Cụ bà 78 tuổi thỉnh thoảng ra chợ bán rau… xây biệt thự 'khủng'?

Xung quanh vấn đề liên quan đến tòa biệt thự và khu đất nông nghiệp bị chiếm dụng của bà Từ Thị Loan- thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, qua quá trình xác minh của phóng viên BVPL, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của người trong cuộc để độc giả có cái nhìn đa chiều về vụ việc.

Khi PV chúng tôi làm việc với UBND xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, ông Phan Văn Hợp- Phó chủ tịch xã cho biết: “tòa nhà này nằm trên diện tích đất của bà Từ Thị Loan (78 tuổi, xã Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) cũng là người đại diện hợp pháp của tòa nhà. Riêng đề án và các thứ thế nào, nếu đề án có nộp thì cũng nộp cho chủ tịch ký xác nhận xong rồi trình huyện, lên tỉnh. Nếu lên tỉnh thì 50 năm mà huyện thì 20-30 năm”. “Với cái hồ đó thì như hiện tại có thể là rồi, có thể mọi thứ đã vào trong “oi” (chuyện đã an bài rồi- PV) nhưng thời điểm mà họ khởi công về làm cái ao đó chắc là mới được nửa thôi. Nói về lý, là quản lý đất đai trên địa bàn thì chính quyền phải làm việc ngay với gia đình về giấy phép, tất cả các thủ tục để anh thuê đất. Đất này đã hợp pháp về gia đình chưa? Hay là chỉ mới đền bù mà chưa có quyết định cuối cùng mà vẫn làm? Về nguyên tắc có thể lập biên bản đình chỉ, tạm đình chỉ khi chưa có đầy đủ pháp lý”; “Ông đã đủ cơ sở làm được ngôi nhà hàng trăm tỷ như thế thì biết tiềm lực của ông tầm cỡ như thế nào rồi. Không lập biên bản đình chỉ khi biết việc sai phạm là vì không ai dám ký vào biên bản sai phạm đó”.

Bá Từ Thị Loan năm nay đã 78 tuổi

Cũng theo ông Hợp, hiện tại bà Loan ở một mình, cháu chắt xung quanh xóm làng giúp việc. “Bà đang đi xe đạp bán rau khoai, rau cải. Con trai bà Loan là Đại tá binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng, làm công ty xuất nhập khẩu vải các thứ. Nhưng toàn bộ hồ sơ đất đai liên quan đều đứng tên bà Loan”.

“Về việc đã xây công trình kiên cố trên đất nông nghiệp chưa có quyết định đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng thì chính quyền có làm việc với gia đình cụ thể. Lúc đầu chúng tôi cũng hiểu nhầm tưởng là đã đồng ý cho chuyển đổi sử dụng, nhưng trên thực tế chỉ là mới chấp thuận chủ trương mà thôi” - ông Hợp thông tin thêm.

Đứng tên chủ biệt thự nguy nga này là cụ bà gần 80 tuổi.

Bà Loan cho xây dựng hệ thống móng, tường bao kiên cố để nuôi trồng thủy sản trên đất nông nghiệp trồng lúa chưa được cấp phép?

Nhiều lại cây gỗ quý, cây ăn quả được chủ nhân đưa về trồng 4 phía tạo nên giá trị cho tòa biệt thự này

Khi được hỏi về tính pháp lý của việc thay đổi hiện trạng hơn 3.000 m2 đất nông nghiệp thành ao và được xây bờ kè kiên cố, ông Phan Tiến Dũng- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà nói: “Liên quan đến tòa nhà bà Loan chỉ mới có chủ trương của huyện (ý nói diện tích đất nông nghiệp bị chiếm dụng làm ao- PV), chủ trương thì xong rồi, nhưng chưa có quyết định đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp”. “Khi biết thì đã yêu cầu xã tạm ngừng thi công nhưng không nghe thì thiệt họ, người dân bình thường cũng như bất kể ai, khi xây dựng rồi nếu họ không hoàn thành thủ tục thì họ phải chịu trách nhiệm”.

Một cụ bà sống cạnh ngôi nhà nói: "Con bà chứ bà mần răng (làm làm sao được), nông thôn thì mần được đếch chi (không làm được gì), mần được vưa lốm (làm được cũng chỉ đủ ăn).

Cũng theo ông Dũng, đất của bà Loan đã nhận chuyển nhượng của các hộ xung quanh vùng rồi, còn việc cấp phép xây dựng ngôi nhà này thì các ông phải tìm hiểu thêm đã. Vậy, nói như ông Dũng, nếu ngôi nhà này khi xây xong phá vỡ toàn bộ quy hoạch không gian tại khu vực này sẽ phải xử lý ra sao? Liệu tỉnh sẽ quy hoạch theo tiêu chuẩn từ ngôi nhà đã xây hay bắt gia chủ tháo dỡ cho đúng chuẩn của tỉnh, khi mà quãng đường từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh về tới khu vực này chưa đến 10km?

Tại cuộc làm việc này, ông Phan Tiến Dũng thông tin thêm về con trai bà Loan: “ông là Đại tá làm trong binh đoàn 16. Trước đó, anh này vẫn làm buôn bán, thị trường vải trong Sài Gòn sau mới sáp nhập vào công ty của Bộ Quốc Phòng. Khi sáp nhập thì bắt đầu anh này mới nhảy sang quân đội. Tiền để làm những căn nhà này thì bình thường, trong Sài Gòn còn rất nhiều nhà như ở đây”.

Ngôi nhà (khoanh đỏ) của bà Từ Thị Loan "thỉnh thoảng trồng rau đạp xe ra chợ bán"

Để khẳng định vai trò trách nhiệm thuộc về huyện Lộc Hà, ông Trần Hữu Khánh- Chánh văn phòng Sở TNMT Hà Tĩnh nói: “Nội dung về sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân thì thẩm quyền là của UBND huyện. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có chỉ đạo về việc này, còn trực tiếp quản lý đất hộ gia đình, cá nhân là UBND huyện Lộc Hà. Nếu chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thì rõ ràng là sai quy định pháp luật”.

Phần đất này được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng để cụ bà 78 tuổi xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản trên đất nông nghiệp

Câu hỏi đặt ra mà dư luận đang đặc biệt quan tâm là vì sao cụ bà 78 tuổi, ở một mình, "thỉnh thoảng trồng rau đạp xe ra chợ bán" lại có khối bất động sản lớn và xây tòa biệt thự hoành tráng như vậy? Với độ tuổi của cụ có khả năng để nhận hơn 3.000m2 đất xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản và sự chấp thuận việc cấp phép này có đúng đối tượng hay không? Ý kiến của con bà Loan là Đại tá đang công tác ở Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) như thế nào?

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.

Bá Thanh- Đặng Thùy

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/cu-ba-78-tuoi-thinh-thoang-ra-cho-ban-rau-xay-biet-thu-khung-52840.html