Cư dân Hà Nội đang chuyển dịch dần ra vùng ven

Bên cạnh 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn thuộc Hà Tây trước đây, thì sức hút giãn dân cao nhất và hiện hữu rõ nét dáng vóc nhất trong 10 năm qua, kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, chính là các KĐT Mỹ Đình, Văn Quán, Mỗ Lao, An Khánh ở phía Tây; Việt Hưng, VinHome RiverSide ở phía Đông; Linh Đàm, Garmuda ở phía Nam; Ciputra, Ecohome ở phía Bắc... Cùng với các KĐT mới dọc vành đai 3 như Times City, Royal City, Trung Hòa - Nhân Chính, các KĐT nói trên đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Kéo theo đó là làn sóng một bộ phận cư dân Hà Nội đang chuyển dịch dần ra vùng ven.

Khởi tạo từ quy hoạch

Năm 2011, tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cùng với đô thị trung tâm, Hà Nội đồng thời xác lập 5 đô thị vệ tinh, gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Các đô thị vệ tinh này cùng với các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên…

Ông Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Đây là một trong những đồ án đã đạt được yêu cầu về phát triển không gian đô thị, tạo điều kiện để phân bổ lại sức sản xuất, phân bố lại dân cư, cũng như các khu chức năng phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên và phù hợp với các yêu cầu phát triển… Quá trình phát triển trên các trục hướng tâm lớn tạo nên các vành đai xanh, khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội.

Trong cuộc kiến tạo đô thị ở những khu mới, Hà Nội luôn nhận được sự đồng hành kịp thời của những nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Cương - Phó tổng giám đốc Cty LD TNHH Đầu tư KĐT Bắc An Khánh cho biết: Dự án của chúng tôi đặt mục tiêu thu hút người dân ra khỏi phần lõi để đến các KĐT. Ngay từ đầu khi lập quy hoạch, chúng tôi đã chú trọng việc bảo đảm những thuận lợi về giao thông cũng như các điều kiện về môi trường sống tốt nhất cho người dân ở đây. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã đầu tư đường vành đai 3,5 - đây là cửa ngõ vào Thủ đô. Để tạo điều kiện hơn nữa cho cư dân, chúng tôi kết nối Đại lô Thăng Long tới các KĐT để rút ngắn hơn nữa thời gian di chuyển của người dân từ nội đô vào KĐT…

Làn sóng dịch chuyển ra vùng ven

Rút ngắn thời gian di chuyển, đi đôi với kiến tạo môi trường sống xanh, đầy đủ tiện ích, thiết lập các KĐT mới văn minh, hiện đại là phương châm đầu tư đúng đắn được lan tỏa, từ đây tạo ra một cú hích mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến nhận thức của cư dân các đô thị mới.

Anh Lương Quốc Việt - KĐT Splendora cho biết: Việc gia đình chuyển đến định cư ở KĐT Splendora quả là một quyết định rất khó khăn. Ban đầu gia đình chỉ xác định đây là nhà ở cuối tuần, song càng ngày chúng tôi càng yêu mến cuộc sống ở đây. Bà xã tôi quyết định di chuyển cả nhà và bảo với tôi là nếu tôi không về thì mẹ con cô ấy sẽ vẫn di chuyển về đây sinh sống

Tương tự, gia đình chị Đàm Hải Vân - KĐT Park City cũng chọn dời ra xa trung tâm vốn đã quá chật chột với công thức lựa chọn nơi ở mới: Giao thông phải thuận lợi, di chuyển vào nội đô hay di chuyển đi các tỉnh khác đều phải thuận lợi. Môi trường sống xanh, an lành, phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Chị Vân cho biết: Gia đình tôi sống 10 năm ở gần phố xá, gần các siêu thị lớn, gần Hồ Tây, có thể đạp xe vào phố, nên khi mới chuyển về KĐT Park City cũng căng thẳng vì nó thay đổi toàn bộ thói quen cuộc sống. Nhưng 3 năm ở đây rồi, tôi phát hiện ra mình thích nghi với cuộc sống ở đây hơn cả trên phố.

Điều đáng nói là không chỉ các cư dân sinh sống trong các KĐT cao cấp hài lòng về cuộc sống ở nơi ở mới. Ông Bùi Văn Bân ở KĐT Mỗ Lao (Hà Đông) chia sẻ: Trước kia gia đình tôi ở Thanh Xuân Bắc, rồi chuyển tiếp Khương Trung, Văn Quán… Trong 17 - 18 năm chuyển đi những 3 - 4 chỗ. Nay về KĐT Mỗ Lao ổn định rồi, tôi thấy không gian thoáng đãng, đường sá rộng rãi, cây xanh nhiều. So sánh với các nơi ở trước trong nội đô, bây giờ chỗ ở tốt hơn hẳn, rộng rãi hơn hẳn

Ông Nguyễn Trọng Khôi ở KĐT Mỗ Lao (Hà Đông) cũng có tâm sự tương tự: Sau khi hợp nhất Hà Tây về Hà Nội thì Hà Đông phát triển rất mạnh và mang dáng dấp đô thị hiện đại. Việc đi lại với người cao tuổi như chúng tôi giờ rất tiện. Với xe buýt, BRT, chúng tôi đi vào nội đô cũng thuận lợi.

Có thể nói, những KĐT, những điểm dân cư vùng ven mới đã góp phần đáng kể vào bài toán giãn dân đi đôi với phát triển hạ tầng dân sinh, phát triển quỹ nhà ở mới. Công bằng mà nói, chính nhờ yếu tố nền tảng ấy mà Hà Nội được bổ sung những nguồn lực mạnh mẽ trên rất nhiều khía cạnh…

Đặc biệt tiến trình đầu tư xây mới 4 triệu mét vuông nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp cũng đã góp phần giãn dân ra khỏi nội đô lịch sử. Không chỉ thay đổi thói quen ở, bước đầu Hà Nội đã đưa một số trụ sở các bộ, ngành, trường đại học di chuyển ra khỏi nội đô… Một số quận mới được hình thành, đóng vai trò giãn dân và làm trụ cột cho các trục tăng trưởng mới… Khu vực hai bên sông Hồng trở thành trục không gian cảnh quan trung tâm. Dòng sông Mẹ bao đời lại tiếp tục làm điểm tựa cho Thủ đô phát triển thăng hoa hơn trong ngày mới. Để rồi hôm nay, Hà Nội vừa thân thuộc, vừa ăm ắp dòng nhựa sống giao thoa giữa cũ và mới, giữa quen và lạ, giữa truyền thống và hiện đại được đan xen, tiếp nối liền mạch…

Minh Hằng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/cu-dan-ha-noi-dang-chuyen-dich-dan-ra-vung-ven.html