Cư dân thành phố nghèo nhất Nam Á đang chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt

Vào mỗi mùa hè, hàng nghìn gia đình sống trong một khu nhà tạm ven bờ sông Manohara tại thủ đô Kathmandu, Nepal đều phải gồng mình chống chọi với lũ quét khi mưa gió mùa đổ về.

Mật độ dân cư tại đây đã tăng dần trong 20 năm qua. Từ một không gian xanh và thoáng đãng ven sông nay đã được lấp đầy bằng nhiều ngôi nhà ổ chuột san sát, nằm giữa những cánh đồng lúa nhỏ.

Giữa sự đông đúc này, rủi ro đang tăng lên.

Vào tháng 8 vừa qua, khi lũ lụt ập đến vùng ngoại ô Kathmandu, cư dân của khu ổ chuột này đã phải mất nhiều ngày để hong khô đồ đạc bị ngâm nước, trong khi các trường học địa phương đóng cửa một tuần do lớp học bị ngập.

Bà Indira Mahat, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Sarasvati cho biết: "Các lớp học bị ngập sâu tới một mét ... sách vở và học bạ bị hư hỏng".

Bà Shanta, một người dân tại khu dân cư này cho biết nhiều người sống ở đó "mất ngủ nhiều đêm" trong mùa mưa.

Dân số của thung lũng Kathmandu dự kiến ở mức 2,5 triệu người. Ảnh: Straits Times.

Dân số của thung lũng Kathmandu dự kiến ở mức 2,5 triệu người. Ảnh: Straits Times.

"Khi lũ thực sự ập đến, chúng tôi phải gánh chịu hậu quả hàng tháng trời", bà mẹ ba con 40 tuổi cho biết khi rửa bát ngoài hiên nhà.

Lo lắng về lũ lụt là thói quen hàng năm của cộng đồng, tuy nhiên, các chuyên gia môi trường lo ngại rằng người dân ở đây, giống như những cư dân tại những nơi nhạy cảm với biến đổi khí hậu trên khắp Nam Á - phải đối mặt với những mối đe dọa thậm chí còn khắc nghiệt hơn khi mưa trở nên thất thường và dữ dội hơn.

Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vào mùa hè năm nay ở Pakistan - và những trận lũ lụt khác trong khu vực, bao gồm cả ở Bengaluru của Ấn Độ - cho thấy nhiều quốc gia và thành phố không được chuẩn bị trước thời tiết ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Các nhà nghiên cứu và quan chức trong khu vực cho biết quá trình đô thị hóa nhanh chóng và không có kế hoạch là lý do chính khiến các thành phố Nam Á, từ Karachi đến Kathmandu rất dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Đặc biệt, những người nghèo nhất có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao nhất khi dân số đô thị bùng nổ.

Giáo sư Ilan Kelman, chuyên gia về rủi ro thiên tai tại Đại học London, Anh, cho biết, nhiều cư dân thành phố nghèo hơn không có đủ nguồn lực để chuẩn bị hoặc đối phó với những rủi ro mới này.

Ông nói: "Mọi người (bị buộc) vào những tình huống mà họ không thể làm gì cả".

Kathmandu phải đối phó với nhiều thách thức

Dân số của thung lũng Kathmandu - bao gồm thủ đô của Nepal cũng như các quận Lalitpur và Bhaktapur - ước tính khoảng hơn 2,5 triệu người.

Các nghiên cứu cho thấy số lượng cư dân tại đây đang tăng 6,5% mỗi năm - một phần là do người dân nông thôn tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Và điều này khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực đô thị phát triển nhanh nhất Nam Á.

Các khu định cư phi chính thức có xu hướng mọc lên tại những vùng đất kém hấp dẫn nhất ở Kathmandu, chủ yếu dọc theo các bờ sông của thành phố, nơi bị ô nhiễm nặng và dễ bị lũ lụt trong các đợt mưa gió mùa.

Các quan chức của Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Nepal cho biết cần thực thi đạo luật cấm xây dựng trên các vùng ngập lũ, đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải có nhà ở và hệ thống thoát nước tốt hơn nhằm hạn chế lũ lụt trong tương lai.

Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Định cư Con người thuộc Liên hợp quốc, hơn một tỷ người trên thế giới sống trong các khu ổ chuột hoặc các khu định cư không chính thức, trong đó hơn một phần tư ở Trung và Nam Á. Báo cáo cũng ước tính rằng 3 tỷ người sẽ cần được tiếp cận với nhà ở đầy đủ hơn vào năm 2030.

Hệ lụy tới toàn khu vực

Bengaluru, trung tâm công nghệ của Ấn Độ, cũng đã trở thành một ví dụ khác của tình trạng ngập lụt đô thị tại khu vực này vào mùa hè năm nay. Mưa lớn đã làm tê liệt thành phố trong nhiều ngày và đặt ra câu hỏi về sự phát triển phải trả giá bằng không gian xanh và khả năng phòng chống lũ lụt tự nhiên.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Ấn Độ, vào năm 2021, chưa đến 3% thành phố này được bao phủ bởi thảm thực vật, giảm so với khoảng 68% vào đầu năm 1970.

Ông Jagdish Krishnaswamy, thuộc Viện Định cư Ấn Độ (IIHS) có trụ sở tại Bengaluru, cho biết thành phố đã "phung phí" những lợi thế vốn có trong việc phòng lũ, chẳng hạn như độ cao lớn, địa hình uốn lượn và các hồ thông nhau.

Ông nói: "Sự phát triển cơ sở hạ tầng đã làm trầm trọng thêm khả năng phòng chống lũ của Bengaluru (còn được gọi là Thung lũng Silicon của Ấn Độ)".

Các vấn đề khác cũng góp phần vào vấn đề lũ lụt như các cống thoát nước mưa bị lấn chiếm, đường xá và các công trình xây dựng khác cũng đã làm gián đoạn dòng nước tự nhiên trong lưu vực, ông nói thêm.

Ông G.S. Srinivasa Reddy, Giám đốc Trung tâm Giám sát Thảm họa Thiên nhiên bang Karnataka, cho biết Bengaluru cần áp dụng các biện pháp giảm lũ như dỡ bỏ các công trình lấn chiếm đường thủy, cải thiện hệ thống thoát nước và khơi thông dòng chảy.

Trong khi đó, tại Karachi, thành phố lớn nhất của Pakistan, sự phát triển không theo kế hoạch và sự xâm phạm hệ thống thoát nước tiếp tục làm tăng quy mô và khả năng xảy ra lũ lụt, kiến trúc sư kiêm nhà quy hoạch đô thị Arif Hasan cho biết.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, lũ lụt ở Pakistan kể từ giữa tháng 6 đã khiến hơn 1.650 người tại nước này thiệt mạng.

Còn tại các khu ổ chuột ở vùng ngập lũ Kathmandu, người dân cho biết họ vẫn hy vọng mọi thứ có thể cải thiện. Bina Lama, 35 tuổi, chia sẻ: "Tôi hy vọng sẽ để lại những ký ức tồi tệ về lũ lụt sau lưng mình. Mong chính phủ sớm giúp chúng tôi thoát lũ".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cu-dan-thanh-pho-ngheo-nhat-nam-a-dang-chiu-hau-qua-nang-ne-cua-lu-lut-20221004104815689.htm