Cụ bà 40 năm đẩy nước thuê ở bán đảo Thanh Đa

Người ta bảo bà, bây giờ ở thời nào rồi mà còn làm cái nghề kỳ lạ này. Bà móm mém trả lời: 'Có người thuê là tôi làm, chả phân biệt thời nào cả'. Cứ thế, hơn nửa cuộc đời, bà Nguyễn Thị Mùi (76 tuổi) làm nghề gánh nước (sau này dùng xe đẩy) thuê ở khu chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) để tồn tại.

Người đẩy nước thuê ngoài tuổi "thất thập"

Cha mẹ bà Mùi là người gốc Thái Bình, di cư vào Nam lập nghiệp. Bà Mùi được sinh ra ở Tân Định (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Trải qua biến cố thăng trầm của xã hội, sau ngày giải phóng, gia đình bà vẫn lang thang khắp nơi, không có một mái nhà che nắng, mưa. Vài năm sau, bà về định cư tại khu Thanh Đa với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp.

Bà Mùi bên xe nước về đêm.

Khi ấy, Thanh Đa còn vắng vẻ, cả bán đảo chỉ có một khu chợ nhỏ với vài chục sạp bán thịt lợn và rau dưa. Nhu cầu của tiểu thương cần có nước để dùng trong lúc bán buôn nên bà Mùi nhận ngay việc cung cấp nước. Giá nước ngày đầu chỉ vài đồng, sau hơn 40 năm thì tăng lên 3.000 đồng/bình/20 lít. Ban ngày, bà Mùi phụ quán ăn rồi đêm đến mới đi đẩy nước thuê.

Chắt chiu dành dụm tiền, bà nuôi hai người con gái khôn lớn. Đùng một cái, bi kịch ập xuống, chồng và con gái qua đời đột ngột khiến bà Mùi suy sụp tinh thần, mất hết phương hướng. Sau đó, bà về sống cùng vợ chồng cô con gái út, phụ nuôi hai cháu ngoại. Ngày trẻ còn sức khỏe, còn dẻo dai nên bà Mùi dùng chính đôi vai của mình gánh nước thuê.

Thanh Đa ngày đó chưa có điện đường, ban đêm, trời tối đen như mực, bà Mùi dùng ngón chân dò đường, có lần đâm đầu vào gốc cây, sưng vù trán, nước đổ hết. Lại có hôm vấp phải cục đá bên vệ đường ngã sấp mặt. Thỉnh thoảng gặp phải gã bụi đời say rượu lang thang chọc ghẹo, bà Mùi dùng hết bản năng sinh tồn đuổi gã đi.

Riết thành quen, con đường từ chỗ lấy nước tới chợ, bà Mùi đã nhớ rõ, quen thuộc từng bước chân nên không còn gặp nhiều "tai nạn" nữa. Gánh được chục năm, vai của bà chai mòn, chân cũng chai cứng nhưng sức khỏe có dấu hiệu đi xuống nên bà phải mua xe ba bánh để đẩy.

Bán đảo Thanh Đa là điểm ngập thường xuyên và nghiêm trọng mỗi khi có mưa và thủy triều. Bà Mùi sợ nhất là đêm nào mưa to, đường ngập, bà sẽ không thể đẩy được xe ba bánh, mà phải dùng tay xách can nước 20 lít. Ngày trước khỏe thì không thành vấn đề, nhưng bây giờ sức yếu, nó trở thành nỗi cực hình đối với bà.

Đêm nào cũng tiếp xúc với nước, đôi tay bà Mùi lở loét, bong tróc, các kẽ móng rỉ nước có mùi hôi. Chân bà di chuyển bằng đôi dép nhựa bí hơi nên cũng nát bét, móng chân bốc mùi thum thủm. Bà thường xuyên phải xức thuốc khử trùng và buộc bằng băng bông. Hai đầu gối của bà do đi lại nhiều nên đã thoái hóa.

Dù tay yếu, chân run nhưng bà vẫn quyết bám trụ nghề.

Mấy năm nay bà thường phải đi châm cứu. Thương bà, một bạn trẻ đã mua tặng bà đôi dép mới và một cái chăn để ở chỗ bà hay nghỉ trong chợ. Bà trở về thấy những món quà đó thì giật mình, tưởng ai đánh rơi nên quyết không dùng. Bẵng đi một tuần, mọi người vẫn thấy bà đi đôi dép cũ, ngủ không có chăn liền ra mặt hỏi. Khi biết rõ là của cho bà mới dám dùng.

Ngần ấy thời gian làm việc trong đêm, bà Mùi không thể nhớ hết những sự cố xảy đến với mình. Chỉ có vài vụ khiến bà không thể quên vì nó để lại "ấn tượng" trên cơ thể bà. Bà kể, vào một đêm cách đây khoảng 2 năm, bà đang lọ mọ đẩy nước thì gặp một gã say rượu phóng xe bạt mạng sượt qua người khiến bà giật mình chao đảo, ngã nhào ra đường.

Phố xá không một bóng người, bà cũng chẳng còn hơi sức mà kêu la nên tự đứng dậy, tự dựng lại xe nước, tập tễnh đẩy về điểm tập kết. Hôm sau bà bôi thuốc giảm đau và quyết không chịu nghỉ. Bà tâm sự: "Tôi chỉ sợ mình nghỉ thì mấy bà sẽ không có nước dùng, lần sau họ không mua nước của tôi nữa. Bây giờ mà bị mất việc thì tôi biết sống bằng gì".

Quãng đường từ chợ Thanh Đa đến điểm lấy nước chỉ khoảng 50m, nhưng ngày một trở nên quá dài, quá xa đối với đôi tay run rẩy cùng đôi chân xiêu vẹo của người phụ nữ ở tuổi "thất thập cổ lai hy" phải dùng hết sức đẩy chiếc xe ba bánh chở cả 100 lít nước.

Thấy bà quá yếu, có người tài trợ tiền để bà bán rau, nhưng chỉ bán được hai ngày, bà lẩm cẩm lúc nhớ lúc quên nên toàn lỗ.

Bà cho biết: "Tôi không có duyên buôn bán, đi đẩy nước là chắc ăn nhất". Thời gian này, chị Lê Thị Oanh (53 tuổi), con gái của bà Mùi, buổi trưa thường ra chợ phụ mẹ sắp xếp các can nước chất lên xe để tối bà Mùi sẵn đẩy đi lấy. Chị Oanh cho biết, chị lấy chồng sinh được hai cô con gái nhưng cũng không khá giả gì.

Hai vợ chồng làm được bao nhiêu dồn vào nuôi con ăn học hết. Chồng chị có căn nhà hơn 30m2 ở cuối đường Thanh Đa, cả gia đình bao nhiêu năm sống ở đó. Bà Mùi những ngày mệt cũng về đó ở. Sau này, sức khỏe yếu, bà tranh thủ ngủ luôn ở chợ. Chỗ ngủ của bà là góc tường phía sau sạp chợ, bà chỉ dùng một chiếc ghế dựa duy nhất và ngủ ngồi.

"Làm đến khi nào chết thì thôi"

Bán đảo Thanh Đa bao nhiêu năm qua đã quen thuộc với hình ảnh lưng còng của người đàn bà đẩy nước. Mỗi đêm, bà Mùi đẩy 50 bình nước (mỗi bình 20 lít) với 10 chuyến đẩy, trên chiếc xe đẩy cũ kỹ, cót két, rung rắc như chính con người già nua của bà. Bà di chuyển thật chậm, vì sợ bánh xe rớt ra ngoài sẽ làm đổ nước.

Mỗi bình bà mua 2 nghìn đồng, rồi về bán lại cho các chủ sạp giá 3 nghìn đồng. Mỗi đêm, bà kiếm được 50 nghìn đồng. Công việc của bà kéo dài đến gần sáng. Sau đó, bà tranh thủ chợp mắt ngay trên ghế, đến 8 giờ sáng đi lấy vé số bán. Bán hết 80 tờ vé số mới chịu nghỉ ngơi.

Công việc của bà bền bỉ kéo dài trên 40 năm.

Tiền đẩy nước thuê mỗi tháng bà Mùi được 1,5 triệu đồng. Bà giữ cẩn thận bên mình, hầu như không chi tiêu gì. Bà chỉ ăn vào tiền bán vé số và vài đồng lượm được ve chai. Chân bà đau phải đi châm cứu thường xuyên, mỗi lần đi bác sĩ cũng phải mất hơn một triệu.

Bà bảo, bà làm được bao nhiêu một phần để dành đi chữa cái chân, còn lại bà phụ cháu gái đóng tiền học. Cháu gái của bà nhiều lần khóc, nói là sau này ra trường sẽ đi làm và cho ngoại nghỉ ở nhà, nhưng bà xua tay: "Cứ học cho nên người, bà làm đến khi nào chết thì thôi".

Bà Mùi cho biết, ở TP Hồ Chí Minh có lẽ chỉ một mình bà còn làm nghề đẩy nước thuê. Cái nghề nghe ra thấy có chút "tận cùng" của các loại nghề, nhưng bà thì cảm thấy yêu thích. Có lẽ gắn bó hơn nửa đời người nên thân thuộc, mặc cho người đời kỳ thị bà vẫn muốn làm. Bà móm mém hàm răng cái còn cái mất, nói ngọng líu: "Ở Hội An cũng có một ông gánh nước thuê, ông này được lên tivi, nổi tiếng khắp nơi. Tôi không mong nổi tiếng, chỉ mong lúc nào cũng có việc để làm".

Vài năm trước, nghe tiểu thương đồn sẽ giải tỏa chợ Thanh Đa để xây dựng khu du lịch gì đó, bà Mùi lo sợ mất việc, trằn trọc mấy đêm liền. Gặp ai bà cũng hỏi, bà đến cả phường "điều tra" thực hư thế nào. "Rốt cuộc không thấy giải tỏa gì cả, quy hoạch treo mấy chục năm rồi. Có lẽ, đến ngày tôi chết người ta cũng chưa làm gì"- bà Mùi cười, tỏ vẻ am tường thế sự.

Hơn 40 năm đẩy nước thuê, bà Mùi chưa có một đêm ngủ trọn vẹn. Một năm chỉ có một đêm 30 Tết duy nhất là bà ngừng đẩy nước, nhưng đã thành thói quen, bà cứ thấp thỏm chờ cho qua giao thừa để đêm hôm sau làm việc. Với bà, nghề đẩy nước đã trở thành một phần cuộc sống của mình.

Ngọc Hoa

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/cu-ba-40-nam-day-nuoc-thue-o-ban-dao-thanh-da-ngoc-hoa-518027/