Cụ bà mang bệnh neo đơn, ngày ngày làm bạn cùng chú chó

Con mất tích, bản thân bị bệnh lao phổi gần 30 năm nay không tiền chữa trị, bà Cao Thị Em ở thôn Thái Nguyên, Xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa sống trong cảnh cô đơn không nơi nương tựa.

Mò cua bắt ốc để sống

Con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào căn nhà nhỏ nơi bà Em đang sống xung quanh cây dại mọc ùm tùm. Thoáng đầu chúng tôi nghĩ đây là căn nhà bị bỏ hoang lâu ngày, không người ở. Trong ngôi nhà đó, một bà cụ gầy gò ốm yếu, da xanh xao đang nằm co ro trên chiếc giường cũ nát. Thấy có người lạ, bà cụ lọ mọ ngồi dậy nhìn chúng tôi ngơ ngác, vì lâu nay chẳng có ai đến thăm bà. Chỉ đến ngày lễ, tết là cán bộ xã đến hỏi thăm.

Trong nhà bà Em chỉ có chiếc giường bà nằm và con chó là đáng giá nhất, căn nhà hai gian này cũng do xã và thôn góp lại xây cho để bà có chỗ trú mưa, trú nắng. Bà kể “ Tôi sinh ra trong một gia đình có ba chị em, tôi là cả một em gái đi lấy chồng còn em trai út đi bộ đội đã hi sinh. Năm 1976 tôi đi lấy chồng được gần mười năm thì chồng tôi mang bạo bệnh rồi mất, để lại hai đứa con gái”.

Hằng ngày bà Em cố gắng ra đồng, xuống sông mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo sống qua ngày

Chồng mất, cuộc sống khó khăn, không nơi nương tựa, bà Em mang hai đứa con về nhà mẹ đẻ. Rồi bố mẹ bà cũng mất đi, bà Em một mình lao lực nuôi 2 đứa con gái. Rồi bà Em phát hiện mình bị mắc bệnh lao. Không để cho các con biết, không có tiền mua thuốc, chạy chữa, bà đành sống chung với bạo bệnh, gắng gượng làm lụng nuôi các con. Hỏi về hai người con gái bà Em nghẹn ngào: “Năm 1997 con gái lớn của tôi thấy mẹ bị bệnh tật, ốm đau quanh năm, nhà lại nghèo nên nó xin đi làm lấy tiền cho mẹ chữa bệnh. Tôi đồng ý cho nó đi, nhưng đó cũng là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với nó. Từ đó đến nay nó biệt tăm rồi không về với tôi nữa. Tôi ân hận lắm!”

Đứa con thứ hai của bà cũng vậy, đi vào miền Nam làm thuê rồi lấy chồng ở đâu bà Em cũng không rõ. 3 năm trước nó có về thăm mẹ một lần rồi cũng không thấy tin tức gì nữa.

Năm nay gần 70 tuổi, bà Em phải sống trong bệnh tật, nghèo khó, cô đơn không nơi nương tựa. Ngày khỏe, bà cố gắng xuống đồng mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán để đổi lấy gạo về nấu cháo ăn dè chừng phòng những ngày mưa gió, đau ốm nặng.

Chỉ có chú chó làm bạn hàng ngày

Sự đau khổ hiện rõ lên khuôn mặt xanh xao gầy gò của người phụ nữ mất chồng, mất con, bao năm chống chọi với bệnh tật.

Trong căn nhà có ánh sáng yếu ớt, tài sản đáng giá nhất chính là chú chó và chiếc giường cũ. Bà quý chú “vàng” (tên gọi bà Em đặt) này lắm vì chỉ có nó lâu nay chứng kiến vui, buồn, đói khát cùng bà. Bà xem chú chó như người con, người thân, người bạn của mình vậy.

Tài sản lớn nhất và là "người bạn" lúc vui buồn là chú chó

Bà Em không xích chú chó bằng xích mà buộc chú vào chân giường bằng một sợi dây thừng gần 10m để chú có thể chạy ra chạy vào cho thoải mái. “Tôi chỉ sợ thả nó ra bị bắt mất thì tôi buồn lắm. Chỉ có nó là người “bầu bạn ” với tôi suốt bao nhiêu năm nay. Tôi ăn gì là nó ăn vậy” – bà Em cho biết.

Ông Trương Văn Tụ - Trưởng thôn Thái Nguyên cho biết: “Bà Em là trường hợp hoàn cảnh đặc biệt trong thôn, sống một mình, mang bệnh tật trên người. Hàng tháng bà Em được nhận trợ cấp với số tiền 500 ngàn đồng, nhưng số tiền ấy chẳng thấm vào đâu. Qua đây mong mọi người có tấm lòng hảo tâm giúp bà đỡ để vơi đi phần nào khó khăn”.

Hồ Điệp – Hà Long

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/cu-ba-mang-trong-benh-neo-don-ngay-ngay-lam-ban-cung-chu-cho-nho-d112429.html