Củ Chi phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Với tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Củ Chi luôn tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực một cách bền vững, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao…

Với tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Củ Chi luôn tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực một cách bền vững, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao…

Theo thống kê của UBND huyện Củ Chi, trên địa bàn huyện hiện có 3.465 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn là 56.405 con với 25.140 con bò cái sinh sản đang khai thác sữa, cho sản lượng sữa tươi nguyên liệu bình quân khoảng 300 tấn/ngày. Sữa tươi được bán cho năm đơn vị là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Friesland Campina, Công ty TNHH Wingroupvina, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Agrifood và Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội.

Toàn huyện có 1.666 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 83.496 con, chiếm khoảng 60% tổng đàn heo của TP Hồ Chí Minh. Huyện cũng có khoảng 3.000 ha đang gieo trồng rau an toàn; khoảng 979 ha hoa kiểng (trong đó có 180 ha hoa lan). Trên địa bàn huyện có 35 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong ngành nông nghiệp, mỗi ngày cung cấp cho thị trường (thông qua các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ đầu mối) khoảng 12 tấn rau, củ, quả, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện, thành phố và các tỉnh lân cận.

Những năm gần đây, nhằm nhân rộng các mô hình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, huyện Củ Chi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn đăng ký chuyển đổi đất từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; đồng thời áp dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Thống kê cho thấy, toàn huyện Củ Chi hiện có 438,37 ha rau an toàn được trồng trong nhà lưới; gần 406 ha rau an toàn được áp dụng cơ giới hóa, tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt. Nhờ vậy, trong năm 2019, năng suất rau an toàn bình quân của huyện đạt 19,2 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế đạt gần 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Về hoa kiểng, Củ Chi đã có hơn 137 ha được trồng trong nhà lưới; hơn 104 ha được cơ giới hóa, tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt; năng suất năm 2019 đạt bình quân khoảng 200 nghìn cành hoa/ha/năm với hiệu quả kinh tế đạt khoảng 800 triệu đồng/ha/năm. Huyện cũng có hơn 12 ha nuôi cá cảnh với hơn hai triệu con cá giống được thả nuôi trong năm 2019 và năng suất đạt khoảng 840 nghìn con/ha/năm, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 2,4 tỷ đồng/ha/năm.

Chính sách tín dụng đã được huyện Củ Chi quan tâm sâu sát. Trong năm 2019, UBND huyện Củ Chi đã hỗ trợ lãi vay cho 236 hộ dân để khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị với tổng số tiền hỗ trợ 42,695 tỷ đồng. Gần sáu tháng đầu năm, có 24 hộ dân đã được hỗ trợ lãi vay với tổng số tiền đã chi hỗ trợ là 13,289 tỷ đồng… Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều điển hình, mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao và tạo hiệu ứng tích cực đối với xã hội như HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (xã Phước Hiệp), HTX hoa lan Huyền Thoại…

Tuy vậy, sự phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Củ Chi cũng đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, có không ít hộ nông dân chưa muốn tham gia kinh tế tập thể (hợp tác xã), vẫn giữ thói quen sản xuất kiểu truyền thống, lạc hậu… Phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa thể phân biệt được rau sạch và rau chưa sạch khi mua tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Nguồn nhân lực của các HTX vẫn còn yếu về nhiều mặt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cần đầu tư bài bản về trang trại, chuồng nuôi, nhà màng, nhà lưới…, nhưng huyện chưa thể cấp phép xây dựng các công trình này vì chưa có quy định cụ thể. Huyện đã góp ý, đề xuất cho phép sử dụng 10% diện tích đất (đối với mỗi khu vực trồng trọt rộng từ 5 ha đến 10 ha) để được xây dựng các công trình phụ trợ, nhưng đến nay, Sở Xây dựng thành phố vẫn chưa ban hành Quy trình hướng dẫn thực hiện thí điểm cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân có nhu cầu trên địa bàn huyện…

Trong lần khảo sát, làm việc mới đây tại huyện Củ Chi, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đã đề nghị Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố cần có chiến lược lâu dài, có nhiều đề tài, đề án nghiên cứu việc sản xuất giống (cây trồng, vật nuôi) để từng bước tiến tới tự chủ về nguồn giống cung cấp cho hoạt động sản xuất trên địa bàn, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu.

Các sở, ngành liên quan của thành phố cần nắm bắt cụ thể nguyện vọng, đề xuất của nhà nông; kết hợp rà soát, đối chiếu, đánh giá lại thực tế với chính sách và quy định pháp luật để tham mưu các giải pháp phù hợp, thiết thực cho lãnh đạo thành phố trong việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Bài, ảnh: HÀ CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44692902-cu-chi-phat-trien-san-pham-nong-nghiep-chu-luc.html