Cứ cho con một quả thận, để con sống thêm một lần nữa!

'Con thèm ăn, con muốn ăn' là câu mà Thổ Văn Minh liên tục nói sau 14 ngày được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 ghép thành công quả thận người cha hiến tặng.

 Ngày 23/3, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận cho cậu bé người Chăm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngày 23/3, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca ghép thận cho cậu bé người Chăm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bán ruộng vẫn không đủ tiền

Gặp chị Văn Thị Hồng Lên (31 tuổi, ngụ tại thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), dù qua lớp khẩu trang y tế nhưng ánh mắt chị không giấu được niềm hạnh phúc, sự hy vọng của người làm mẹ khi con trai “thoát án tử” và bắt đầu biết… thèm ăn.

Chị kể, từ khi sinh ra, đứa con thứ hai của vợ chồng chị là bé Thổ Văn Minh, (sinh năm 2012, người dân tộc Chăm) ăn uống kém, da sậm màu, thường xuyên tè dầm. Anh chị cứ nghĩ là do con còn nhỏ, lớn lên rồi sẽ khác. Thế rồi, đến đầu năm 2020, mỗi đêm đi ngủ là Minh lại ngứa ngáy khắp người, thường xuyên nôn ói khi thức dậy, da dẻ sạm đen hơn, càng lúc càng biếng ăn hơn, đang từ 23kg, cậu sụt cân chỉ còn 21kg. Lo lắng, vợ chồng chị Văn Thị Hồng Lên - Thổ Minh Thân (36 tuổi) đưa con đi khám tại phòng khám gần nhà, bác sĩ cho uống thuốc trào ngược dạ dày một tháng không đỡ.

Sau đó, gia đình đưa Minh đến khám tại Bệnh viện An Phước (Bình Thuận), bác sĩ thông báo, bé bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chuyển viện vào TP.HCM gấp.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành hội chẩn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Gia đình em không ai bị suy thận. Em thì buôn bán nhỏ ở đầu hẻm, chồng thì không biết chữ, chỉ làm nông đủ ăn qua ngày, nhưng khi nghe bác sĩ phân tích các phương pháp có thể điều trị cho con, vợ chồng em quyết định còn nước còn tát phải cứu lấy con”, chị Hồng Lên xúc động nhớ lại.

Ngày 27/5/2020, Minh được mổ đặt catheter (ống thông) thẩm phân phúc mạc và bắt đầu vô dịch thẩm phân từ 24/6/2020 tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày 5 lần.

Bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, hiện có ba phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và ghép thận. Trẻ chạy thận phải vào khoảng ba lần/tuần. Còn thẩm phân phúc mạc hay còn gọi là lọc màng bụng, có thể thực hiện tại nhà, dùng màng bụng để lọc sạch các chất độc, nước dư thừa do suy thận. Dung dịch thẩm phân được cho vào khoang màng bụng, khoảng vài giờ phải xả ra và cho dịch mới vào.

Sau ba tháng nằm viện, gia đình quyết định điều trị thẩm phân phúc mạc tại nhà cho Minh. Minh phải nghỉ học, hàng ngày cứ 6h sáng, cha mẹ đánh thức Minh dậy, xé túi dịch, mở van trên bụng xả từ từ nước dịch ra ngoài và thay dịch mới vào, khóa van lại. Cứ cách bốn tiếng, quy trình ấy lại lặp đi lặp lại đủ 4 - 5 lần mới kết thúc và phải uống thuốc huyết áp cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 tiến hành lấy quả thận của người cha để ghép cho cậu con trai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Từ khi được chẩn đoán suy thận, cho đến lúc Minh được thẩm phân phúc mạc, hầu như cuộc sống của em gắn bó với bệnh viện, phải nghỉ học, mọi sinh hoạt vui chơi của một đứa trẻ bình thường lại là ước mơ đối với Minh.

Ngoài ra, việc lọc màng bụng ngoài còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng, xơ hóa màng bụng… Minh thường đối mặt với những cơn huyết áp cao, co giật, nước tiểu ít. Hàng đêm, Minh trở mình vì đau nhức chân, cha mẹ phải thay nhau bóp chân cho em. Nhìn Minh hàng ngày đau đớn với bệnh tật, không muốn con cứ phải ra vào bệnh viện như cơm bữa, vợ chồng chị Hồng Lên bàn với nhau, chỉ còn biện pháp duy nhất là ghép thận cho con. Việc ghép thận có thể đưa Minh trở về cuộc sống gần như bình thường. Bởi, một quả thận ghép có thể kéo dài sự sống từ 10-20 năm, nếu quả thận hoạt động tốt còn có thể kéo dài sự sống đến 30 năm.

“Ở quê thường sinh nhiều con, nhưng vợ chồng em khổ quá nên chỉ dám sinh hai chị em Minh. Không may Minh lại mắc căn bệnh này, nên vợ chồng em nghĩ, thôi cứ cho con một quả thận để con sống thêm một lần nữa. Còn sau này, có khổ có nghèo, nhưng có con là hạnh phúc rồi!”, chị Hồng Lên chia sẻ.

Tháng 9/2020, anh chị đề đạt nguyện vọng hiến thận cho con với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, tuy nhiên các bác sĩ cho hay, chị Hồng Lên bị mắc nhiều bệnh nền nên không thể cho thận và quyết định anh Thổ Minh Thân sẽ là người cho Minh một quả thận. Lúc này, chi phí để làm xét nghiệm cho cha có tương thích với Minh không, chi phí ghép thận cho Minh, chi phí thuốc thang sau này cho Minh lại là một bài toán khó với gia đình chị Hồng Lên.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, chi phí một cuộc ghép thận trẻ em hiện nay khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm y tế. Mặt khác, người cho thận là người lớn sẽ phải tự trang trải chi phí cuộc mổ lấy thận cũng như các xét nghiệm trước mổ, khoảng 60-70 triệu đồng. Sau khi ghép thận, bệnh nhi phải theo dõi, xét nghiệm, uống thuốc chống thải ghép cũng tốn 10 - 15 triệu đồng/tháng…

Vợ chồng chị Hồng Lên quyết định bán nhà để cứu con, rồi dựng tạm căn chòi ngoài mảnh đất trống để ở. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã không đồng tình với phương án này, bởi sau ghép thận, bệnh nhi cần được chăm sóc tốt, sống trong môi trường sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng… Vì vậy, anh chị đã bán đi mảnh ruộng, nhưng vẫn không đủ tiền trang trải chi phí.

Trước hoàn cảnh của bệnh nhi, trước tình mẫu tử thiêng liêng của cha mẹ, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cùng các mạnh thường quân quyên góp, hỗ trợ mọi chi phí để thực hiện ca ghép thận.

Sau ca ghép thận, bệnh nhi được chuyển sang phòng Hồi sức tích cực theo dõi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Nhận quả thận từ cha

Ngay sau đó, mọi xét nghiệm, bệnh án của người cha được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện và hội chẩn 2 lần. Kết quả xét nghiệm cho thấy, thận của cha phù hợp với Minh. Ngày 23/3/2021, sau nhiều tháng chuẩn bị, ca ghép thận được tiến hành, quả thận của người cha được lấy ra và đưa vào cơ thể của cậu con trai Thổ Văn Minh.

“Cánh cửa phòng mổ đóng lại, tôi đứng ngồi không yên phía bên ngoài, ruột gan như lửa đốt. Chồng con đều ở trong đó, không biết thế nào. Tôi chỉ cầu xin có phép màu để chồng con tôi được khỏe mạnh, để lại được nghe Minh nhõng nhẽo”, chị Hồng Lên nghẹn ngào khi nhớ lại.

Khó khăn của êkíp phẫu thuật lúc này là bệnh nhi bị sản thận hai bên, kích thước thận nhỏ, trong khi quả thận của người cha dài 11cm, rất to so với ổ bụng của cậu bé 9 tuổi. “Kích thước mạch máu của bệnh nhi nhỏ, vì thế trước phẫu thuật chúng tôi đã đánh giá và quyết định ghép thận ở vị trí cao hơn. Tìm một mạch máu lớn tương thích để có thể dẫn máu nuôi quả thận, nối mạch máu to của quả thận tới các mạch máu nhỏ trong cơ thể bệnh nhi. Về sau này, khi quả thận lớn lên thì mạch máu sẽ lớn lên theo”, ThS.BS Phan Tấn Đức, trưởng khoa Ngoại niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 nói.

Nhìn thấy mẹ, cậu bé Thổ Văn Minh nắm chặt bàn tay mẹ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sau gần 5 giờ đồng hồ, cánh cửa phòng phẫu thuật mở ra, thông báo ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ hoàn thành sứ mệnh cứu người. Nghe tin, chị Hồng Lên ngồi sụp xuống ôm mặt khóc vì hạnh phúc.

Minh đã có nước tiểu, siêu âm thận ghép ngay sau mổ thấy tưới máu tốt, thận đã bắt đầu hoạt động sau 1 giờ phẫu thuật. Hàng ngày, Minh được 2 nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt trong 1 phòng riêng, còn mẹ sẽ được thăm Minh 1 lần/ngày. Cha Minh, sau 12 ngày nằm viện các vết mổ, ăn uống, chức năng thận hoàn toàn phục hồi và đã được xuất viện về nhà.

Minh cho mẹ xem vết phẫu thuật đã khô. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sau 14 ngày phẫu thuật, tôi cùng chị Hồng Lên vào thăm Minh trong phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Thận Nội tiết, nước da sạm đen, Minh đã có thể tiểu được khoảng 5.000ml/ngày, ăn ngon hơn theo chế độ của bác sĩ dinh dưỡng, ngủ ngon hơn.

Minh nhoẻn miệng cười thật tươi và nắm bàn tay mẹ nói: “Con khỏe rồi, giờ con thèm ăn, con muốn ăn, con không muốn đi học đâu, các bạn toàn bắt nạt con”. Minh luyên thuyên hỏi đủ thứ chuyện, từ chuyện cha, chị hai, cho đến chuyện trường chuyện lớp, chị Hồng Lên cứ nhỏ nhẹ, âu yếm trả lời con từng chuyện một. “Con ăn nhiều cho mau khỏe, về còn đi học. Sau này cha có bệnh con còn dẫn cha đi khám bệnh chứ cha có biết chữ đâu”, chị Lên nói với con.

Minh hào hứng khi nhìn thấy đồ ăn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Minh thèm ăn - chuyện mà trước khi ghép thận, Minh chẳng hứng thú gì. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhìn hai mẹ con Minh nói chuyện thật vui! Rồi đây, sau 6 tháng ghép thận, cậu bé Thẩm Văn Minh sẽ lại được đến trường, được trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, bên vòng tay của mẹ cha, gia đình và bạn bè.

“Đây là ca ghép thận lần thứ 19 của bệnh viện, điều đặc biệt ở ca ghép thận này so với các ca trước là có sự chênh lệch giữa khối lượng, trọng lượng của người cho và người nhận rất lớn. Dẫn tới thận của người cho vào cơ thể người nhận rất khó khăn. Thời gian phẫu thuật và kỹ thuật đối với ca này có tính đột phá. Nếu như những ca trước đây phải mất từ 8 - 10 tiếng, thì ở ca ghép thận này chỉ mất 4 tiếng 45 phút. Ca ghép này tạo đà để bệnh viện tiến tới ghép thận thường quy và tiến tới thành lập Trung tâm ghép tạng.

Nguyễn Thủy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cu-cho-con-mot-qua-than-de-con-song-them-mot-lan-nua-d288181.html