Cú bắt tay của những 'ông lớn': Kéo tiến hay đẩy lui?

Vinamilk vừa bắt tay với KIDO lập liên doanh mới với tên gọi là Vibev, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nước giải khát và kem... Câu chuyện này liệu rằng có mở ra một tương lai tươi sáng cho những thương vụ giữa các doanh nghiệp nội hiện nay.

Vinamilk và KIDO bắt tay hợp tác thành lập liên doanh. Ảnh: ST

Vinamilk và KIDO bắt tay hợp tác thành lập liên doanh. Ảnh: ST

Kế thừa sức mạnh
Theo thông tin được công bố, Công ty TNHH Liên doanh Nước giải khát Vinamilk - KIDO, tên thương mại là Vibev, sẽ bao gồm tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, KIDO 49%. Lĩnh vực liên doanh của hai bên là sản xuất kinh doanh nước giải khát (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa..., không bao gồm các loại nước có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.
Theo chia sẻ từ KIDO, giai đoạn 2011- 2014, dung lượng của thị trường nước giải khát chỉ khoảng 80.320 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 13,5%; giai đoạn 2015-2019, dung lượng vào khoảng 123.558 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,4%; dự kiến năm 2020, dung lượng thị trường vào khoảng 134.302 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 6,3%. Vì thế, ngành nước giải khát đang có sự phát triển rất tiềm năng, là tiền đề quan trọng cho việc thành lập liên doanh này.
Tuy nhiên, về mặt thị trường, đây thực sự là thương vụ hợp tác giữa hai doanh nghiệp lớn trong nước rất đáng để chờ đợi. Bởi hiện tại, Vinamilk đang là công ty sản xuất sữa số 1 Việt Nam và hàng đầu Đông Nam Á; KIDO cũng thuộc một trong số ít doanh nghiệp dẫn đầu thị trường kem và vị trí số hai trong ngành dầu ăn tại Việt Nam. Riêng trong mảng kem, KIDO và Vinamilk là hai doanh nghiệp nội đang dẫn đầu thị trường. Vì thế, Vibev chắc chắn sẽ được thừa hưởng ưu điểm mạnh nhất từ cả bố và mẹ, đó là thương hiệu và hệ thống phân phối rộng lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn có diễn biến phức tạp, hai doanh nghiệp nội cùng ngành liên kết lại để chiếm lĩnh thị trường nội địa là điều cần thiết.
Hợp tác hay gánh nặng?
Trong năm 2020, dù rằng các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có phần chững lại do ảnh hưởng từ đại dịch, tuy nhiên, các chuyên gia và giới đầu tư vẫn rất kỳ vọng vào hàng loạt thông tin về các thương vụ trong nước, với kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho thị trường.
Ngoài sự hợp tác giữa Vinamilk và KIDO, trên thị trường thương mại điện tử, thông tin về việc Tiki và Sendo đang đàm phán về quyết định sẽ về chung “một nhà” cũng rất được mong chờ. Bởi đây là hai trong bốn doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, đây lại là hai doanh nghiệp “thuần Việt”, nên càng được kỳ vọng sẽ hợp thành sức mạnh to lớn, tăng thêm sức cạnh tranh với hai thương hiệu thương mại điện tử đến từ nước ngoài.
Mặc dù vậy, sự phát triển của các doanh nghiệp này sau khi hợp tác, sáp nhập sẽ như thế nào vẫn là câu hỏi rất lớn. Năm 2019, thương vụ M&A trong nước đáng chú ý nhất là giữa Masan Group và Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty sở hữu VinCommerce). Tính đến cuối năm 2019, VCM vận hành 132 siêu thị VinMart, khoảng 2.900 cửa hàng VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi. VCM hiện đang có số lượng điểm bán lớn nhất và chiếm gần 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Khi về với Masan, thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn, Masan lựa chọn mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 1 của Masan lại cho thấy lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Masan báo lỗ, kể từ quý 2/2014. Nguyên nhân chính khiến Masan thua lỗ cho dù doanh thu tăng vọt là do công ty hợp nhất kết quả kinh doanh của VCM, sau khi sở hữu công ty này từ quý 4/2019. VCM đã lỗ gần 900 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Với kết quả như trên, theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm 2020, HĐQT của Masan đặt kế hoạch doanh thu từ 75.000 - 85.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019; bình quân mỗi ngày thu về khoảng 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm mạnh 46% về chỉ còn 1.000-3.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+. Như vậy, so với kết quả kinh doanh năm 2019, doanh thu của Masan dự kiến tăng thêm 38.000-48.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 2.560-4.560 tỷ đồng nếu xét về giá trị tuyệt đối.
Quay trở lại câu chuyện của Vinamilk và KIDO, thừa hưởng sức mạnh và ưu thế vượt trội như thế, nhưng giới chuyên gia lại đặt ra lo ngại, không loại trừ các sản phẩm của Vibev lại vô tình trở thành đối thủ cạnh tranh với chính “bố mẹ”. Vì thế, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải có chiến lược phù hợp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng tốt hơn, chất lượng hơn, giá cả hợp lý, để những hợp tác có ý nghĩa, chinh phục người tiêu dùng.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cu-bat-tay-cua-nhung-ong-lon-keo-tien-hay-day-lui-129118-129118.html