Cụ bà 75 tuổi kéo xe hàng từng đêm nuôi cháu ngoại tâm thần

3 người con của bà Bốn năm nay có người đã ngoài 50 tuổi, nhưng cuộc sống của họ đều khó khăn. Bà Bốn đã 75 tuổi nhưng vẫn cố kéo từng chuyến xe hàng mỗi đêm để nuôi cháu ngoại 33 tuổi, bị bệnh tâm thần mức độ nhẹ.

Không biết chữ nhưng chưa bao giờ giao nhầm hàng

Sinh ra trong một gia đình nghèo, có 3 anh chị em ở Quảng Nam, mẹ mất sớm, từ lúc 9 tuổi, bà Mai Thị Bốn (75 tuổi, ngụ phường 2, quận 4, TP.HCM) đã cùng cha làm vụng vất vả, kiếm kế sinh nhai. Cũng vì vậy, bà Bốn chưa từng biết mặt con chữ.

Năm 20 tuổi, bà vào Sài Gòn làm việc rồi lập gia đình, làm nội trợ. Hạnh phúc đến chóng vánh, chồng mất sớm, bà Bốn xin vào công đoàn chợ Cầu Ông Lãnh làm cửu vạn, nuôi 3 con. Sau đó, bà nghỉ hưu, qua làm ở chợ đầu mối Thủ Đức.

Tại đây, bà Bốn vay 1,8 triệu đồng để mua chiếc xe kéo. Bà Bốn nói: “Tôi chỉ kéo hàng được ở chợ Thủ Đức thôi chứ già quá rồi, ai mà mướn. Làm từ đó giờ quen rồi nên người ta kêu cho mình kiếm miếng cơm”.

 Bà Mai Thị Bốn nhanh chân kéo xe hàng qua ô tô để kịp giao cho "bạn hàng".

Bà Mai Thị Bốn nhanh chân kéo xe hàng qua ô tô để kịp giao cho "bạn hàng".

Hơn 15 năm qua, cứ hơn 21g, bà Bốn nhờ cháu chở ra trạm xe buýt cầu Ông Lãnh (Q,1, TP.HCM) đón xe đến chợ. Những ngày bình thường, bà ngồi chờ đến hơn 23g hoặc quá nửa đêm mới có hàng kéo, vì hàng hóa phụ thuộc vào “bạn hàng” (người thuê kéo hàng – PV).

Mỗi lượt, bà Bốn chất lên xe 3 đến 5 thùng hàng, kéo từ trong chợ ra đến bãi xe, bà được “bạn hàng” trả 10.000 – 15.000 đồng. “Làm nghề này vô chừng lắm, nhiều khi một đêm được tám chục, trăm mấy, hai trăm. Những hôm “chợ cúng” họ cho tôi thêm năm, bảy chục ngàn”, bà Bốn kể giọng nghe vui.

Những ngày “chợ cúng”, bà Bốn thức trắng nhiều ngày liền: “Tối nay và tối mai là rằm tháng giêng, tôi biết chắc sẽ thức 2 ngày liền, đến ngày thứ 3 không còn hàng nhiều nữa nên ngủ bù sau”.

Để di chuyển thuận lợi, bà phải khum người về phía trước. Sức nặng hàng hóa đè lên khiến bà Bốn nhiều lần đau nhói. 2 đầu gối của bà nhiều lần đau nhức vì bao chuyến kéo hàng xuống dốc, chiếc xe lao vùn vụt, bà phải cố hãm lại bằng đôi chân gầy yếu. “Nó đau thì mình uống thuốc, uống đến khi hết đau thì mình thôi”, bà ngượng nghịu.

Tuy vẫn thấy đường kéo hàng nhưng đôi mắt bà nhiều khi không thấy rõ màn hình điện thoại. Buổi sáng, cầm những mẩu giấy giao hàng trên tay, bà cũng không tài nào nhìn được những ký hiệu trên đó.

“Bà Bốn già, không biết chữ vậy đấy, nhưng chưa bao giờ giao lộn hàng cho ai đâu”, một tiểu thương ở chợ đầu mối Thủ Đức chia sẻ. Theo bà Bốn, tuy không biết chữ nhưng trời phú cho bà cách nhìn ký hiệu. Ai cần giao hàng khu vực nào, chỉ cần đọc ký hiệu chữ cái đầu và số thứ tự đằng sau, bà sẽ biết cách đi.

Bà Bốn còn phụ bốc dỡ hàng để kịp thời gian cho những chuyến hàng khác.

“Cuối năm nay, tôi tính nghỉ vì mắt yếu quá. Còn cháu ngoại, tôi cố gắng kiếm cho nó công việc nhẹ nhàng để sau này nó còn tự nuôi bản thân”, bà Bốn chia sẻ.

Sau khoảng 1 tiếng kéo những chuyến hàng đầu tiên, bà Bốn ngồi trong chợ chờ đến hơn 2g để kéo những chuyến hàng khác. 5g sáng, sau khi kéo hàng cho một vài “bạn hàng” đi chợ muộn, 7g30 bà lên tuyến xe buýt cũ trở về nhà.

Quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, nấu cơm,… là công việc hằng ngày bà Bốn thường làm sau những đêm vất vả đi làm về. Đến chiều, bà đi bộ đến trường đón cháu nội về, tắm rửa, cho ăn rồi giao lại cho cậu út. Khoảng 19g, bà tranh thủ chợp mắt để sau đó lại tiếp tục công việc của mình.

Ước muốn sửa lại căn nhà lúc cuối đời

Căn nhà bà Bốn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, diện tích 31m2, là nơi cư ngụ của 6 thành viên: bà cùng vợ chồng cậu út, 2 cháu nội và 1 cháu ngoại.

Cháu ngoại bà, năm 2 tuổi bị sốt xuất huyết, không có tiền chữa trị dứt điểm nên giờ mang bệnh tâm thần mức độ nhẹ, chỉ có thể nấu cơm, giặt đồ. “Cha mẹ nó bỏ nhau từ lúc nó bệnh nên tôi nuôi đến bây giờ”, bà Bốn trầm giọng.

Bà Bốn vừa làm, vừa nghe điện thoại của các "bạn hàng".

Bà Bốn có 2 con gái, 1 con trai, năm nay có người đã ngoài 50 tuổi, nhưng cuộc sống của họ đều khó khăn. Nhiều khi, cháu ngoại đến xin bà ít tiền để đổ xăng: “Con cháu mà, phải cho”.

Tiền điện, nước,… trong nhà đều một tay bà gánh vác. “Kiếp trước mình vay nên kiếp này phải trả”, bà cười rồi bảo “Khổ nên nói đại như vậy”. Ở đằng sau, cây cột nhà đã nứt, 2 bên vách tường là của hàng xóm, những tấm la-phông cũ kỹ, trục đỡ gãy đôi sắp rớt xuống nền nhà, nơi bà Bốn cùng cháu nội, cháu ngoại ngủ mỗi đêm. Mùa mưa, căn nhà ngập nước đến đầu gối, cả nhà phải leo lên gác ván, dưới những tấm tôn dột lã chã để ngủ.

“Tụi nó làm đủ nuôi vợ chồng, con nó thôi chứ không tới mình. Tôi còn sức khỏe nên ráng phụ giúp cho con, cháu ăn học. Tụi nó có dành dụm được thì cũng mong phụ tôi sửa căn nhà. Già rồi, tụi nó biểu tôi ở nhà, ăn mắm, ăn muối nhưng tôi không đồng ý”.

Một ngày, bà chỉ 2 ăn buổi, bữa sáng ăn bánh canh, làm việc nhà rồi đến chiều ăn 1 chén cơm. Tối đi làm, nếu đói, bà mua thêm 1 hộp xôi ăn thêm bởi... sợ mập.

Bà Bốn nói: “Năm 6 tuổi, trong lúc kéo nước lên để giặt đồ không may bị té xuống giếng, may có người phát hiện kịp nên tôi không chết. Rồi năm 20 tuổi, tôi có thai nhưng thai nhi chết trong bụng, may mắn bác sĩ đưa ra kịp thời, nên giờ tôi không sợ chết nữa”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cu-ba-75-tuoi-keo-xe-hang-tung-dem-nuoi-chau-ngoai-tam-than-158028.html