Cú đòn giáng mạnh!

Tiến trình hòa bình cho Yemen đang đứng trước nguy cơ đổ sập trong bối cảnh chiến dịch quân sự lớn của liên minh Arab và các lực lượng thân chính phủ của nước này đang từng bước giúp chiếm lại thành phố Hodeidah từ tay của Houthis - nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shiite.

Hồi cuối tuần qua, Đặc phái viên LHQ về Yemen, Martin Griffiths, đã đến thủ đô Sanaa nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình đang rất mong manh này. Đặc phái viên Griffiths thảo luận với các quan chức Houthis điều kiện để ngăn chặn cuộc tấn công của liên quân, vốn được cho sẽ gây ra một đòn chí tử cho quá trình chính trị và đẩy tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng càng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình vẫn không thay đổi. Cuộc giao tranh đã tiếp diễn đến ngày thứ 5 tại thành phố cảng huyết mạch Hodeidah của Yemen. Lực lượng chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen nhấn mạnh, cuộc tấn công diễn ra sau khi tất cả các nỗ lực hòa bình và chính trị để thuyết phục Houthis rút khỏi Hodeidah đã cạn kiệt.

Chính phủ Yemen và liên quân cho rằng, cuộc tấn công sẽ buộc Houthis trở lại bàn đàm phán khi họ cáo buộc Houthis sử dụng cảng Hodeidah để buôn lậu vũ khí của Iran bao gồm tên lửa đạn đạo và cản trở dòng chảy viện trợ nhân đạo. Và họ tuyên bố sẽ hành động quân sự cho đến khi tất cả các phần còn lại của Yemen được giải phóng khỏi tay phe Houthis.

Nỗ lực này càng được chứng minh khi trong ngày 18-6, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thành viên của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đang hoạt động tại Yemen, cảnh báo Houthis phải rút khỏi thành phố cảng quan trọng Hodeidah khi các lực lượng thân chính quyền tiến gần Hodeidah. Lực lượng này cũng tuyên bố để ngỏ tuyến đường Hodeida-Sanaa cho phiến quân Houthis rút lui.

Tuy nhiên, phe Houthis cũng không dễ dàng chịu nhượng bộ. Lực lượng được cho là đã đào hầm và xây các công sự tại nhiều khu vực ở đây và cấm dân rời khỏi khu vực này, động thái khiến thành phố Hodeidah hiện vẫn tiếp tục được đặt dưới tình trạng khẩn cấp.

Tình hình này càng làm dấy lên mối lo cho vấn đề viện trợ nhân đạo ở Yemen. Quốc gia này đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Hơn 22 triệu người đang cần sự trợ giúp và bảo vệ nhân đạo, trong đó có hơn 8 triệu người có nguy cơ bị chết đói. LHQ đã cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện, hơn 10 triệu người sẽ chết đói vào cuối năm nay.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_191119_cu-don-giang-manh-.aspx