Cú hích cho ngành du lịch

Số liệu thống kê cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 ước đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm 2016 (tương đương 2,9 triệu lượt khách).

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,15%; Khách đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%; Đến bằng đường biển đạt 258,8 nghìn lượt người, giảm 9,1%.

Lượng khách nội địa đạt hơn 73 triệu lượt, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7,5% vào GDP Việt Nam 2017.

Mới hơn, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng qua, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách chủ yếu đến bằng đường hàng không đạt hơn 7,3 triệu lượt người, tăng hơn 20%.

Những con số nói trên cho thấy, hàng không vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của khách du lịch quốc tế và kể cả khách nội địa.

Theo ông Nguyễn Thiện Tống- nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TPHCM, bình quân 1 khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, như vậy khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD cho nền kinh tế, còn 1 khách quốc tế là 500 USD, như vậy khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế. Từ đó, có thể thấy rõ ràng rằng, nếu khai thác được tiềm năng của ngành hàng không, đây sẽ là cú hích lớn cho nền kinh tế nói chung và nền công nghiệp không khói nói riêng.

Vẫn theo ông Tống, để ngành hàng không có thể bứt phá trong thời gian tới, cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng.

“Cái này chúng ta đang thiếu, phải giải quyết từng vấn đề riêng lẻ, Chính phủ, Quốc hội phải có hội thảo để đóng góp ý kiến quốc gia về hàng không dân dụng, trong đó có những vấn đề hạ tầng cho các sân bay”- ông Tống nhấn mạnh và cho rằng, Chính phủ cần có chính sách mạnh, rõ ràng để khuyến khích đầu tư phát triển hàng không.

Trước đây, ta nói hàng không là của nhà nước, không có tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều. Hiện nay trên thế giới có 14% sân bay là có sự tham gia của tư nhân, và các sân bay tư nhân này chuyên chở đến 41% khách quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Phúc- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để ngành hàng không phát triển thì trước hết kinh tế - xã hội phải phát triển, phải hội nhập quốc tế, tăng cường đầu tư để nhu cầu đi lại tăng cao, từ đó tạo ra lượng khách vào Việt Nam du lịch tham quan, làm ăn.

Ngày xưa ở Hà Nội, đi tàu chợ về Hà Tĩnh mất 2 ngày, nhưng giờ đi máy bay mất trên dưới 40 phút, đó là lựa chọn rất tốt cho người có thu nhập. Vì vậy, cần phải phát triển các cảng hàng không và giải quyết được những điểm nghẽn về hạ tầng cơ sở hiện nay.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/cu-hich-cho-nganh-du-lich-tintuc411406