Cư dân bất an sống trong chung cư của Vinaconex 3

Mặc dù mới được đưa vào sử dụng gần 2 năm,nhưng cư dân chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục phải sống trong bất an, lo lắng bởi chất lượng công trình và sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư.

Chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3 (thuộc Khu đô thị Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) do chủ đầu tư, đồng thời là nhà thầu - Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) xây dựng. Tòa nhà được đưa vào sử dụng từ tháng 7.2016, nhưng hiện nay nhiều hạng mục tòa nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm, bất an cho hàng trăm hộ dân đang sống tại đây.

Cư dân lo lắng, bất an bởi chất lượng chung cư CT1 Trung Văn - Vinaconex 3.

Nguy hiểm “treo” trên đầu cư dân

Theo nội dung phản ánh tới Dân Việt, vào lúc 2h30 phút ngày 23.5 vừa qua tại vị trí trước cửa nhà rác sảnh tòa CT1 khu C đã có một viên gạch đá ốp tường kích thước 1m1x35cm rơi xuống đất. Và, cũng cách đó vài ngày, một viên gạch đá ốp tường mặt ngoài tầng kỹ thuật CT1 khu B đã rơi xuống từ độ cao 8m.

Cư dân chung cư CT1 Trung Văn - Vinaconex 3 bức xúc, kêu gọi mọi người cẩn thận sau khi sự cố rơi gạch đá ốp tường.

Anh Trần Đức Hiếu – Thành viên Ban quản trị (BQT) chung cư CT1 Trung Văn - Vinaconex 3 cho biết, tình trạng gạch đá ốp tường rơi và khả năng rơi đã được cư dân và BQT nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà để nhanh chóng khắc phục, đảm bảo cho cư dân. Tuy nhiên, các đơn vị bị kiến nghị trên lại thờ ơ và không có động thái sửa chữa và cảnh báo...

“Rất may, cả 2 sự việc không có thiệt hại gì về người. Nhưng, qua đây cũng thấy được sự thiếu trách nhiệm, coi thường sự an toàn của cư dân của chủ đầu tư và đơn vị ban quản lý tòa nhà”, anh Hiếu bức xúc.

Cư dân tự quây vùng khu vực gạch đá ốp tường có thể rơi để đảm bảo an toàn.

Vào chiều tối ngày 19.5 vừa qua, tại chung cư CTB1, khu đô thị Tân Tây Đô (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội), bất ngờ lớp gạch ốp trên trần rơi xuống trúng đầu hai bé trai 6 và 10 tuổi. Bé lớn bị sưng đầu và xây xát nhẹ, em 6 tuổi bị rách đỉnh đầu, vết thương khá sâu, dài 4 cm nên phải nhập viện để khâu.

Hiện tại, để đề phòng những hậu quả xấu có thể xảy ra do chất lượng công trình chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3, BQT và cư dân đã tổ chức quây lại những khu vực nguy hiểm và đặt cảnh báo tới tất cả mọi người.

Liên quan đến chất lượng công trình tại chung cư CT1 Trung Văn - Vianconex 3, vào khoảng 18h ngày 14.11.2016, tại tầng 19 tòa nhà CT1 khu C, một mảng trần thạch cao rất lớn đổ ụp xuống kéo theo cả dây điện và bóng đèn. Đây là khu vực thường xuyên có các cháu nhỏ vui chơi, cư dân cảm thấy may mắn vì đã không xảy ra sự cố nào.

Cùng thời điểm đó, cư dân còn bức xúc việc Vinaconex 3 bàn giao nhà cho cư dân về ở nhưng chưa đủ điều kiện an toàn về PCCC. Sau thời gian dài đấu tranh quyết liệt, công trình này mới được nghiệm thu PCCC theo quy định.

Hiện trường vụ sập trần thạch cao.

Bên cạnh những sự cố đã xảy ra tại chung cư do Vinaconex 3 làm chủ đầu tư, hiện nay, cư dân còn tố cáo nhiều hạng mục công trình chung cư này đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhưng không được sửa chữa. Đơn cử như: vỡ đường ống nước, thang máy hỏng, gạch sảnh chung cư bị vỡ... Cư dân phải bỏ tiền ra tự sửa, trong khi trách nhiệm bảo hành, sửa chữa vẫn là chủ đầu tư.

Chiếm dụng khoảng 12 tỷ đồng quỹ bảo trì

Cuối năm 2017, UBND quận Nam Từ Liêm đã có quyết định công nhận BQT chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3 theo đúng quy định pháp luật. Sau khi có tư cách pháp nhân, BQT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ kỹ thuật tòa nhà và quỹ bảo trì, song chủ đầu tư vẫn né tránh.

Đơn cử như, tháng 1.2018, BQT đã có công văn gửi Vinaconex 3, đề nghị công ty lên kế hoạch, bố trí cán bộ có trách nhiệm phối hợp cùng BQT bàn giao hồ sơ kỹ thuật tòa nhà, phòng sinh hoạt cộng đồng, quỹ bảo trì. Không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Vinaconex 3, ngày 8.2.2018, BQT lại tiếp tục có công văn đề nghị, nhưng một lần nữa, chủ đầu tư lại im lặng.

Hàng loạt những bất cập, vi phạm của chủ đầu tư tại chung cư CT1 Trung Văn - Vinaconex 7.

Ngày 9.3.2018, UBND quận Nam Từ Liêm ra Văn bản số 397/UBND-QLĐT, đề nghị Vinaconex 3 có trách nhiệm lập hồ sơ nhà chung cư và bàn giao cho BQT, đồng thời chuyển hồ sơ nhà chung cư về UBND quận và Sở Xây dựng để phục vụ công tác quản lý. UBND quận Nam Từ Liêm cũng yêu cầu Vinaconex 3 quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định.

Mới đây nhất, ngày 10.4.2018, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn Đặng Quốc Hùng có Văn bản 364/UBND-VP gửi Vinaconex 3, đề nghị công ty này khẩn trương phối hợp với BQT nhà chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3 thống nhất việc bàn giao hồ sơ kỹ thuật tòa nhà và quỹ bảo trì, tránh để phát sinh mâu thuẫn, làm mất ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương.

Tuy nhiên, xác nhận với PV Dân Việt ngày 24.5, ông Lê Văn Đôn – Trưởng Ban quản trị chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3 cho biết, hiện nay, Vinaconex3 vẫn “chây ì” không thực hiện đúng chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm và nghiêm túc làm theo các quy định của pháp luật. Khoảng hơn 12 tỷ đồng quỹ bảo trì vẫn đang bị chủ đầu tư “chiếm dụng” và chưa được bàn giao lại cho BQT quản lý.

“Chủ đầu tư đã hứa nhiều lần sẽ bàn giao hồ sơ và quỹ bảo trì lại cho BQT. Thế nhưng, tháng này qua tháng khác, chủ đầu tư vẫn chưa thể thực hiện các nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho cư dân chúng tôi”, ông Đôn bức xúc.

Vào khoảng 21 giờ ngày 23.5 tại chung cư Vinaconex 3 nằm trong ngõ 45 đường Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra một vụ cháy. Ngọn lửa phát ra từ tầng 5 của tòa B của chung cư Vinaconex 3, sau đó đã lan ra khiến nhiều người hoảng loạn tháo chạy và có nhiều người mắc kẹt ở các tầng phía trên.

Nhận thấy tình hình có nhiều người mắc kẹt trên các tầng cao, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã điều động 8 xe chữa cháy cùng với xe thang và các trang thiết bị hiện đại tới hiện trường để đưa những người bị mắc kẹt xuống an toàn. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, đám cháy được khống chế và dập tắt.

Trần Kháng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-dat/cu-dan-bat-an-song-trong-chung-cu-cua-vinaconex-3-878849.html