Cù lao chuẩn bị hoa Tết

Hiện nay, nông dân làng hoa An Thạnh (xã Hòa An, Chợ Mới) đang tích cực chăm sóc hoa để cung cấp cho thị trường những chậu hoa đẹp nhất. Bà con làng hoa rất phấn khởi bởi thời tiết thuận lợi, cây hoa đang phát triển rất tốt và sẽ nở đúng dịp Tết, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Nằm ven sông Hậu, làng hoa An Thạnh có 20 hộ trồng hoa, với diện tích gần 2ha, trồng rất nhiều loại với những luống hoa mang nhiều màu sắc, chủ yếu là các giống hoa phổ biến được người dân lựa chọn trưng trong những ngày Tết, như: hoa cúc, vạn thọ, hoa hồng, hoa cát tường, cúc Đài Loan, cúc tiger, hoa dừa cạn, tử la lan, cúc sao băng, cúc tây, hoa xác pháo, hoàng yến, cẩm nhung... lấy giống từ làng hoa Sa Đéc và Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm nào làng hoa An Thạnh cũng đua nhau khoe sắc, duy trì một nét đẹp và trở thành điểm đến mới của du lịch An Giang. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An Trần Thanh Tâm cho biết: "Hiện nay, ấp An Thạnh được bao đê vững chắc nên người dân mạnh dạn trồng hoa phục vụ thị trường Tết. Riêng đối với khu vực sạt lở có dấu hiệu bồi lắng người dân rất an tâm".

Nông dân chăm sóc hoa Tết

Thăm làng hoa vào sáng sớm, nhiều người dân đang tất bật chăm sóc hoa, xới gốc... Anh Huỳnh Văn Hiếu (người trồng hoa ấp An Thạnh) cho biết: "Tôi đang trồng 3.400 chậu cúc Đài Loan, cúc Tiger, cúc pha lê, cát tường... Tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cây hoa phát triển, nên chi phí chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất ít. Tôi thuê đất 3 triệu đồng/công và trồng hoa ở đây hơn 20 năm. Ngày thường trồng hoa dưới đất để bán phục vụ nhu cầu của người dân, giá bán cũng khá, khoảng 10.000-20.000 đồng/cây. Riêng hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đã trồng trong chậu từ 20-8 (âm lịch) đến nay, canh hoa nở khoảng ngày 25-12 (âm lịch)". Cũng theo anh Hiếu, hầu hết các hộ dân làng hoa này tự bỏ công chăm sóc cho cây hoa; họ ít thuê nhân công lao động, vì giá nhân công hiện nay quá “đắt đỏ”. Cùng với đó, giá nguyên liệu trồng hoa năm nay tăng cao hơn mọi năm, như: giỏ trồng hoa năm ngoái bán 1.800 đồng/cái, nay đã tăng 2.200 đồng/cái; cây giống năm ngoái 600 đồng/cây, năm nay tăng lên 700 đồng/cây; tử la lan, cát tường năm ngoái 2.200 đồng/cây giống năm nay tăng 2.500-3.500 đồng/cây giống.

Thời điểm này, bà con nông dân trồng hoa đang bận rộn chăm sóc cây hoa, làm sao để hoa nở đúng ngày; người tỉa lá, xới gốc, tưới nước... tạo nên không khí nhộn nhịp nơi thôn quê. Để có được 1 chậu hoa đẹp, người nông dân phải bỏ công chăm bón từ 2-4 tháng (tùy theo loại hoa) kể từ khi gieo hạt... Hoa chủ yếu được bán trực tiếp cho thương lái, một số ít được nông dân chở ra bán tại chợ hoa xuân ở TP. Long Xuyên. Vụ hoa năm ngoái, bà con nông dân trúng mùa, trúng giá (cúc tiger 80.000 đồng/cặp) nên năm nay bà con rất mong hoa sẽ trổ đúng dịp Tết Nguyên đán và bán được giá. Theo nhiều người trồng hoa ở đây, giá hoa Tết năm nay sẽ cao hơn so năm trước, do giá phân bón và nguyên liệu tăng.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp (Tổ trưởng làng hoa An Thạnh) phấn khởi: "Năm nay, bà con trồng hoa rất khỏe, vì thời tiết thuận lợi, đỡ tốn công chăm sóc. Bà con nhập về trồng nhiều giống hoa mới, đáp ứng nhu cầu thị trường như: hoa mai tím, mai cam, cúc pha lê, astisô đỏ, cúc họa mi... Riêng năm nay, tôi trồng hơn 6.000 giỏ, với 12 loại hoa, như: cúc, tử la lan, cát tường, mai đỏ, mai tím, cẩm nhung, hương thảo, cúc pha lê... Để trồng hoa cúc tiger đạt hiệu quả cao, tôi chịu khó học hỏi trồng theo phương pháp chong đèn chiếu sáng vào ban đêm, để cây hấp thu năng lượng giúp thân cao, cứng, cho hoa đều, đẹp và đúng lịch thời vụ, tăng giá trị kinh tế của chính cây hoa".

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng hoa, ông Hiệp cũng như nhiều người dân ở đây đã có thể tự gầy giống trồng, nên chi phí giảm. Đồng thời, qua đó giúp người nông dân có thêm kinh nghiệm trong việc xử lý những chậu hoa có dấu hiệu nở sớm hoặc muộn, xử lý kỹ thuật cho hoa nở đúng vào dịp Tết. Ông Hiệp vui mừng cho biết thêm: “Tôi vừa bán 100 chậu hoa atisô đỏ được giá 50.000 đồng/giỏ sau 3 tháng trồng, nên tôi đang trồng lại để bán phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay”. Chị Tư (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới) đang trồng hơn 6.000 gốc hoa cúc và vạn thọ cho biết: "Người dân ở đây trồng hoa quanh năm để bán các ngày rằm, lễ, Tết. Cứ hơn 2 tháng thu hoạch xong là làm đất trồng tiếp vụ sau. Riêng dịp Tết Nguyên đán, người dân tập trung trồng nhiều hơn. Trồng hoa bây giờ khỏe lắm, có máy tưới, chỉ tốn công chăm sóc để hoa đẹp, cây to, bông nhiều".

Ngoài làng hoa tại An Thạnh, hiện nay toàn xã Hòa An có hàng trăm nông dân tận dụng đất bãi bồi ven sông, đất chuyển đổi lúa sang vườn trồng xen hoa để “lấy ngắn nuôi dài”. Nhiều hộ nông dân trồng xoài, bưởi, cam… thay vì tự chăm sóc cây thì cho những nông dân không có đất canh tác quanh vùng trồng hoa miễn phí. Người trồng hoa trên mảnh vườn đó vừa chăm sóc hoa, sẵn tiện chăm sóc xoài cho chủ vườn. "Nhất cử lưỡng tiện", đôi bên cùng có lợi, cứ như thế trong vòng 1-1,5 năm, chủ vườn khỏi phải tốn công chăm sóc, làm cỏ... Việc làm này góp phần giải quyết việc làm cho lao động, cũng như tăng thêm nguồn thu nhập cho hàng trăm nông dân nơi đây.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/cu-lao-chuan-bi-hoa-tet-a258154.html