Cù lao Tân Quy mất mùa chôm chôm

Ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật để nhà vườn có thể dưỡng lại vườn chôm chôm. Nếu không sẽ có nguy cơ xóa sổ loại trái cây đặc sản này.

 Do ảnh hưởng hạn, mặn mùa khô 2019 – 2020 vườn chôm chôm ở Cù lao Tân Quy đều giảm năng suất và chất lượng, thậm chí nhiều nhà vườn lỗ nặng.

Do ảnh hưởng hạn, mặn mùa khô 2019 – 2020 vườn chôm chôm ở Cù lao Tân Quy đều giảm năng suất và chất lượng, thậm chí nhiều nhà vườn lỗ nặng.

Cù lao Tân Quy thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), nằm giữa dòng sông Hậu, dường như thiên nhiên đã tạo nên tất cả những gì thuận lợi nhất để cù lao Tân Quy được mệnh danh là “Vương quốc trái cây”, với diện tích trên 600 ha vườn chuyên canh cây ăn trái (chôm chôm chiếm gần 50%), cho sản lượng thu hoạch khoảng 25.000 – 30.000 tấn/năm.

Gần như 100% hộ dân nơi đây quanh năm chỉ sinh sống bằng nghề làm vườn, trong đó hộ nào ít đất cũng sở hữu khoảng vài trăm gốc chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…có hộ lên đến hàng ngàn gốc, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Mùa chôm chôm chín từ tháng 4 – 6 âm lịch, Cù lao Tân Quy như một bức tranh khổng lồ với ba màu chủ đạo là xanh lá, vàng và đỏ của trái chôm chôm chín cứ lồng vào nhau. Năm nay, do ảnh hưởng hạn, mặn, nhà vườn trồng chôm chôm ở Cù lao Tân Quy đang đối mặt với khó khăn vì thất thu nặng nề vụ chôm chôm. Hầu hết các vườn cây đều giảm năng suất và chất lượng, nhiều nhà vườn trắng tay.

Hiện nay, hầu hết các vườn chôm chôm ở Cù lao Tân Quy đều bị thiệt hại từ 60 – 100%, vì vậy sau 1 năm đầu tư sản xuất, nhiều nhà vườn đành chịu cảnh trắng tay.

Ông Nguyễn Văn Hùng một hộ trồng chôm chôm tại ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn than thở: “Cù lao Tân Quy chưa bao giờ có nước mặn vào, vậy mà năm nay, nước nhiễm mặn 3‰ – 4‰ đã xuất hiện trong kênh mương.

Do thiếu nước ngọt, tôi phải bơm nước dưới mương lên tưới làm cây chôm chôm bị cháy và rụng lá. Đợt thu hoạch vừa rồi, năng suất giảm đến 50%, cộng thêm năm nay giá chôm chôm rớt còn 9.000 đồng/kg, giảm gần 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ nên lỗ nặng”.

Chúng tôi ghé lại vườn trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn của gia đình ông Trịnh Công Nghiệp ở ấp Tân Quy 2, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè) vụ thu hoạch năm nay, vườn chôm chôm 0,4 ha chỉ còn vài trăm kg, trong khi những năm trước sản lượng đạt khoảng 7 tấn.

Nguyên nhân là hạn, mặn xâm nhập và kéo dài khiến diện tích chôm chôm gia đình ông bị thiếu nước tưới trầm trọng.

Mặc dù trước đó, khi được ngành nông nghiệp dự báo tình hình hạn, mặn năm nay, ông thường xuyên theo dõi độ mặn để dự trữ nước ngọt vào mương tưới dần.

Nhưng vườn chôm chôm vẫn bị cháy lá, rụng lá và rụng trái. Không những năng suất giảm, chất lượng cũng giảm, quả nhỏ, vị chua nên dù ông chỉ bán giá 5.000 đồng/kg (chưa bằng nửa giá năm trước) vẫn không có thương lái đến mua.

Hình ảnh quen thuộc mùa chôm chôm chín ở Cù lao Tân Quy những năm trước đây không thể lặp lại trong mùa chôm chôm chín năm nay, do hạn, mặn mùa khô 2019 – 2020.

Còn bà Phạm Thị Mến, ấp Tân Quy 2, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè) cho biết, gia đình bà có 0,9 ha trồng chôm chôm. Bình quân mỗi năm cho sản lượng khoảng 20 tấn trái, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng năm nay, mặn xâm nhập làm vườn chôm chôm của bà bị rụng trái, rụng lá.

Vụ chôm chôm này xem như gia đình bà trắng tay không có thu nhập.Trước tình cảnh này, buộc lòng bà phải đốn bỏ toàn bộ diện tích chôm chôm để tìm cây trồng khác thay thế tạo thu nhập.

“Cây còi quá, thấy tình hình dưỡng không được nên tui kêu người đốn bán lấy củi, lấy tiền bán củi này đầu tư trồng lại cây khác”, bà Mến ngậm ngùi tiếc rẻ.

Để vườn chôm chôm có thu nhập, nhà vườn phải mất từ 3 – 5 năm đầu tư và chăm sóc nên không ai muốn đốn bỏ. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên nhà vườn rất lúng túng trong việc tìm giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Nhiều nhà vườn buộc lòng phải triệt hạ cây chôm chôm để tìm cây trồng khác thay thế. Nhà vườn trồng chôm chôm tại Cù lao Tân Quy hiện rất mong muốn ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật để khôi phục các diện tích vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn, mặn năm nay.

Theo Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cầu Kè, cho biết: “Mùa khô 2019 – 2020, mặn xâm nhập sớm và lấn sâu ảnh hưởng nhiều diện tích cây ăn trái của huyện. Diện tích bị thiệt hại chủ yếu ở xã An Phú Tân, với hơn 268 ha của 582 hộ, hầu hết các hộ bị thiệt hại trên 70% diện tích. Hiện, huyện Cầu Kè đã để xuất Sở NN- PTNT tỉnh Trà Vinh hỗ trợ các nhà vườn khắc phục thiệt hại, tái sản xuất, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng”.

PHƯƠNG NGHI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cu-lao-tan-quy-mat-mua-chom-chom-d266302.html