'Cú hích' lớn cho môn vật

Vật là một trong các môn trọng điểm của thể thao Việt Nam, có nhiều năm thống trị khu vực, đạt nhiều thành tích tại đấu trường châu lục và có nhiều đại diện góp mặt ở Olympic. Thế nhưng, trong những năm qua, môn vật lại gặp nhiều khó khăn trong hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực xã hội để phát triển. Chính vì vậy, việc Liên đoàn Vật Việt Nam thành lập được kỳ vọng là 'cú hích' quan trọng để vật Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhiều tiềm năng chờ khai phá

Phong trào tập luyện môn vật được phát triển ở Việt Nam nhiều năm qua, được coi là một phương pháp hữu hiệu để rèn luyện thể lực, trí lực và các kỹ năng. Thông qua tập luyện và thi đấu môn vật, con người thể hiện được sức mạnh thể chất, tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo...

Nhiều địa phương cũng thường xuyên tổ chức đấu vật, coi đây là một hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Các lò vật truyền thống hoạt động bền bỉ ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Có không ít lò vật nổi tiếng miền Bắc như: Guột, Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh); Liễu Đôi (tỉnh Hà Nam); ở Hà Nội có: Thụy Lâm (huyện Đông Anh), Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...

Các giải đấu vật thường thu hút đông đảo khán giả. Ảnh: Nhân Dân

Về đỉnh cao, những năm gần đây, các môn vật quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Vật Việt Nam thường xuyên xếp hạng Nhất toàn đoàn tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) và các giải vô địch, giải trẻ Đông Nam Á. Ở một số hạng cân, Việt Nam đã có vận động viên giành Huy chương ASIAD như Nguyễn Thị Lụa (Huy chương bạc ASIAD 16-2010 hạng 53kg nữ) và nhiều gương mặt đã giành quyền góp mặt tại Olympic - đấu trường thể thao lớn nhất thế giới...

Tiềm năng lớn là thế, song môn vật vẫn còn nhiều hạn chế trong vận hành và phát triển. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện môn vật còn thiếu thốn, lạc hậu. Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế còn gặp rất nhiều khó khăn, do chúng ta chưa có đại diện tham gia Liên đoàn Vật châu Á và thế giới. Việc huy động nguồn lực xã hội cho sự phát triển của môn vật cũng còn yếu, chưa tương xứng với tiềm năng...

“Do đó, việc thành lập Liên đoàn Vật Việt Nam là hết sức cần thiết, một mặt làm kênh kết nối trực tiếp với Liên đoàn Vật quốc tế; mặt khác, tạo cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư phát triển, cả về phong trào và đỉnh cao”, ông Vương Bích Thắng cho biết.

Hoạch định rõ chiến lược phát triển

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển tiềm năng môn vật, gắn kết thể thao truyền thống với thể thao thành tích cao, những người làm công tác quản lý và chuyên môn thể dục, thể thao đã nỗ lực vận động thành lập Liên đoàn Vật Việt Nam. Và ngày 20-10-2019, Liên đoàn Vật Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2019-2024 thành công tốt đẹp.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, Trưởng ban Vận động thành lập Liên đoàn Vật Việt Nam Trần Đức Phấn cho rằng, đây là mốc son để môn vật có “cú hích” phát triển xứng tầm. Thời gian tới, Liên đoàn cần tập trung cho nhiệm vụ phát triển môn vật mạnh và bài bản hơn, để một mặt lấp khoảng trống môn vật tại một số khu vực ở miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long...; mặt khác, hỗ trợ Tổng cục Thể dục - Thể thao chuẩn bị lực lượng, nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, huấn luyện viên, vận động viên ở các nội dung, giúp tìm kiếm những tài năng có khả năng lập thành tích tại các đấu trường lớn của châu Á, Olympic.

Đặc biệt, Liên đoàn cần vào cuộc mạnh mẽ trong việc đào tạo cán bộ tham gia các tổ chức quốc tế, phát triển lực lượng trọng tài, huấn luyện viên; đồng thời, thực hiện tốt công tác xã hội hóa để thu hút nguồn lực cho phát triển môn vật, bởi đây là môn thể thao có sức hút lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Liên đoàn Vật Việt Nam đã hoạch định những bước đi, việc làm cụ thể, rõ ràng. Chủ tịch Liên đoàn Vật Việt Nam Lý Duy Thanh cho biết, Liên đoàn sẽ hệ thống lại và thúc đẩy các giải vật tại các lễ hội làng, lễ hội truyền thống, từ đó quảng bá hình ảnh bộ môn vật và tìm kiếm tài năng cho các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia. Liên đoàn cũng sẽ phát triển nội dung vật bãi biển tại các khu du lịch biển để góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách. Ngoài ra, Liên đoàn sẽ nâng cao chất lượng và tăng số lượng các giải đấu trong hệ thống quốc gia, huy động thêm các nguồn lực để giúp vận động viên có nhiều hơn cơ hội tập huấn, thi đấu trong nước và quốc tế; xây dựng và hình thành một số cơ sở đào tạo, huấn luyện và thi đấu môn vật tự do, vật cổ điển tại các địa phương có phong trào mạnh...

Một số mục tiêu cụ thể cũng đã được Liên đoàn Vật Việt Nam đề ra. Theo đó, không chỉ tiếp tục duy trì vị thế tại khu vực Đông Nam Á, Liên đoàn Vật Việt Nam còn đặt mục tiêu giành huy chương tại Giải vô địch châu Á, ASIAD và Giải vô địch thế giới, phấn đấu đến 2028 có 3-4 vận động viên vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Thế vận hội - Olympic. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, thời gian tới, Liên đoàn sẽ phối hợp với Tổng cục Thể dục - Thể thao xác định nhóm các nội dung, vận động viên trọng điểm, có khả năng giành huy chương tại các giải đấu lớn để đưa đi tập huấn tại các quốc gia có môn vật phát triển như: Uzbekistan, Kazakhstan, Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trước mắt, tại SEA Games 30-2019 tới đây, các đô vật được kỳ vọng là lực lượng chủ lực góp Huy chương vàng cho Đoàn thể thao Việt Nam.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/949946/cu-hich-lon-cho-mon-vat