Cứ bảo dân công sở nghỉ việc cuối năm là vô lý, nhưng 4 lý do dưới đây sẽ giải thích vì sao chị em muốn buông xuôi tất cả trước thềm năm mới

Áp lực, chán nản và rệu rã là tâm lý chung của bất cứ nhân viên công sở nào dịp cuối năm này.

Tết nhất đến nơi, nhiều chị em đang cảm thấy công việc hàng ngày quá áp lực hay nhàm chán, liền quyết định dứt áo ra đi. Họ tìm con đường mới nhưng lại nóng vội không lên kế hoạch và nhận ra những rủi ro không ngờ. Vậy có phải chị em nhảy việc cuối năm cho vui, vì thích hay không?

Cùng lật tẩy 4 lý do khiến chúng ta muốn buông bỏ công việc vào dịp này nhé!

Áp lực doanh số vào cuối năm

Những ngày cuối năm luôn là thời điểm nước rút để chạy đua nhằm đạt chỉ tiêu doanh số của các công ty. Áp lực công việc cũng sẽ đè nặng trên vai bạn, đặc biệt khi làm việc trong ngành kinh doanh dịch vụ, bán hàng... Chưa kể, việc cạnh tranh từ đồng nghiệp, áp lực từ cấp trên, cộng với những lo lắng từ cuộc sống sẽ khiến bạn mệt mỏi và dễ rơi vào chán nản cũng như muốn tìm đến những công việc khác để làm mới bản thân hoặc đơn giản có một kỳ nghỉ tự thưởng cho mình!

Đối mặt với dự định cắt giảm tiền thưởng hay nhân sự sau Tết

Một trong những lý do khiến nhân sự quyết ở lại đến hết năm là tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, nếu như bạn nghe ngóng được những thông tin không tốt về tổng kết thường niên dẫn đến cắt giảm tiền thưởng cuối năm, thậm chí là cắt giảm nhân sự sau Tết; thì bạn nên nhanh chóng cân nhắc tìm kiếm công việc khác. Thực tế, tiền thưởng cũng khá quan trọng nhưng không vì thế mà bạn “nhắm mắt” bỏ ngỏ tương lai đầu năm sau.

Khoản thưởng đầu vào ở công ty mới

Nhiều người nghĩ vào công ty mới sẽ được nhận ngay thưởng đầu vào do chính sách đãi ngộ. Bộ phận nhân sự của các công ty, đặc biệt là những công ty lớn đều hiểu rất rõ tâm lý không muốn chuyển việc vì chờ nhận thưởng cuối năm của ứng viên. Vì vậy họ luôn chuẩn bị những chính sách tạm gọi là đền bù lại việc mất đi khoản thưởng này để có thể thu hút ứng viên.

Một trong những chính sách nổi bật nhất chính là áp dụng thưởng đầu vào khi ứng viên đồng ý gia nhập công ty đúng thời hạn. Khoản thưởng này thông thường không bao giờ thấp hơn thưởng cuối năm hoặc thậm chí có phần nhỉnh hơn đôi chút.

Mong muốn có khởi đầu mới vào năm sau

Gắn bó lâu với một công ty, nhiều lúc chúng ta thấy nhàm chán. Hàng ngày không còn động lực tích cực để đi làm nữa. Do đó, chị em muốn kiếm tìm những cơ hội mới. Đây sẽ là lúc để chúng ta được thay đổi chính mình, nhằm lấy lại niềm hạnh phúc khi đi làm.

Nhưng liệu người nhảy việc vào cuối năm có phải đương đầu với những rủi ro nào không? Câu trả lời là có!

Mất đi một khoản thưởng Tết

Thưởng Tết có lẽ là một trong những khoản thưởng được trông chờ nhất trong năm. Không chỉ là kết quả sự nỗ lực, phấn đấu miệt mài của bạn trong 1 năm qua, thưởng Tết còn là nguồn thu quan trọng để đáp ứng chi tiêu trong dịp Tết. Thông thường, chỉ cần trở thành nhân viên chính thức của công ty, bạn sẽ luôn có một khoản thưởng cuối năm tương xứng.

Chưa kể, nếu bạn gắn bó với công ty trên 1 năm, bạn sẽ còn nhận được một tháng lương thứ 13 và một số đãi ngộ khác. Nếu quyết định nghỉ việc vào thời điểm này, ngoài việc không nhận được thưởng Tết ở công ty cũ, bạn còn phải thử việc ở công ty mới từ 2-3 tháng với mức lương thử việc bằng 80-90% lương chính thức và chắc chắn không thể có được phần thưởng như nhân viên khác.

Dễ gặp những công việc thời vụ hơn là chính thức

Cuối năm là thời điểm nước rút để chạy doanh số, vậy nên rất nhiều công ty cần tuyển dụng số lượng lớn nhân sự thời vụ hơn là nhân viên chính thức. Mặc dù vị trí này có đãi ngộ cao nhưng không thể có đầy đủ quyền lợi cũng như tính ổn định lâu dài như khi bạn làm một công việc chính thức. Nếu bạn cảm thấy muốn nghỉ ngơi trong dịp Tết, bạn hoàn toàn có thể nhận một công việc thời vụ vài tháng để kiếm thu nhập thay thế, và sau đó nghỉ xả hơi trong và sau Tết.

Ngược lại, nếu bạn muốn có một công việc ổn định ngay lập tức sau khi nghỉ công ty cũ, bạn nên tìm hiểu trước thông tin tuyển dụng để tránh rơi vào tình trạng phải tìm tạm công việc thời vụ thay thế. Hãy tính toán kĩ lưỡng về kế hoạch của bản thân để không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thời gian xét tuyển kéo dài

Bạn đã sẵn sàng kế hoạch nhảy việc và tìm được vài nguồn tin tuyển dụng trên mạng để gửi CV. Tuy nhiên, đừng vội vàng nghỉ việc ngay lập tức để chờ đợi lịch hẹn phỏng vấn hay thử việc từ những công ty kia. Rất nhiều doanh nghiệp đăng tuyển cuối năm nhưng lại kéo dài thời gian tuyển dụng sang tận năm mới. Đây là một cách để lưu trữ CV ứng viên của các đơn vị tuyển dụng.

Không hiếm trường hợp ứng viên sau khi trải qua vòng phỏng vấn và tin tưởng đến 80% mình sẽ được nhận. Tuy nhiên, người phụ trách nhân sự gửi mail cảm ơn sau phỏng vấn nhưng không hẹn thời gian báo kết quả. Mãi đến khi sau Tết ứng viên mới nhận được lời mời làm việc. Như vậy, bạn sẽ lãng phí khá nhiều thời gian quý giá.

Mỗi chúng ta hãy tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định bước ngoặt liên quan đến sự nghiệp nhé, đừng vội vàng nghỉ việc song cũng đừng chần chờ nếu như bạn đang phải chống đỡ một môi trường làm việc độc hại. Hãy phân tích, lên kế hoạch chi tiết cho quãng thời gian sắp tới nhé chị em!

Quiry

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cu-bao-dan-cong-so-nghi-viec-cuoi-nam-la-vo-ly-nhung-4-ly-do-duoi-day-se-giai-thich-vi-sao-chi-em-muon-buong-xuoi-tat-ca-truoc-them-nam-moi-22201941221810963.htm