Cứ mỗi 7,4 giây sẽ có một phụ nữ Trung Quốc bị bạo lực gia đình

Khoảng 25% phụ nữ Trung Quốc từng phải chịu cảnh bị ngược đãi trong gia đình, làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn của phụ nữ và bình đẳng giới tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

 Bạo lực gia đình trở thành vấn nạn đối với phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: CNA

Bạo lực gia đình trở thành vấn nạn đối với phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: CNA

Vụ án giết chồng vì 6 năm chịu đựng bạo lực gia đình

Sau 6 năm chịu đựng những trận hành hung từ người chồng, Yang Xi, 41 tuổi, quê ở Thiểm Tây (Trung Quốc) đã gây án giết chồng. Cuộc sống của Yang Xi như "khổ sở hơn địa ngục" với những lời đe dọa từ người chồng rằng sẽ giết cả gia đình cô, kể cả con cô, nếu cô không tự sát.

"Trong những năm đó, anh ta thường đe dọa tôi. Nhưng không đơn thuần là đe dọa, anh ta đã thực hiện những điều đó. Khi gây án, tất cả những áp bức từ trước đến nay tôi phải chịu khi sống trong những bạo lực gia đình như vậy đã trỗi dậy, bao gồm cả những lần anh ta đánh mẹ con tôi", Yang Xi cho biết.

Vào đêm gây án, Yang Xi đã sử dụng rìu và dây thừng để giết chồng mình. Hung thủ cho biết: "Tôi không nghĩ rằng mình có đủ can đảm để làm điều đó. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì sau này sẽ không còn ai hành hung tôi, đánh đập con tôi và cha mẹ tôi nữa".

Đây không phải là lần đầu tiên Yang Xi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Vào năm 17 tuổi, chồng chưa cưới của Yang trở nên bạo lực sau khi cô yêu cầu hoãn đám cưới vì phát hiện ra anh ta không "môn đăng hộ đối". Vì vậy, Yang thay đổi quyết định và vấp phải thái độ bạo lực từ phía người đàn ông này.

Sau đó 2 năm, mối quan hệ của Yang và người đàn ông này trở nên xấu đi. Trong một lần tranh cãi, người này đã đẩy Yang ngã xuống. Sau đó, anh ta dùng tay "khoét mắt" Yang khiến cô bị mù. Tòa đã kết án tử hình người đàn ông đó, nhưng nỗi đau vẫn còn mãi với Yang.

Yang Xi bị mù do người chồng thứ nhất bạo hành. Ảnh: CNA

Cảm thấy không thể sống như "một người phụ nữ mù" và không có chồng, Yang kết hôn lần hai. Tuy nhiên, số phận lại một lần đẩy cô vào tình cảnh là nạn nhân của bạo lực, nơi mà cô phải thường xuyên chịu đựng những áp bức và tủi nhục.

Sau khi gây án, Yang bị kết án 12 năm tù nhưng cô được trả tự do sau 8 năm thi hành án. Suốt khoảng thời gian trong tù, Yang đã được dạy nghề massage. Tại đó, Yang cũng gặp được nhiều phụ nữ rơi vào trường hợp giống cô, "tù tội vì bị áp bức".

Khoảng 25% phụ nữ Trung Quốc từng chịu cảnh bạo lực gia đình

Dữ liệu từ Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc cho thấy, khoảng 1/4 phụ nữ Trung Quốc từng rơi vào cảnh bị ngược đãi trong gia đình. Ngoài ra, cứ mỗi 7,4 giây sẽ có một phụ nữ tại đất nước tỷ dân này bị bạo lực.

Bà Ma Sainan, luật sư trưởng tại bộ phận xử lý các vụ án hôn nhân và gia đình tại công ty Luật Jiala (Trung Quốc) cho biết, tại một số nơi, đánh đập phụ nữ hoặc vợ con được xem là biểu hiện của "quyền lực gia đình" đối với đàn ông. "Một số đàn ông không hề cảm thấy trái đạo đức hoặc thậm chí còn tự hào về điều đó", bà Sainan cho biết.

Luật sư Ma Saina chuyên giải quyết các vụ kiện liên quan đến bạo lực gia đình tại Trung Quốc. Ảnh: CNA

Lin Shuang, một tình nguyện viên về vấn đề bạo lực gia đình ở Thượng Hải cho biết, nhiều phụ nữ phải chịu đựng hơn 30 đợt bạo hành trước khi tìm kiếm giúp đỡ hoặc đến trình báo với cảnh sát.

Ngay cả khi đã ly hôn hoặc rời khỏi kẻ bạo hành, một số nạn nhân vẫn không thể thoát khỏi cảnh bị ngược đãi.

Vào tháng 9/2020, một phụ nữ tên Lamu, 30 tuổi, đến từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã bị chồng cũ đổ xăng và phóng hỏa. Cái chết của Lamu, sau khi cô bị bỏng 90%, đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ công chúng.

Mặc dù tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình ở nông thôn cao hơn thành thị, tình trạng này lại xuất hiện khá phổ biến ở các thành phố của Trung Quốc. Tuy nhiên, những kẻ bạo hành có thể khôn khéo che dấu hành vi của mình đối với hàng xóm hoặc đồng nghiệp. Những người xung quanh sẽ khó có thể nhận ra họ là những kẻ bạo hành gia đình.

Lỗ hổng trong chính sách quản lý và xét xử những vụ bạo lực gia đình

Trong những năm gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi các vụ bạo lực gia đình. Các nhà chức trách cũng nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc đảm bảo các chuẩn mực đạo đức và không tuyên truyền lệch lạc cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, đâu đó vẫn tồn đọng nhiều lỗ hỏng trong chính sách quản lý và xét xử các vụ án bạo hành.

Trong một thống kê năm 2016 của Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc, có khoảng 157.000 phụ nữ Trung Quốc tự tử mỗi năm. Trong số đó, 60% trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình. Trong cùng năm 2016, chính phủ Trung Quốc ban hành luật cho phép nạn nhân có được quyền bảo vệ chống lại những kẻ bạo hành họ.

Bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên tại các đô thị của Trung Quốc. Ảnh: CNA

Ngoài ra, truyền thông nhà nước đưa tin, số trường hợp tố cáo vì bạo lực gia đình đã giảm 8,4% trong năm 2019 so với năm 2018. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là bức tranh toàn cảnh vì chưa phản ảnh đúng thực trạng bạo lực gia đình ở Trung Quốc.

Trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn gia đình được xem là một tình tiết để giảm nhẹ mức án cho những kẻ bạo hành.

Nguồn: CNA

Phương Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cu-moi-74-giay-se-co-mot-phu-nu-trung-quoc-bi-bao-luc-gia-dinh-20210512230332836.htm