Cu-ba đầu tư phát triển du lịch bền vững

Với văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, cùng hơn 200 di tích quốc gia, 10 di sản thế giới, Cu-ba được nhắc tới như một trong những điểm đến hấp dẫn và an toàn nhất trên thế giới. 'Hòn đảo tự do' nổi tiếng với nhiều loại hình hoạt động du lịch, từ du lịch thiên nhiên hoang dã, thám hiểm biển, leo núi, tới du lịch sức khỏe, trị liệu.

Quang cảnh đường phố thủ đô La Ha-ba-na, Cu-ba.

Theo thống kê của Bộ Du lịch Cu-ba, nếu lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới tăng đều đặn khoảng 3,5 đến 4% trong những năm gần đây, thì ở Cu-ba, con số này đạt hơn 16% vào năm 2017. Dù chịu lệnh cấm vận và hạn chế đi lại từ chính quyền Mỹ, đồng thời hứng chịu siêu bão I-ma vào tháng 9-2017, gây thiệt hại không nhỏ về người và cơ sở vật chất, Cu-ba vẫn đón 4,7 triệu khách du lịch trong năm 2017.

Khách du lịch Ca-na-đa và các nước châu Âu vẫn dẫn đầu về số lượng khách du lịch quốc tế tới Cu-ba; khách du lịch Nga, Mê-hi-cô, Ác-hen-ti-na, Trung Quốc và Bra-xin cũng tăng đáng kể.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba Đ.Ca-nên luôn khẳng định ưu tiên phát triển du lịch, bởi đây là một trong những ngành năng động nhất và là một trong những động cơ chính của sự phát triển kinh tế Cu-ba. Du lịch là nguồn thu ngoại tệ đứng thứ hai của đảo quốc, với doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, chỉ sau ngành dịch vụ.

Năm 2018, Chính phủ Cu-ba công bố một dự án đầy tham vọng nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nhất là tại các ốc đảo ở phía bắc. Theo dự án, Cu-ba chủ trương đưa các ốc đảo như Xan-ta Ma-ri-a, La Bru-gia và En-xê-na-chô, thuộc tỉnh miền trung Vi-gia Cla-ra phát triển thành các khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường và ưu tiên bảo tồn nét hoang sơ. Các ốc đảo này là một phần trong hệ thống sinh thái vịnh Bu-e-na Vi-xta, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu bảo tồn sinh quyển quốc tế và được Chính phủ Cu-ba đầu tư nhiều công nghệ tái chế xử lý rác thải. Các ốc đảo được kết nối với nhau và với đảo chính bằng một đường lấn biển nhân tạo dài 48 km với hơn 40 cây cầu. Con đường được khởi công xây dựng từ năm 1989 theo chủ trương phát triển du lịch của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô và hoàn thành 10 năm sau đó.

Bộ trưởng Du lịch Cu-ba M.Ma-rê-rô cho biết, trong năm 2018, đảo quốc vùng Ca-ri-bê hy vọng đạt mức kỷ lục mới về lượng khách du lịch với năm triệu lượt khách, đồng thời khẳng định, Cu-ba sẽ có nhiều đầu tư lớn trong “ngành công nghiệp không khói”. Chính phủ Cu-ba đặt ra chiến lược phát triển du lịch tới năm 2030 với việc xây mới 224 khách sạn và mở rộng 32 khách sạn có lượng khách lớn. Dự án nêu trên cũng bao gồm việc tăng số lượng phòng khách sạn từ 68 nghìn phòng trong thời điểm hiện tại lên 103 nghìn phòng, nhằm tăng năng lực đón khách.

Mới đây, trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế La Ha-ba-na FIHAV 2018, Cu-ba công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của nước ngoài năm 2018, gồm 168 dự án mới, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, cơ khí, luyện kim, hóa chất, mỏ và du lịch, nâng số dự án trong danh mục lên mức 525. Du lịch là ngành chiếm nhiều số lượng dự án đầu tư nhất trong danh mục với hơn 170 dự án.

Cu-ba đang khôi phục nhanh chóng lượng khách du lịch quốc tế tới thăm đảo quốc, sau khi có sự sụt giảm mạnh ở mức 6,5% trong nửa đầu năm 2018, do lệnh cấm vận tăng cường từ Chính phủ Mỹ, nhất là những hạn chế đi lại đối với công dân Mỹ tới Cu-ba. Tính đến tháng 5-2018, Cu-ba đã đón hai triệu khách du lịch quốc tế. Đây là sự công nhận khách quan của du khách từ khắp nơi trên thế giới về một Cu-ba như điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Với tầm nhìn chiến lược của thế hệ lãnh đạo đi trước, sự nhạy bén của thế hệ lãnh đạo ngày nay, cùng tinh thần cách mạng bền bỉ, lòng yêu chuộng hòa bình của người dân, ngành du lịch nói riêng và những cải cách kinh tế của Cu-ba nói chung sẽ tạo động lực giúp “hòn đảo tự do” cất cánh trên đà phát triển.

Bài và ảnh: NGUYỄN THIỆU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38187102-cu-ba-dau-tu-phat-trien-du-lich-ben-vung.html