Củ kiệu giải cảm, tăng sức đề kháng

Kiệu muối chua là một trong các loại dưa muối ăn thường ngày của các nước phương Đông như Việt Nam. Với kiệu, ngoài món muối chua còn có thể cho nhiều món ăn khác phối hợp với các thực vật hoặc động vật để nấu hoặc làm gỏi.

Kiệu là món ăn kèm bánh chưng, bánh tét, là hương vị không thể thiếu cho ngày Tết. Bên cạnh giá trị ẩm thực, kiệu còn có giá trị y học. Những món ăn có kiệu giúp cơ thể phòng chữa nhiều bệnh của dân ta, nhất là ở nơi rừng núi, rét mướt, ẩm thấp, gió mưa.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kiệu có tên khoa học: Allium chinense G. Don (A. bakeri Regel.); họ khoa học: thuộc họ Hành - Alliaceae. Củ kiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc và được trồng ở nhiều nước khác với nhiều tên gọi như tiểu toán (tỏi nhỏ), tiểu căn toán, dã toán, đại đầu thái tử, hỏa thông... Củ kiệu là “họ hàng” gần với hành tây, hẹ tây, tỏi tây, hẹ và tỏi.
Theo nhiều nghiên cứu y học hiện đại, trong củ kiệu chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Chính vì thế, thêm củ kiệu vào trong chế độ ăn sẽ mang đến bạn nhiều lợi ích như:
Giải cảm, tăng sức đề kháng: Củ kiệu có vị cay, nóng, tính ấm, kèm theo các hợp chất và vitamin có tác dụng trong việc chữa cảm cúm vô cùng công hiệu.
Chống oxy hóa và kháng viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch: Chứa các chất chống oxy hóa là Quercetin và các flavonoid trong củ kiệu còn thúc đẩy cơ thể sản sinh glutathione, đây là chất chống oxy hóa rất mạnh và cực kỳ có lợi cho sức khỏe, loại trừ các gốc tự do qua đó ngăn ngừa ung thư. Quercetin sẽ giúp ngăn chặn các mảng bám tích tụ trong thành mạch máu.
Cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể: Trong củ kiệu có chứa rất nhiều loại vitamin có lợi cho cơ thể như vitamin A, D, E và vitamin K. Ngoài ra còn có các khoáng chất như canxi, sắt, magie, photpho... giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Các acid trong củ kiệu khi được muối chua sẽ giúp việc hấp thụ các khoáng chất trở nên dễ dàng hơn.
Theo Y học cổ truyền: Kiệu có vị cay đắng, tính ấm; vào ba kinh phế, vị và đại tràng; có tác dụng làm ấm bụng, tán khí kết, khỏi đầy hơi, bổ thận khí, mạnh dương; còn có tác dụng lợi tiểu.
Công dụng: Kiệu cũng dùng chữa đái rắt và bạch trọc như hành củ; lại dùng chữa phụ nữ có thai bị lạnh đau bụng, trị lỵ, ngã ngất hôn mê, bỏng. Nếu ăn được đều thì chịu được rét lạnh, bổ khí, điều hòa nội tạng, cho người ta béo khỏe.
Theo nghiên cứu, củ kiệu rất tốt cho sức khỏe nhưng không vì thế mà bạn ăn quá nhiều và cần lưu ý:
Không dùng kiệu cho những trường hợp người bị khí hư, không nên lạm dụng quá nhiều bởi sẽ dẫn đến tính trạng gây hư tổn khí huyết, nóng gan, đau mắt.
Người mắc bệnh dạ dày không nên sử dụng kiệu quá nhiều có thể gây ra dư thừa axit trong dạ dày, tăng nguy cơ loét dạ dày và trào ngược dạ dày.
Củ kiệu muối chua còn có chứa hàm lượng muối và đường cao, người bệnh tăng huyết áp và tiểu đường không nên ăn nhiều.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuocdinh-duong-cu-kieu-giai-cam-tang-suc-de-khang-406412.html