Cứ 5 học sinh có 1 em có ý định tự tử: Áp lực học hành lớn thế nào?

Theo thống kê của bộ Y tế thì cứ 5 em học sinh lại có 1 em có ý định tự tử. Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn tới vấn đề này, xin mời độc giả cùng báo Người Đưa Tin trò chuyện với TS. Vũ Thu Hương để hiểu hơn về áp lực học hành đối với con trẻ hiện nay.

Vì đâu nên nỗi

Chuyện các em học sinh đang phải chịu quá nhiều áp lực học hành không còn xa lạ, nhưng nó lại nóng lên lần nữa khi một em nam sinh dù đã đạt Học sinh giỏi (HSG) tại TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn không đáp ứng kỳ vọng từ gia đình. Để rồi em quyết định ra đi trong sự đau đớn, xót xa.

TS. Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Xu thế gần đây, các em bị bắt học nhiều hơn do suy nghĩ trẻ em không có việc gì khác ngoài học. Các phụ huynh và giáo viên đôi khi không nắm rõ được mục tiêu học tập của học sinh sẽ gồm rất nhiều thứ như: sống còn, sống tốt và sống thành công, hạnh phúc mà chỉ dồn suy nghĩ vào việc học chữ”.

“Trong tâm lý phụ huynh con mình luôn phải là người đứng đầu, “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”, hay so sánh “nhìn con nhà người ta” nó đã thấm sâu vào việc giáo dục con cái, để các em dù đã nỗ lực thậm chí đạt học sinh giỏi nhưng không phải người đứng đầu lớp, đầu trường... thì vẫn chưa thể thỏa mãn bậc phụ huynh”, TS. Hương phân tích tâm lý phụ huynh hiện nay.

Học sinh hiện nay đang đối diện với rất nhiều áp lực học tập. (Ảnh minh họa)

“Bên cạnh đó là suy nghĩ, ngày xưa nhà nghèo mà bố mẹ học vẫn giỏi, nay gia đình khá giả, con không phải làm gì khác ngoài việc học thì đương nhiên phải học giỏi. Hoặc có cha mẹ suy nghĩ bản thân mình giỏi giang thông minh thì con đương nhiên phải học giỏi. Các cha mẹ cũng sợ con thua kém bạn bè, sẽ thiếu tự tin nên càng áp lực vào con hơn”, nữ Tiến sĩ nói tiếp.

Một thực tế được TS. Vũ Thu Hương chỉ ra hiện nay đó là, đôi khi cha mẹ cũng sợ con cái mình kém so với một mặt bằng mơ hồ nào đó mà họ đặt ra. Chính vì vậy áp lực học tập dồn lên các em quá nhiều.
“Theo tôi, các học sinh giỏi càng lắm áp lực hơn nữa. Đó là khi các em có sức học tốt, có một mặt bằng điểm số tốt thì chỉ có 1 đầu điểm kém là lập tức bị quy kết là lười biếng, ngại học. Thậm chí có cha mẹ vẫn trách con khi con bị điểm 8,9 trong khi bình thường con vẫn được điểm 10. Sự chê trách thay vì động viên đến từ phía cha mẹ, sợ ánh nhìn chê cười của bạn bè cũng là nguyên nhân gia tăng áp lực cho các HSG”, bà Hương nói.

Một thực trạng hiện nay, bố mẹ tạo mọi điều kiện cho con cái chỉ có học, lại quên đi dạy cho con những sinh hoạt cơ bản, kỹ năng cuộc sống cũng rất nguy hiểm. Giáo dục có 3 mục tiêu rất rõ ràng: Kiến thức, kĩ năng và đạo đức. Tuy nhiên, các bố mẹ ngày nay dường như quên hẳn 2 mục tiêu kia mà chỉ chú trọng vào kiến thức.

Đó là vì kiến thức thì dễ đo đếm và so sánh bằng điểm số. Trong khi đó kĩ năng và đạo đức lại khó so sánh hơn. Nếu để so sánh thì hai mục tiêu sau sẽ không thể dùng để khoe và bày tỏ sự tự hào của cha mẹ với người xung quanh.

“Vì thế, việc đương nhiên là kiến thức được đề cao hơn nhiều. Khi trẻ bị thiếu hụt cả kĩ năng và đạo đức, cuộc sống tương lai của các em sẽ vô cùng vất vả chứ đừng nói đến thành công”, TS. Vũ Thu Hương nêu thực trạng đáng suy ngẫm.

Hãy thực sự là bạn với con

Nói về phía phụ huynh “sinh con ai chẳng sinh lòng”, ép con cái học cũng chỉ vì mục đích duy nhất; muốn tốt cho con, muốn con cái sẽ nên người. “Nhưng gờ là lúc phụ huynh nên bình tĩnh lại, đặt suy nghĩ của mình vào những đứa trẻ. Ba mẹ hãy tôn trọng cuộc sống của con hơn. Hãy lắng nghe các em chia sẻ, tâm sự chứ không phải áp đặt, mắng át khi các em đề đạt nguyện vọng hoặc suy nghĩ. Đặc biệt, cha mẹ hãy gỡ "mác bố mẹ” xuống để thực sự làm bạn với con”, TS. Hương nêu giải pháp để tháo gỡ tình trạng này.

TS Vũ Thu Hương cho rằng bố mẹ cần làm bạn với con.

Ngoài ra theo TS. Vũ Thu Hương, những hoạt động vui chơi giải trí là rất cần thiết với bất kỳ ai sau những giờ lao động, học tập. Nhưng lại có nhiều phụ huynh cho rằng điều đó làm sao nhãng việc học của các em, nên cấm. Đó là sai lầm, vui chơi là để các em giải tỏa tâm lý căng thẳng, lấy lại tinh thần.

“Việc vui chơi đúng mức cũng giúp các em khám phá cuộc sống, không bị tò mò và chơi dại. Tôi thấy giới trẻ ngày nay quá thiếu sân chơi. Chính vì vậy, khi cha mẹ không để ý, các em có thể sa đà vào các trò chơi nguy hiểm như trò chơi tình ái, hút bóng cười, cần sa…”

Những câu chuyện về các em học sinh, vì áp lực học tập mà rơi vào trầm cảm, hay từ bỏ đi cuộc sống của mình đã tồn tại rất nhiều. Các bậc phụ huynh giờ đây hãy thực sự trở thành người bạn, thấu hiểu, động viên, an ủi con cái trong học tập cũng như cuộc sống. Để tránh đi những câu chuyện đau lòng vì… không gì quý hơn con người.

Công Luân - Đặng Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/5-hoc-sinh-co-1-em-co-y-dinh-tu-tu-ap-luc-hoc-hanh-lon-the-nao--a366480.html