình đào tạo sẽ gồm nhiều môn để rèn luyện và giúp sinh viên có khả năng giảng dạy ngôn ngữ, việc học tập phương pháp sư phạm của giảng viên cũng là cách tốt để SV rèn luyện giảng dạy. Nói về du lịch, thì du lịch đến Tây Ban Nha, Châu Âu hay chiều ngược lại đều tăng trưởng mạnh và đây là cơ hội việc làm của các bạn. Dĩ nhiên, để làm tốt trong lĩnh vực du lịch, các bạn cũng nên học chương trình để nhận chứng chỉ nghiệp vụ du lịch do nhà trường tổ chức thường xuyên.

Để theo học ngành này, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa cô?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Tình yêu với ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ Tây Ban Nha nói riêng, sự chăm chỉ là hai tố chất quan trọng nhất mà người theo học cần có. Sinh viên sẽ học ngôn ngữ Tây Ban Nha từ những kỹ năng căn bản nhất và các bạn sẽ được giảng viên hướng dẫn, định hướng trong suốt quá trình học tập.

Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo cô, SV cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Tinh thần tự học cầu tiến, kiên trì và năng động, kỹ năng san sẻ và làm việc nhóm. Ngôn ngữ nào lúc bắt đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, với sự nhiệt huyết của đội ngũ giảng viên cùng sự hỗ trợ của các cơ quan đại sứ, lãnh sự quán Tây Ban Nha, người học hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội thành công trên nhiều lĩnh vực.

Trong quá trình học, nhìn chung sinh viên cũng cần chủ động, lập kế hoạch cuộc sống, học tập để sớm xác định rõ con đường sự nghiệp của mình.

Cô có thể cho lời khuyên đối với các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành học này để thực hiện đam mê và thành công?

Thạc sĩ Đỗ Huyền Thanh: Thực sự tôi rất trân trọng những bạn trẻ theo đuổi ngành ngôn ngữ còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tôi mong các bạn không bao giờ bỏ cuộc, sẵn sàng đón nhận thử thách và kiên trì với mục tiêu mà mình đã đặt ra. Một thế giới vô cùng rộng lớn của ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha đang chờ đón các bạn.

Trân trọng cảm ơn Cô!

Hoàng Trang (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cu-nhan-ngon-ngu-tay-ban-nha-co-the-manh-trong-linh-vuc-giao-duc-thuong-mai-du-lich-post605055.html