Cụ bà U90 với 3 lần tham dự Đại lễ Vesak

Những ngày cận kề Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019, cụ Phạm Thị Bích Đông, 82 tuổi, pháp danh Hoa Minh (Hà Nội) bận rộn hơn nhiều so với mọi ngày cùng các hoạt động thiện nguyện, chuẩn bị cho mùa Phật đản ở các chùa, tuyên truyền về đại lễ cho các phật tử đạo tràng Pháp Hoa.

Một ngày bắt đầu với cụ Đông từ lúc 5 giờ sáng. Sau khi thức giấc, thực hiện một số động tác vận động nhẹ, cụ tụng kinh niệm Phật rồi di chuyển đến quán cơm chay ở chùa Duệ Tú. Quán cách nhà cụ ở gần 1km, là quán chay dưỡng sinh do các phật tử tại Hà Nội gây dựng và duy trì hoạt động vì mục đích từ thiện, nằm trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, cụ sắp đặt công việc và quản lý hoạt động của quán. Quán hoạt động từ nhiều năm nay, là một trong những điểm đến khá nổi tiếng của khách thập phương và giới ăn chay Hà thành.

Cụ Phạm Thị Bích Đông

Cụ Phạm Thị Bích Đông

Đã 11 năm trôi qua nhưng cụ Đông vẫn nhớ như in lần đầu tiên được tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức tại Việt Nam. “Đó là năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam được đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Lần ấy, tôi cùng 200 phật tử đạo tràng tại Hà Nội tham gia phụng sự Đại lễ. Ý thức rất rõ, Đại lễ sẽ đón rất nhiều các đại biểu quốc tế và trong nước về thủ đô nên phật tử chúng tôi thường nhắc nhau, từ việc nhỏ nhất cũng phải thể hiện tinh thần, bản sắc người Tràng An, văn hóa dân tộc Việt Nam. Là người theo đạo Phật, các dịp lễ trọng thế này, được phụng sự Đức Phật, được góp phần làm nên thành công của Đại lễ LHQ tại Việt Nam là niềm hạnh phúc vô bờ của các phật tử”, cụ Đông nhớ lại.

Để đón tiếp chu đáo các phật tử thập phương, nhóm của cụ đã đi vận động mượn được 9 ngôi nhà ở khu vực Mỹ Đình dành làm chỗ nghỉ cho khách về dự Đại lễ. Từ nguồn tài chính quyên góp được của các phật tử trên địa bàn Hà Nội, những ngày diễn ra Đại lễ, nhóm của cụ tự tay chọn mua thực phẩm, nấu cơm chay phục vụ khách thập phương.

Cụ Đông kể, sau lần Đại lễ diễn ra ở Mỹ Đình, cụ còn vinh dự có thêm 2 lần được tham dự các kỳ Đại lễ năm 2014 ở Bái Đính (Ninh Bình) và năm 2018 (ở Thái Lan). Cụ bảo, hạnh phúc lớn lao, thiêng liêng nhất của cuộc đời cụ trong suốt 21 năm phát tâm theo Đức Phật đó là 3 lần được tham dự Đại lễ Phật đản LHQ. “Không phải ai cũng có được điều may mắn ấy. Với tôi, đó là phần thưởng to lớn nhất của cuộc đời”, cụ Đông xúc động.

Lẽ ra, năm nay, Đại lễ được tổ chức tại Việt Nam, sẽ thêm một lần trong đời cụ Đông được cùng các phật tử, bạn hữu tham dự nhưng thật không may, mấy tháng trước, cụ Đông bị ngã gãy chân trái, nên cụ đành lỗi hẹn, không thể về Tam Chúc, Hà Nam tham dự Đại lễ Vesak lần thứ 16 này. Nhắc đến ngày lễ trọng, cụ không giấu được sự bồi hồi: “Tiếc lắm vì không được hành hương về với Đức Phật trong ngày Đại lễ của cả thế giới nhưng Đức Phật từ tâm, ở đâu mình cũng có thể hướng về Người”.

Được biết, với tấm chân tình của một phật tử, trên cương vị Phó Thường trực phụ trách 59 đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc, một lòng theo Đức Phật, cụ Đông cùng các phật tử đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hướng về Đại lễ như: Tập hợp các phật tử nghe giảng về Phật pháp, truyền thông ý nghĩa ngày Phật đản và thông điệp Vesak 2019, diễu hành xe hoa, trao quà từ thiện.

Ngày đại lễ năm nay không về được Tam Chúc, từ Hà Nội, cụ Đông sẽ cùng những thành viên chủ chốt của các đạo tràng tổ chức đọc thông điệp của Pháp chủ và hướng về Tam Chúc. Cụ Đông tâm niệm: “Lòng từ bi của Đức Phật ngự trong mỗi chúng ta. Các phật tử ở đâu, Đức Phật ở đó. Giữ cho mình tâm an, trí sang, sống tốt đời đẹp đạo, hành thiện, từ bi, bác ái, độ lượng, bao dung... là chúng ta đang ở rất gần Đức Phật”.

Cụ Đông bảo, còn sống một ngày cụ còn làm việc và phụng sự Phật một ngày. Đức tin ở thuyết nhân quả, ở lòng từ bi, ở tư tưởng của Đạo Phật đã cho cụ niềm tin và hăm hở sống sống vui, sống khỏe, tốt đời đẹp đạo, có ích cho cộng đồng.

Tuệ Nghi

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cu-ba-u90-voi-3-lan-tham-du-dai-le-vesak-post59097.html