Cú bắt tay của hai ông lớn: Thêm kỳ vọng gạo Việt!

PGS.TS Dương Văn Chín kỳ vọng, không những người tiêu dùng trong nước được thưởng thức gạo ngon nhất thế giới mà còn tiến tới xuất khẩu.

CTCP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed (NSC), một thành viên của Tập đoàn PAN (PAN) đã đạt được thỏa thuận phân phối gạo ST25 trong hệ thống Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan.

ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia... tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức vào năm 2019.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) - đơn vị từng đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader tổ chức, cho rằng, việc phân phối gạo ST25 trong hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ là một tín hiệu vui, là cơ hội để người tiêu dùng trong nước có thể thưởng thức gạo ST25 "xịn".

Từ đây, tiến tới Masan và nhiều doanh nghiệp có năng lực khác có thể xuất khẩu hàng chục vạn, hàng trăm ngàn tấn gạo ST25 ra thế giới, đem về ngoại tệ cho đất nước với niềm tự hào về loại gạo ngon nhất thế giới do nhà khoa học Việt Nam lai tạo.

Nhìn lại những diễn biến sau khi gạo ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, PGS.TS Dương Văn Chín cũng lưu ý một số vấn đề trong việc xây dựng thương hiệu cho gạo ST25 nói riêng cũng như thương hiệu cho nông sản Việt nói chung.

Gạo ST25 sẽ được phân phối trong hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Gạo ST25 sẽ được phân phối trong hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Trước hết là việc Việt Nam chọn gạo ST25 đi thi World's Best Rice tại Mỹ vào năm 2020 và đạt giải nhì. Đáng lý ra gạo ST25 đã được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019 rồi thì không nên đi thi nữa, để rồi "Hoa hậu" nhận kết quả giảm hạng xuống "Á hậu".

Thứ hai, sau khi ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới, Bộ NN-PTNT đã rất ưu ái, quyết định đặc cách công nhận giống lúa thơm ST25 vào cuối năm 2019 mà không cần qua khảo nghiệm quốc gia.

"Lẽ ra, tác giả ST25 phải tận dụng cơ hội đạt giải nhất, tận dụng sự ưu ái của Bộ NN-PTNT và sự quảng bá miễn phí của truyền thông mà lo giữ thương hiệu rồi phát triển bằng cách nhượng quyền cho nhiều công ty nhân giống lên với khối lượng hàng vạn tấn, để nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực có thể trồng vùng nguyên liệu rộng hàng vạn hecta, cho ra được khối lượng hàng chục vạn tấn gạo.

Gạo ấy có thể bán trong nước, đồng thời các doanh nghiệp có truyền thống xuất khẩu, có mối mang đem chào hàng ở nước ngoài.

Cần lưu ý rằng phân khúc gạo thơm trắng của Việt Nam chưa bằng Thái Lan, Ấn Độ và điều này được thể hiện khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan được bán trên 1.000 USD/tấn và gạo Basmati của Ấn Độ có giá đến 1.400 USD/tấn, trong khi Việt Nam không có giống nào bán được với giá cao như thế.

Chính vì thế, lẽ ra phải tận dụng danh hiệu gạo ngon nhất thế giới để phát triển, bán với giá 1.000 USD/tấn thì mới ý nghĩa và mang lại giá trị cao cho hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo thơm trắng của Việt Nam.

Đối với tác giả, nếu nhượng quyền, để các doanh nghiệp có giống lúa xác nhận làm thì sẽ có tiền bỏ túi, có thể đầu tư, lai tạo những giống lúa khác hơn ST25 trong tương lai. Như vậy, vừa có lợi cho nhà khoa học, vừa lợi cho xã hội", PGS.TS Dương Văn Chín nói.

Tuy nhiên, điều vị chuyên gia nông nghiệp thấy tiếc là ở thời điểm đó, giống lúa ST25 lại chỉ được công ty gia đình nhân giống, mà với năng lực 1.000-2.000 tấn thì không ăn thua gì. Hệ quả là người nông dân tự nhân giống lên, chất lượng hạt giống không thể bằng của các công ty chuyên kinh doanh hạt giống, không được ai kiểm soát, chứng nhận. Bởi lấy lúa thịt làm giống nên chất lượng lúa gạo sụt giảm.

Bởi vậy, trở lại với việc Vinaseed đạt được thỏa thuận phân phối gạo ST25 trong hệ thống Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan, PGS.TS Dương Văn Chín thấy vui khi thấy ST25 đã đi đúng hướng. "Trăm hoa đua nở", vị chuyên gia hy vọng thời gian tới không riêng gì Vinaseed, Masan, mà các doanh nghiệp khác cũng có quyền làm hàng vạn tấn gạo ST25, phân phối ra thị trường trong nước và thế giới.

"Mỗi doanh nghiệp có thể đặt nhãn hiệu hàng hóa khác nhau trên bao bì, như Hoa Lài, Hoa Sữa... nhưng vẫn ghi là gạo ST25, đó là quyền của doanh nghiệp

Hàng chục công ty như vậy làm ra hàng chục vạn tấn gạo ST25 thì thị trường trong nước được hưởng gạo ngon và chúng ta cũng có quyền tự hào mình có hàng trăm ngàn tấn gạo xuất khẩu trên thế giới, ngang ngửa với Hom Mali của Thái Lan, tự tin khẳng định đó là thương hiệu của Việt Nam ở phân khúc gạo thơm trắng", PGS.TS Dương Văn Chín bày tỏ.

Một điểm được ông lưu ý đó là phải tăng giá trị hạt gạo Việt Nam. Theo đó, chúng ta đã có gạo ST25 nhưng trồng thế nào, ai trồng, quy trình ra sao, kiểm soát dư lượng thế nào, có đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản không?

"Tôi nghĩ Việt Nam phải chọn những tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới để nỗ lực đáp ứng, thay vì lấy những tiêu chuẩn dễ dãi hơn của Trung Quốc, Philippines gắn vào gạo Việt", ông nói và nhắc lại, cách đây 2 năm, Bộ NN-PTNT đã chính thức công bố thương hiệu (logo) gạo Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có thương hiệu gạo quốc gia sau nhiều năm tham gia thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, để thương hiệu gạo Việt không dừng lại ở việc... công bố logo, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, Bộ NN-PTNT có trách nhiệm công bố cho các doanh nghiệp biết, để được gắn logo đó thì phải thỏa mãn những điều kiện gì?

"Chẳng hạn, một doanh nghiệp hay nhiều doanh nghiệp có gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn thì để được gắn logo Vietnam Rice điều kiện về chất lượng như thế nào, dài bao nhiêu, ngang bao nhiêu, dư lượng trong đó là chất gì, dưới mức nào... Tiêu chuẩn này phải là tiêu chuẩn quốc tế và tất cả phải được công bố thì doanh nghiệp mới phấn đấu, gắn nó vào thương hiệu của sản phẩm để xuất đi bất cứ nước nào trên thế giới cũng được", PGS.TS Dương Văn Chín chia sẻ ý kiến.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/cu-bat-tay-cua-hai-ong-lon-them-ky-vong-gao-viet-3425596/