Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn căng băng rôn phản đối điều chỉnh quy hoạch

Hôm qua, ngày 12/5, cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn đã xuống đường phản đối về sự điểu chỉnh quy hoạch cùng nhiều bức xúc tồn tại suốt hơn 2 năm qua mà chưa được giải quyết.

Cư dân ở khu Ngoại giao đoàn phản đối chủ đầu tư (Ảnh Quỳnh Chi)

Theo ghi nhận, trong ngày, nhiều cư dân trong khu đô thị Ngoại giao đoàn đã tập trung trước cổng công viên, mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu phản đối những bất cập xảy ra.

Bà Phạm Thị Hòa Thái, Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn bức xúc: Ngày hôm nay chúng tôi đến đây để bày tỏ sự phản đối về những việc là bệnh viện được xây trên quy hoạch mà khi chúng tôi mua nhà là đầu mối kỹ thuật. Thứ 2 là vấn đề cư dân bức xúc về việc chậm trễ làm sổ đỏ. Thứ 3 là hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cho cư dân.

Được biết, khu đất ký hiệu DMKT1 theo quy hoạch ban đầu khi chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng và bán nhà cho cư dân là trạm biến thế điện. Sau 2 lần xin điều chỉnh quy hoạch, khu đất DMKT1 từ trạm biến thế điện đã trở thành vị trí của Bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.

Cụ thể, theo lần điều chỉnh quy hoạch thứ nhất ngày 2/6/2016, Trung tâm U bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản có trung tâm nghiên cứu công nghệ cao 9 tầng (1 tầng hầm) diện tích sàn 11.000m2, khu giao lưu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam – Nhật Bản, nghiên cứu phát triển 6 tầng (1 tầng hầm) diện tích 5.600m2. Công suất dự kiến là 40 giường nghiên cứu, điều trị. Cho đến ngày 1/3/2017 đã được điều chỉnh lên thành 12 tầng với công suất là 100 giường bệnh.

Ông Lê Việt Đức, Trưởng Ban quản trị Tòa 03T8, Khu Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Tại sao bệnh viện ung bướu này được cấp giấy phép thì chúng tôi rất ngạc nhiên bởi vì chúng ta có rất nhiều cơ sở để bác bỏ việc xây dựng bệnh viện ở đây từ những quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc không được phép xây dựng các bệnh viện chuyên khoa trong khu nội thành rồi những văn bản về quy hoạch ở khu vực này là không có bệnh viện. Bây giờ xây dựng bệnh viện là chuyển đất công thành đất kinh doanh và biến chỗ đấy thành bệnh viện thì trạm biến thế giờ đặt ở chỗ nào?

Bà Cù Phương Dung cho biết thêm: Đầu tiên chủ đầu tư xin phép xây dựng ở trong khu đất này là một viện nghiên cứu về ung bướu chứ không phải bệnh viện, sau khi họ xin được xây dựng trung tâm nghiên cứu về ưng bướu thì họ lại xin đổi giây phép thành bệnh viện ung bướu. Và chúng tôi không hiểu tại sao một khu đất công lại biến thành bệnh viện tư nhân ở đây? Cư dân cảm thấy đây có dấu hiệu gì đó về vi phạm sử dụng đất đai cho nên chúng tôi đi tìm hiểu thì mới biết là đầu tiên là Bệnh viện ung bướu Việt Nhật, sau đổi tên thành Bệnh viện đa khoa Nhật Bản, nhưng sự thực thì không hề liên quan chút nào tới yếu tố Nhật Bản ở đây.

Trao đổi thêm với cư dân được biết, ngoài vấn đề bức xúc về việc xây dựng bệnh viện Ung Bướu, hiện nay tại khu đô thị Ngoại giao đoàn còn có những thay đổi khác là chèn thêm các khu cao tầng dẫn đến áp lực cho cơ sở hạ tầng, các cư dân lo ngại nơi này sẽ biến thành khu Linh Đàm thứ 2.

Hơn thế nữa, rất nhiều tòa hiện nay ở đây đến 4 năm trời, các cư dân đã làm thủ tục đầy đủ nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Cư dân đã làm nhiều đơn thư rất nhiều lần nhưng không được trả lời thỏa đáng.

Điều chỉnh quy hoạch vẫn luôn là một đề tài nóng khi đâu đâu cũng thấy thay đổi, đâu đâu cũng thấy điều chỉnh và cứ mỗi lần điều chỉnh là lại một lần tăng thêm diện tích. Nội đô Hà Nội đang ngày ngày bị nhồi nhét bởi những tòa cao ốc, và bài toán giải quyết áp lực lên hạ tầng thì dường như ngày càng bế tắc.

Quỳnh Chi

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cu-dan-khu-do-thi-ngoai-giao-doan-cang-bang-ron-phan-doi-dieu-chinh-quy-hoach-post61825.html