Cú ăn ba lịch sử của 'Black Panther' ở Oscar và lời đố kị 'mua giải'

Ba giải Oscar đầu tiên dành cho một phim siêu anh hùng Marvel có sức lan tỏa lớn vì tính tiên phong của nó, cũng như về độ thuyết phục.

Black Panther làm nên lịch sử vào đêm chủ nhật 24/2 (giờ Mỹ) khi trở thành phim Marvel đầu tiên đoạt giải Oscar. Không phải một, mà là 3 giải, cho Thiết kế phục trang, Thiết kế sản xuất và Nhạc nền xuất sắc.

Đây là một trong những minh chứng để khẳng định Oscar năm nay là ngày hội tôn vinh lịch sử đối với sự đa dạng, bên cạnh chiến thắng của Alfonso Cuaron với Roma, Mahershala Ali với Green Book, Regina King với If Beale Street Could Talk...

"Cánh cửa ấy đã mở toang rồi"

Ngay từ phần đầu của lễ trao giải, Black Panther đã kịp gây bão trên mạng xã hội khi đoạt 2 giải Thiết kế phục trang và Thiết kế sản xuất.

"Marvel có thể tạo ra siêu anh hùng da đen đầu tiên, nhưng thông qua thiết kế trang phục, chúng tôi đã biến anh ấy thành một vị vua châu Phi", Ruth Carter, nhà thiết kế đoạt giải Oscar của Black Panther, nói trong bài phát biểu sâu sắc. "Nó có nghĩa là chúng ta vừa mở cửa", bà nói tiếp, "Và cuối cùng, cánh cửa ấy đã mở toang rồi".

2 chiến thắng sớm của Black Panther cho Thiết kế phục trang và Thiết kế sản xuất khiến bộ phim trở nên "viral". Ảnh: Black Panther Fanpage.

2 chiến thắng sớm của Black Panther cho Thiết kế phục trang và Thiết kế sản xuất khiến bộ phim trở nên "viral". Ảnh: Black Panther Fanpage.

Carter và Hannah Beachler, người đoạt giải Thiết kế sản xuất xuất sắc cùng đồng nghiệp Jay Hart, là những phụ nữ da đen thứ 2 và thứ 3 được vinh danh tại một hạng mục ngoài diễn xuất ở Oscar.

Còn tại hạng mục riêng, họ cũng là những người tiên phong. Hannah Beachler là người phụ nữ da đen đầu tiên được đề cử giải Thiết kế sản xuất, có nghĩa bà cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên chiến thắng. Còn Ruth Carter cũng là người phụ nữ da đen đầu tiên thắng giải Thiết kế phục trang.

Chữ "đầu tiên" vốn gắn chặt với Black Panther ngay từ những ngày đầu ra mắt vì bộ phim mang tính cách mạng rõ rệt theo nhiều khía cạnh. Và đến Oscar, diễn ra tận một năm sau khi phim ra mắt, con đường làm nên lịch sử của Black Panther vẫn tiếp diễn.

Chiến thắng tại giải Nhạc nền xuất sắc của nhà soạn nhạc Ludwig Goransson cũng hoàn toàn thuyết phục. Ảnh: Black Panther Fanpage.

Trong phần sau của lễ trao giải, tên phim tiếp tục được xướng lên một lần nữa ở hạng mục Nhạc nền xuất sắc dành cho nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất Ludwig Goransson, khép lại một đêm quá đẹp cho bộ phim siêu anh hùng tỷ USD.

Goransson cũng chính là người đứng đằng sau ca khúc This is America - đoạt giải Ghi âm của năm và Bài hát của năm tại Grammy 2019.

Những chiến thắng nức lòng khán giả và truyền thông

Trước thềm Oscar, Los Angeles Times khẳng định dù chiến thắng hay không, nhà thiết kế tài năng Ruth Carter vẫn thuộc về đẳng cấp "hoàng gia" ở Hollywood.

Từng làm việc với những nhân vật tầm cỡ nhất như Spike Lee, Ava DuVernay hay Steven Spielberg, Carter coi sáng tạo trong nghệ thuật thời trang là sở thích và chưa bao giờ đặt nặng việc tranh đua ở các giải thưởng.

Nhà thiết kế Ruth Carter thuộc "đẳng cấp hoàng gia" ở Hollywood. Ảnh: Twitter.

Nhưng bà vẫn là ứng viên số một ở hạng mục của mình vì trước Oscar, Carter đã 2 lần được đề cử trước đó, và mùa giải năm nay bà được đánh giá rất cao. Theo Deadline, nhà thiết kế đã lên ý tưởng và làm nháp 1.500 bộ trang phục cho dự án Black Panther.

Chủ đề của bộ phim khiến nhà thiết kế rất giàu cảm hứng sáng tạo, nhưng cũng là một thách thức lớn vì tính văn hóa sâu rộng và các nhân vật nhiều màu sắc.

Vì bộ phim chuyến động giữa các nền văn hóa châu Phi, Hàn Quốc, Mỹ và cả những thế giới hư cấu, Carter đã cho nhân viên đi khắp Nam Phi, Ghana, đến Busan của Hàn Quốc và Thái Lan.

Hannah Beachler ăn mừng chiến thắng cùng đồng nghiệp Jay Hart. Ảnh: Getty.

Còn nhà thiết kế sản xuất Hannah Beachler, người phụ nữ da đen lộng lẫy với bộ váy lệch vai trên sân khấu Oscar, trông như phiên bản đời thực của Shuri, Nakia hay Okoye - những nhân vật nữ da đen cuốn hút trong phim.

Trang Popsugar viết: "Trí tuệ tuyệt vời của Hannah Beachler đã giúp đưa Wakanda từ đời thực lên màn ảnh".

Beachler có một bản lý lịch rực rỡ. Trước Black Panther, bà từng làm việc trong những dự án phim lớn như Moonlight (Oscar Phim hay nhất), Fruitvale StationCreed (cùng đạo diễn Ryan Coogler của Black Panther). Nhưng tác phẩm thú vị hơn cả là album và chương trình giới thiệu Lemonade của Beyonce trên HBO.

"Tôi đã cố gắng hết sức, và dường như nó đủ tốt", Beachler nói khiêm tốn nhưng cũng đầy tự hào khi phát biểu nhận giải, "Tôi đứng đây, mạnh mẽ hơn ngày hôm qua".

Bà nhắc lại lời khuyên quý giá của đạo diễn Ryan Coogler đã nói khi họ làm việc cùng nhau: "Hãy trung thực, chân thành và hãy là chính cô. Nếu không, dự án này sẽ không thành công".

Chiến thắng của nhà soạn nhạc Ludwig Goransson (cũng mới đoạt Grammy) được nhìn nhận là xứng đáng. Ảnh: Getty.

Trước Oscar, những đề cử có khả năng chiến thắng của Black Panther đều được truyền thông nhìn nhận là ứng viên nổi trội và xứng đáng. Bên cạnh chiến thắng nức lòng của 2 nhân vật nữ giới, tác giả nhạc nền Ludwig Goransson cũng nhận được những tràng pháo tay giòn giã khi anh lên nhận giải.

Nhà soạn nhạc có cái tên được đặt theo huyền thoại Beethoven - Ludwig - được tạp chí Paper gọi là "người làm nhạc nền của năm 2018", và trang NPR ca ngợi là "tác giả của 2 tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng chính trị sâu rộng nhất năm 2018", chính là This is America và nhạc nền Black Panther.

Lời đố kị "mua giải" từ fan DC?

Ngay khi fan Marvel đang ăn mừng 2 chiến thắng đầu tiên, đã có những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Nhưng các ý kiến này không thực sự bàn về chất lượng phim hay giải thưởng, mà chỉ là những bình phẩm gây khẩu chiến không đáng có.

Cụ thể, đó là những bình luận như Black Panther "mua giải rồi, có gì mà bất ngờ" hay "doanh thu như thế thì mua vài ba giải là bình thường". Ngay lập tức, người hâm mộ phim Marvel cũng nhảy vào tranh cãi, cho rằng đây là những bình luận đố kị đơn thuần từ người hâm mộ DC.

Ngay từ khi Black Panther mới được đề cử, ý kiến phim không xứng đáng cũng xuất hiện, cho là giảm giá trị Oscar. Nhưng ngược lại, nhiều tờ báo chỉ ra đây là điểm sáng của Oscar năm nay, không những tôn trọng sự đa dạng mà còn đến gần hơn với thị trường. Hơn nữa, những nhân vật được đề cử cũng không thể nghi ngờ về tài năng.

Khoảnh khắc "Captain America" Chris Evans ăn mừng chiến thắng của Black Panther trên sân khấu ngay trước khi giải được công bố. Ảnh: ABC.

Lời bình phẩm "mua giải" không chỉ vô căn cứ mà giống như ném đá ao bèo, chìm nghỉm giữa làn sóng khen ngợi và tôn vinh bộ phim sau Oscar. Các trang báo lớn và trang giải trí của Mỹ đều nhận định tích cực về cú ăn ba lịch sử của Black Panther.

"Chúng tôi thực sự ủng hộ nhau. Thật là một sự đền đáp khi cuối cùng, cũng có thể chứng kiến thành quả", Ruth Carter nói, "Thông thường, truyện tranh là thế giới của đàn ông, nhất là truyện tranh siêu anh hùng. Nhưng ở bộ phim này, chúng tôi đã cùng nhau khám phá một thế giới tuyệt vời".

Còn Beachler, người phụ nữ da đen đầu tiên từng làm thiết kế sản xuất cho một phim Marvel, xúc động nói: "Tôi hy vọng điều này sẽ giúp người ta mở mắt ra để nhìn thấy tài năng của những người phụ nữ da màu làm thiết kế".

Mi Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cu-an-ba-lich-su-cua-black-panther-o-oscar-va-loi-do-ki-mua-giai-post919716.html