Cụ già 80 tuổi bán rau mỗi ngày kiếm tiền tặng người nghèo

Tấm lòng thơm thảo, chân tình của cụ già 80 tuổi (quê ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang) Nguyễn Thị Bê đã làm lay động trái tim nhiều người. Bởi hơn 10 năm nay, ngày nào bà cũng miệt mài hái rau mang ra chợ bán, số tiền ít ỏi có được từ bán rau bà mua gạo mang đến tặng người người khuyết tật, người đau bệnh trong xóm.

Bà Năm bán rau kiếm tiền tặng người nghèo

Người dân xung quanh ngôi chợ nhỏ cạnh UBND xã Bình Phước Xuân vẫn quen gọi bà là bà Năm Sắt. Mỗi khi nhắc đến bà Năm, ai cũng dành cho bà một tình cảm trìu mến thân thương và nhận xét rằng bà Năm hiền lắm, tốt bụng. Hình ảnh giản dị của bà đã đi sâu vào tâm trí của nhiều người dân trong vùng và có sức lan tỏa kỳ diệu. Bởi, ban đầu người dân không chỉ thấy thương khi chứng kiến một cụ già 70 tuổi ngày ngày men theo các kênh, mương, khoảng đất trống hái từng đọt rau trai, rau muống, đọt nhãn lồng mà càng thấy thương hơn khi biết chuyện bà hái rau không phải để mưu sinh mà là để dành làm từ thiện.

Có được tấm lòng sẻ chia ấy, bà Năm cho hay, chính bản thân bà đã trải qua cảnh “thập tử nhất sinh” do đau bệnh, chứng kiến cảnh khó nghèo của người dân khi đến bệnh viện mà không có tiền trong người nên bà quyết giúp. “Ngày trước, tôi đau bệnh nhiều, đến trận cuối là ung thư trực tràng phải trải qua 2 lần phẫu thuật. Những ngày ở bệnh viện, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật, những người mắc bệnh hiểm nghèo mà khó khăn hơn mình rất nhiều. Từ đó, khi khỏe mạnh tôi luôn tâm niệm bằng chính điều kiện, sức lực của mình tôi sẽ kiếm tiền san sẻ một phần đớn đau, vất vả cho họ” - bà Năm chia sẻ.

Thế là mỗi ngày người qua kẻ lại đều thấy hành động đẹp của bà, người thì mua giúp rau, người thì cùng bà đi mua gạo tặng người nghèo. Làm việc trong niềm yêu thích và hăng say, suốt 10 năm bà đã âm thầm giúp biết bao cảnh đời bất hạnh. Bà Năm cho hay: “Tôi làm từ thiện êm ái lắm, đôi khi có nhận chuyển tiền, gạo của người khác nhờ gửi giúp các hoàn cảnh tôi cố gắng hoàn thành, không để ai nghi kỵ, phiền lòng. Mỗi ngày, khi bán rau xong tôi ghé thăm những gia đình neo đơn, khuyết tật, đau bệnh nặng, thấy họ cần mua thuốc thì giúp tiền, thấy họ hết gạo ăn thì tặng gạo. Các con tôi đôi khi thấy mẹ làm vất vả có can ngăn nhưng tôi đã bảo, mẹ đã sống cả cuộc đời dành cho chồng và 10 đứa con, nay cuối đời mẹ chỉ mong làm việc gì giúp đời là làm”.

Dù có tấm lòng rất tốt nhưng bà Năm Sắt vẫn không thể mãi đi hái rau, bởi sức khỏe ngày càng suy yếu. Trong cái khó, bà Năm đã nghĩ đến chuyện không hái rau thì mua rau của các tiểu thương và ngồi ở chợ bán, với mong muốn kiếm được đồng nào hay đồng đó. Thế là cứ 3 giờ sáng, bà Năm lui cui thức dậy bào sẵn bắp chuối, rau muống, đến 5 giờ sáng chất hàng lên chiếc xe đạp chạy ra chợ cách nhà 1km để bán. Đến chợ, tiểu thương có giao thêm hàng chanh, sả, ớt, các loại rau bà nhận và ngồi bán thêm.

Có những hôm người mệt mỏi không còn sức để đạp xe, bà bước xuống dẫn xe đi bộ, rồi vừa ngồi chợ, vừa trò chuyện với các chị em tiểu thương, các chị em trong hội phụ nữ xã để tính toán phần rau nào sẽ đem tặng cho Tổ từ thiện của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, phần lời nào kiếm được tiếp tục mua gạo tặng người nghèo trong vùng. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Phước Xuân Nguyễn Thị Ngọc Giàu chia sẻ: “Khi xuống địa bàn, lắng nghe câu chuyện của bà Năm tôi vô cùng xúc động trước tấm lòng nhân ái, sẻ chia của bà. Thấy việc làm của bà rất hay, tôi vận động thêm các chị em phụ nữ khác góp sức, góp của phụ giúp bà Năm cùng làm việc thiện”.

Không còn là những lời kể lại mà ngay lúc chúng tôi đang trò chuyện cùng bà Năm, cô Nguyễn Thị Bé Tám (người dân cùng ấp) đã ghé đến gian hàng bà Năm vừa mua ủng hộ rau, vừa chia sẻ với bà Năm một trường hợp anh thợ hồ trong ấp nhà rất nghèo, đang làm việc thì bị đột quỵ, người nhà đang đưa đi điều trị ở bệnh viện mà không đủ tiền đóng tạm ứng, nghe vậy bà lấy ngay số tiền 50.000 đồng vừa bán được trong buổi chợ sáng nhờ cô Tám chuyển cho người bệnh.

Bà Năm Sắt quả là có tấm lòng nhân hậu, một tấm gương “cây cao bóng cả”, bài học về sự cần cù lao động, tiết kiệm, biết yêu thương và chia sẻ.

Bài, ảnh: N.G

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cu-gia-80-tuoi-ban-rau-moi-ngay-kiem-tien-tang-nguoi-ngheo-a299519.html