Cụ già gần trăm tuổi trăn trở với những điệu hát giao duyên

'Những câu hát đã đi theo tôi cùng năm tháng, giờ nếu không kịp thời uốn nắn, truyền dạy cho lớp trẻ các bài hát giao duyên, thì coi như những vốn văn hóa vùng biển Quảng Ninh sẽ mai một dần'. Đó là điều trăn trở bấy lâu nay của nghệ nhân hát giao duyên Nguyễn Văn Hưu (94 tuổi), khu làng chài, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưu biên tập lại các bài hát giao duyên ở vùng biển Quảng Ninh. Ảnh: Long Vũ

Hát giao duyên là loại hình hát đối đáp dân gian của người Việt. Trong đó, tình cảm của đôi lứa được thể hiện vừa say đắm lại vừa ý nhị, kín đáo. Vùng đất Quảng Ninh có nhiều loại hình hát giao duyên ở nhiều nơi, nhiều dân tộc. Nhưng, đặc sắc hơn cả vẫn là loại hình hát giao duyên của người dân chài trên vịnh Hạ Long. Người biết hát các làn điệu giao duyên ở vùng biển còn rất ít. Những nghệ nhân biết hát những làn điệu, câu hát nay tuổi đã cao.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hưu cho biết: “Hát giao duyên hay còn gọi là hát ghẹo, hát đối đáp, hát chèo đường... Hát giao duyên ở vùng biển Quảng Ninh lại có một hương sắc, hơi thở của vùng biển mà ít thấy ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Ngày trước, tôi và gia đình vốn sống ở làng chài trên biển khu Hùng Thắng (thành phố Hạ Long). Gia đình tôi sống quây quần bên chiếc bè trên vịnh. Lúc nhỏ, mẹ tôi thường hát ru tôi. Lớn thêm một chút nữa, tôi được “đắm mình” trong một không gian văn hóa đậm sắc miền biển. Các nam thanh, nữ tú khi đánh bắt cá trên biển, lao động kéo lưới, câu cá mệt nhọc, thường hát lên những câu hát để xua tan mệt mỏi và vì thế mà các câu hát, bài hát giao duyên ra đời. Năm tôi 18 tuổi, tôi cũng được theo chúng bạn trên làng chài (một làng chài nổi trên vịnh Hạ Long) đi hát, có những canh hát thâu đêm suốt sáng. Cũng từ đó mà những câu hát đã “ngấm” vào máu tôi lúc nào không hay”.

Hát giao duyên ở vùng biển Quảng Ninh có nhiều điểm mới, mà có lẽ nhiều người nghe sẽ rất ngạc nhiên bởi những ca từ trong bài hát rất giống với ca dao Việt Nam. Xét về các bài giao duyên miền biển ở Quảng Ninh, các ca từ, vần điệu, ngay cả thanh âm cũng rất nhiều luyến láy. Điều quan trọng hơn nữa, hát giao duyên hay còn gọi là hát đối, đòi hỏi người hát phải “ứng khẩu” nhanh.

Cụ Hưu cho biết thêm: “Khi hát, ban đầu chỉ là hát giao duyên giữa nam thanh niên ở thuyền này, với một cô gái bên thuyền kia. Sau đó, các nam thanh niên ở các thuyền khác tập hợp lại đối hát với các cô gái ở thuyền khác. Họ thường hát hỏi thăm nhau, sau đó nếu đã ưng ý, họ lại hát ngỏ lời trao duyên, thử tài, thử tình nhau. Có những cuộc hát giao duyên say mê từ đêm cho đến sáng vẫn chưa thôi. Hát giao duyên ở vùng biển Quảng Ninh bao giờ cũng bắt đầu bằng màn chào hỏi, người nam thường “nhường” người nữ hát trước”.

Nhận thấy tầm quan trọng của các bài hát giao duyên của vùng biển Quảng Ninh trong đời sống văn hóa của cư dân vùng biển, năm 2006, cụ Hưu đã tự mình đi sưu tầm và chọn lọc các bài hát để lưu giữ lại. Không chỉ sưu tầm, cụ Hưu còn chú trọng vào việc đào tạo bồi dưỡng, tạo những sân chơi cho các em nhỏ làng chài, bằng cách dạy các em hát. Năm 2008, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban quản lý vịnh Hạ Long tổ chức phục dựng lại tục hát đám cưới của ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long, cụ Hưu được mời tham gia. Và không phụ lòng tin của Ban tổ chức, cụ đã nhiệt tình đem hết khả năng để truyền dạy cho các nam thanh, nữ tú của làng.

Cụ Hưu tự hào kể với tôi rằng, thuở trai trẻ, cụ đã cùng đám thanh niên trong làng sang vùng biển Vân Đồn hay làng đảo Hà Nam (Quảng Yên) để hát đối, tìm bạn tình. Có khi gặp bạn tri kỷ, mọi người cùng hát thâu đêm, suốt sáng. Mong muốn lớn nhất của cụ Hưu là những lời ca, điệu hát của ngư dân làng chài sẽ được lớp trẻ kế tục, lưu truyền cho đời sau... Không phụ lòng cụ, những cô Hằng, cô Nhị, cô Minh (hướng dẫn viên Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn) đã học thuộc khá nhiều làn điệu dân ca cụ truyền dạy, để biểu diễn phục vụ tại Trung tâm khi du khách có yêu cầu.

Năm 2012, với những đóng góp không mệt mỏi của mình, cụ Hưu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và nhận nhiều giấy khen, bằng khen cấp bộ và của tỉnh trao tặng, vì những cống hiến của cụ cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển hát giao duyên vùng biển Quảng Ninh.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, nghệ nhân luôn trăn trở về việc duy trì và truyền nghề cho thế hệ sau.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cu-gia-gan-tram-tuoi-tran-tro-voi-nhung-dieu-hat-giao-duyen/