Cụ già mòn mỏi chờ chế độ thương binh

12 năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng (67 tuổi, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) đã liên tục đề nghị cơ quan chức năng giải quyết chế độ thương binh cho mình nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Vợ chồng ông Thắng trong căn nhà lụp xụp tại xã An Ninh Tây.

Vợ chồng ông Thắng trong căn nhà lụp xụp tại xã An Ninh Tây.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Thắng nằm sâu trong con hẻm thuộc thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây. Ngôi nhà lụp xụp, không có gì giá trị ngoài con bò đang mang thai. Ông bà hiện có 5 người con, 3 người con đã lập gia đình, 2 người con lại đang bị thương tật do tai nạn.

Gặp phóng viên, ông Thắng buồn bã nói: “Tôi gần đất xa trời rồi, chỉ mong cuối đời có đồng trợ cấp ít ỏi và được công nhận mình đã cống hiến cho đất nước là vui rồi, chẳng mong gì hơn”.

Theo ông Thắng thì vào năm 1967, ông làm du kích địa phương. Đến mùa xuân năm 1970, ông thoát ly bộ đội ở 205 Huyện đội Tuy An. Tháng 2/1971, ông tiếp tục đi tham gia chiến đấu ở Phú Tân, Tuy An. Trong lúc đang làm nhiệm vụ trong đơn vị, ông bị địch bắn bị thương ở mắt trái và tai. Ngay sau đó, ông được đồng đội sơ cứu, gắp mảnh đạn trên mí mắt trái của ông và chuyển về Trạm xá Y13 huyện Tuy An để điều trị (có giấy xác nhận).

Sau khi điều trị xong, đến tháng 9/1972, ông về công tác tại C25 đặc công Tỉnh đội Phú Yên với vai trò là chiến sĩ. Tháng 11/1972, ông tiếp tục chuyển về C18 thông tin Tỉnh đội Phú Yên. Đến tháng 4/1974, ông tiếp tục đi tiền phương ở Đắk Lắk. Sau giải phóng năm 1975, ông về trường văn hóa bổ túc tỉnh đội Phú Yên để công tác.

Năm 1976, sức khỏe ngày một yếu dần, ông xin nghỉ sớm về với gia đình và làm nông.

Năm 2008, khi biết Nhà nước có chính sách đãi ngộ cho người có công với cách mạng, ông đã làm đơn xin được hưởng chế độ thương binh đối với người có công. Thế nhưng, cuộc hành trình đi xin “chế độ chính sách đối với người có công” kéo dài 12 năm mà chưa kết thúc.

Ông Võ Minh Hùng (SN 1940, TT. Chí Thạnh, huyện Tuy An, người tham gia kháng chiến cùng đơn vị với ông Thắng ở Phú Tân) xác nhận: “Tháng 11/1971, tôi và ông Thắng là chiến sĩ đơn vị C205 của Huyện đội Tuy An. Lúc này, trên đường rút về căn cứ, đơn vị tôi bị địch truy kích, ông Thắng bị đạn gim vào mí mắt trái. Tôi là người trực tiếp gắp mảnh đạn, băng bó, hồi sức và chuyển về Trạm xá Y13 huyện Tuy An điều trị”.

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây cho biết: “Xã đã nắm được trường họp của ông Thắng, trong các cuộc họp cử tri ông Thắng cũng có ý kiến về việc này. Thế nhưng, trường hợp của ông Thắng vượt quá thẩm quyền của xã”.

Khi được hỏi trường hợp của ông Thắng có đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh không, ông Nam cho biết, người phụ trách mảng này đã đi công tác nên hẹn trả lời phóng viên sau.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định điều kiện xác nhận thương binh như sau:

1. Người bị thương thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi chung là thương binh):

a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;

c) Hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể;

d) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp bị thương trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là thương binh;

đ) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

g) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai;

h) Làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

i) Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao.

Minh Hằng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/cu-gia-mon-moi-cho-che-do-thuong-binh-493229.html