'Cú hích' mới trong xử lý tro, xỉ nhiệt điện than

Dù chậm so với dự kiến nhưng việc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố tiêu chuẩn quốc gia về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp – TCVN 12249:2018 sẽ góp phần tạo ra 'cú hích lớn' về vấn đề xử lý tro xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện đốt than đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Có thể nói đây là bước đi nhằm triển khai và cụ thể hóa Quyết định số 1696/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Mục tiêu chung đến năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao bảo đảm đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất.

Gỡ “ nút thắt” trong xử lý tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), tổng hợp số liệu từ 23 nhà máy nhiệt điện cho thấy, lượng tro, xỉ hàng năm khoảng 12,2 triệu tấn, trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Bắc chiếm khoảng 60%), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 19%.

Tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quá trình sản xuất là rất lớn trong khi lượng tro xỉ được xử lý, tiêu thụ hàng năm vẫn còn rất thấp. Năm 2017, cả nước chỉ tiêu thụ được 4 triệu tấn tro xỉ, đạt khoảng 30%.

Bãi tro xỉ của nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Các chuyên gia trong lĩnh vực nhiệt điện và vật liệu xây dựng cho rằng trước đây trong quá trình xử lý tro xỉ, các công ty nhiệt điện đã gặp nhiều khó khăn như chưa có quy định tiêu chuẩn cụ thể của Nhà nước về việc sử dụng tro xỉ để san lấp mặt bằn, sử dụng trong xây dựng. Nay những khó khăn này đã được tháo gỡ khi tiêu chuẩn quốc gia về tro xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp – TCVN 12249: 2018 được công bố.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), giải pháp sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp nền là khả thi, tiêu thụ được khối lượng lớn tro xỉ làm vật liệu thay thế các nguồn vật liệu thiên nhiên khác có ý nghĩa thực tiễn, kinh tế và làm giảm tác động môi trường.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam khẳng định: Tro xỉ không phải chất nguy hại mà là tài nguyên, nếu sử dụng tro xỉ làm đường giao thông như gia cố nền (lâu nay làm bằng cát) dưới dạng bê tông đầm lăn sẽ rất tốt, giảm lượng đá cũng như khai thác cát từ các sông gây sạt lở bờ sông và lãng phí tài nguyên quốc gia.

Đề cấp đến việc giải quyết tro xỉ phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy nhiệt điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, mục tiêu của Tập đoàn là phấn đấu tiêu thụ hết lượng tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện trực thuộc EVN.

Ông Anh cho biết thêm: “Hiện nay, khối lượng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than của EVN khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Trong đó, tại các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc, tình hình tiêu thụ tro, xỉ tương đối tốt. Hầu hết các nhà máy đã ký hợp đồng với các đối tác bao tiêu. Điển hình là các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình, Thái Bình đã tiêu thụ hết lượng tro, xỉ”. Tuy nhiên, tại các nhà máy nhiệt điện phía Nam lượng tiêu thụ tro xỉ còn chưa đáng kể.

Cần tiếp tục có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tiêu thụ tro xỉ

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Mặc dù tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện được đánh giá là chất thải rắn thông thường, phù hợp làm nguyên liệu cho ngành xây dựng, tuy nhiên, tới nay không có cơ quan quản lý Nhà nước nào được giao nhiệm vụ cấp chứng nhận tro, xỉ không phải là chất thải nguy hại.

“Các đơn vị vẫn đang sử dụng kết quả thí nghiệm, hoặc giấy chứng nhận của Viện Vật liệu xây dựng làm cơ sở hoạt động, như vậy là chưa đầy đủ thủ tục về mặt pháp lý” ông Anh phân tích.

Đại diện EVN cũng kiến nghị sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải, phế liệu, về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và các Thông tư hướng dẫn liên quan, xác định tro, xỉ là hàng hóa thông thường trong vận chuyển, lưu thông.

Đồng thời, cần xác định rõ, đơn vị có chức năng cấp chứng nhận tro, xỉ đạt tiêu chuẩn là hàng hóa/chất thải rắn thông thường; hướng dẫn quy trình, thủ tục xin cấp chứng nhận để các doanh nghiệp thực hiện.

Để khuyến khích phát triển thị trường tiêu thụ tro, xỉ tại Việt Nam, EVN cũng đề xuất bổ sung các quy định bắt buộc đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương phải ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ trong các công trình xây dựng, san lấp… nhất lại tại các địa phương có các nhà máy nhiệt điện than.

Đại diện EVN cũng kiến nghị cần có lộ trình ban hành quy định hạn chế và tiến tới cấm sản xuất vật liệu nung như kinh nghiệm của các nước; xây dựng các cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ.

Đề cập đến lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ tro xỉ nhiệt điện, theo ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường cho rằng:Chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng không nung, chưa tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung với gạch không nung. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc sản xuất loại vật liệu xây dựng này./.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/cu-hich-moi-trong-xu-ly-tro-xi-nhiet-dien-than/352238.vgp