Cứ 100 trẻ uống kháng sinh thì 5 trẻ bị tác dụng phụ, đừng thấy con ho, sổ mũi mà bố mẹ đã sốt sắng cho uống thuốc ngay

Có một số bệnh nghe thì ghê gớm nhưng các chuyên gia lại khuyên nên để cho nó tự khỏi sẽ tốt cho trẻ hơn.

Nếu được hỏi khi nuôi con cha mẹ sợ nhất điều gì thì có lẽ câu trả lời sẽ là sợ con bị ốm. Dù con chỉ hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng nhẹ thôi, nhưng các ông bố bà mẹ đã như đang ngồi trên đống lửa. Thế là mọi người bồng bế con đi khám, hoặc tự chạy ra hiệu thuốc kể bệnh mua vài loại thuốc mang về cho con.

Song liệu cha mẹ có biết rằng nếu trẻ chỉ bị ho, đau họng, sổ mũi thì không dùng kháng sinh hay không? Bởi theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, dùng kháng sinh không đúng sẽ lợi bất cập hại . Vì:

1. Thuốc kháng sinh chỉ điều trị những bệnh do vi khuẩn, chứ không phải do virus gây ra

Nếu trẻ bị nhiễm bệnh do vi khuẩn, thuốc kháng sinh rất có hữu ích. Nhưng nếu trẻ bị nhiễm virus thì thuốc kháng sinh không chỉ không giúp được trẻ khỏe hơn, mà có khi còn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc.

2. Cảm lạnh thông thường và cảm cúm đều do virus gây ra

Nhiều cha mẹ cứ nghe bệnh có chữ "viêm" như viêm phế quản, viêm xoang thì đều cho rằng đó là do vi khuẩn gây ra và cần phải cho con uống kháng sinh ngay và luôn.

Nhưng theo các chuyên gia, hầu hết các bệnh viêm này đều có chung nguyên nhân gây nên là virus. Chẳng hạn như viêm phế quản – tình trạng ho có nhiều đờm đặc, dính và nhầy, có thể xảy ra khi trẻ hít phải khói thuốc lá hoặc các hạt bụi trong không khí. Tương tự như vậy, viêm xoang cũng là bệnh sổ mũi, chảy nước mũi do virus là nguyên nhân.

3. Không cần thiết phải dùng thuốc kháng sinh đối một số bệnh nhiễm trùng

Có một số trường hợp trẻ bị cúm vừa do virus vừa do vi khuẩn gây nên. Đối với trường hợp này, chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc kháng sinh.

Đôi khi vi khuẩn sẽ gây nên bệnh viêm xoang và nhiễm trùng tai, nhưng thông thường hai bệnh này sẽ tự khỏi sau một tuần mà không cần dùng đến kháng sinh.

Riêng bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn gây nên các triệu chứng bao gồm sốt, mẩn đỏ và khó nuốt thì cha mẹ nên cho con đi xét nghiệm. Nếu kết quả cho ra dương tính, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho con.

4. Thuốc kháng sinh có tác dụng phụ

Lạm dụng thuốc kháng sinh giúp vi khuẩn có khả năng kháng thuốc khiến việc điều trị bệnh sẽ ngày càng khó khăn hơn (Ảnh minh họa).

Lạm dụng thuốc kháng sinh giúp vi khuẩn có khả năng kháng thuốc khiến việc điều trị bệnh sẽ ngày càng khó khăn hơn (Ảnh minh họa).

Cứ trong 100 trẻ uống kháng sinh thì sẽ có 5 trẻ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc, bao gồm: tiêu chảy và nôn mửa. Một số em còn bị sốc phản vệ nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.

Thêm vào đó, việc lạm dụng thuốc kháng sinh còn giúp vi khuẩn ngày càng mạnh mẽ hơn nên sau một thời gian, thuốc sẽ không còn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn nữa. Đây được gọi là tình trạng "kháng thuốc kháng sinh". Và để điều trị vi khuẩn kháng thuốc này cần phải sử dụng thuốc đặc trị với liều lượng cao, đắt hơn và khó chữa hơn.

5. Khi nào trẻ cần dùng kháng sinh?

Trẻ có thể cần kháng sinh nếu:

- Tình trạng ho không thuyên giảm trong vòng 14 ngày.

- Được chẩn đoán bị bệnh do vi khuẩn gây bệnh viêm phổi hoặc ho gà gây nên.

- Các triệu chứng của nhiễm trùng xoang không thuyên giảm trong 10 ngày, hoặc chúng thuyên giảm nhưng sau đó lại trở nên nặng hơn.

- Trẻ bị chảy nước mũi màu vàng xanh và sốt ít nhất 38,8 độ C trong nhiều ngày liên tiếp.

- Trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra.

Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, tốt nhất cha mẹ hãy cho con đi gặp bác sĩ nếu con sốt 38 độ C trở lên.

Theo Pháp Luật và Bạn Đọc

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-me/cu-100-tre-uong-khang-sinh-thi-5-tre-bi-tac-dung-phu-dung-thay-con-ho-so-mui-ma-bo-me-da-sot-sang-cho-uong-thuoc-ngay-20201006070504117.htm