Cú hích từ thế mạnh dược liệu

Việt Nam đang được đánh giá có khả năng trở thành trung tâm hàng đầu khu vực về ngành dược liệu trong tương lai.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, cần có sự đầu tư bài bản, mà trước hết là rất cần thúc đẩy tốt các chuỗi giá trị trồng trọt, chế biến, phát triển thương hiệu các sản phẩm thảo dược Việt trên thị trường toàn cầu.

Điểm nghiên cứu hàng đầu khu vực

Mới đây, một nhóm công ty dược của Ấn Độ bày tỏ quan tâm đầu tư xây dựng “Công viên Dược phẩm” (Pharma Park), mô hình khu công nghiệp chuyên sản xuất dược liệu tại Việt Nam và sau đó mời các công ty dược từ Ấn Độ, Mỹ, EU sang đặt nhà máy sản xuất tại đây.

Theo ông Ramesh Babu (đại diện một tập đoàn muốn hợp tác phát triển Công viên dược phẩm), nếu đầu tư thành công, có thể coi là “đòn bẩy chiến lược” để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu của Đông Nam Á cũng như thế giới.

Nếu gõ từ khóa “xuất khẩu dược liệu” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ thấy việc đưa ra một con số nhất định về giá trị kim ngạch xuất khẩu dược liệu của Việt Nam hầu như rất ít. Phải chăng lĩnh vực này vẫn đang là khoảng trống để trông chờ các “ông lớn” trong ngành dược Ấn Độ hay các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực mạnh của Việt Nam rót vốn đầu tư?

Trong khi đó, với nguồn dược liệu khá dồi dào (khoảng 5.117 loài thực vật có công dụng làm thuốc), Việt Nam hoàn toàn có thể đưa hoạt động xuất khẩu dược liệu ra thị trường toàn cầu tốt hơn so với hiện tại nhiều lần.

Hồi tháng 3 năm nay, Quyết định số 376/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP là trên 20 tỷ USD.

VIệt Nam có khả năng trở thành trung tâm hàng đầu khu vực về ngành dược liệu trong tương lai. Ảnh minh họa.

VIệt Nam có khả năng trở thành trung tâm hàng đầu khu vực về ngành dược liệu trong tương lai. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia cho rằng, để ngành dược liệu Việt Nam trở thành ngành kinh tế lớn, là mảng xuất khẩu có thể thu về hàng tỷ USD, cần phải khẩn trương phát triển các chuỗi sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp. Đặc biệt là cần thu hút các “ông lớn” DN ở trong nước và quốc tế rót vốn đầu tư nhằm hình thành các trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô lớn.

Đơn cử như với cây dược liệu sâm Ngọc Linh - được ví là “quốc bảo” Việt Nam, đang được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa sâm Việt ra thị trường thế giới để có thể cạnh tranh với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc.

Tháng 7/2021, Quảng Nam đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị phê duyệt chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045, mục tiêu phát triển mạnh ngành công nghiệp sâm của quốc gia và xuất khẩu, cũng như góp phần phát triển ngành dược liệu Việt Nam.

Xây dựng thương hiệu dược phẩm

Các nhà nghiên cứu về dược phẩm cho rằng, việc thu hút các DN lớn, có tiềm lực mạnh rót vốn đầu tư, kể cả các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) sẽ nhanh chóng tạo sức bật sôi động cho chuỗi giá trị xuất khẩu sâm Ngọc Linh trong thời gian tới.

Cụ thể như trường hợp Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood mới đây cho biết, DN này vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư với thương vụ triệu đô vào Công ty Cổ phần Thương mại - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco) - công ty nuôi trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh Quảng Nam.

Thương vụ đầu tư nêu trên được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn, mang lại giá trị tương xứng cho “quốc bảo” Việt Nam.

Từ thương vụ trên hay sự quan tâm của các công ty dược Ấn Độ, giới chuyên gia cho rằng đó là những tín hiệu tốt nhằm hút các DN lớn được ví như “đại bàng” về làm tổ, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và xuất khẩu dược liệu của Việt Nam.

Hơn thế nữa, việc thúc đẩy xuất khẩu dược liệu cũng được mong đợi sẽ tạo điều kiện cho nhiều HTX dược liệu lớn mạnh lên thêm. Điều này đòi hỏi tính liên kết tốt giữa các HTX (vốn đang đóng vai trò nòng cốt trong việc trồng cây dược liệu ở nhiều địa phương trong cả nước) với các DN lớn theo chuỗi giá trị từ trồng trọt, sản xuất, chế biến cho đến xuất khẩu.

Còn ở góc độ của một nhà đầu tư lớn trong nước, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood nhấn mạnh: “Chúng tôi tự tin sẽ tạo nên dấu ấn đặc biệt từ những sản phẩm là lợi thế của Việt Nam. Những gì thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam nên được chính những thương hiệu Việt phát triển để từ đó mang lại lợi ích tối ưu nhất cho dân tộc mình, đất nước mình”.

Quốc Định – Đại Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cu-hich-tu-the-manh-duoc-lieu-5673435.html