Cty tái cơ cấu, yêu cầu nghỉ việc ngay có đúng luật?

Bạn N.Đ.T (Cty A.F, KCN Amat tỉnh Đồng Nai) đến Văn phòng TVPL Báo Lao Động hỏi: Bạn đang làm việc bình thường thì Cty lấy lý do tái cơ cấu và yêu cầu bạn nghỉ việc ngay trong ngày (hiện bạn đã nghỉ làm được 3 ngày). Mọi chế độ chấm dứt HĐLĐ Cty nói sẽ thỏa thuận sau. Cty làm vậy có đúng, bạn nên làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình?

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Văn phòng TVPL Báo Lao Động tư vấn: Trước mắt, bạn phải đến ngay Cty yêu cầu Cty cấp cho bạn giấy chứng nhận hay thông báo là đồng ý cho bạn nghỉ việc và không cần đến làm việc cho Cty kể từ ngày bạn nghỉ. Lý do, để tránh trường hợp sau này Cty cho rằng bạn đã tự ý nghỉ việc không có lý do cộng dồn 5 ngày trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu nghỉ để làm căn cứ xử lý kỷ luật sa thải bạn theo quy định tại Điều 126 BLLĐ, vì trên thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra như vậy. Trường hợp Cty không cấp thông báo hay giấy chứng nhận, bạn nên yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về việc không được Cty cho vào làm việc để làm căn cứ bảo vệ mình hay khởi kiện Cty sau này. Sau đó sẽ tiến hành thỏa thuận với Cty để chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 3, Điều 36 BLLĐ.

Bạn đọc có địa chỉ facebook N.H cho biết: Cha bạn công tác trong quân ngũ cấp hàm thiếu úy chuyên nghiệp tính đến năm 1987 được 8 năm, sau đó chuyển ngành làm trong DNNN. Đến tháng 2.1995 Cty của cha bạn ra quyết định buộc thôi việc vào tháng 8.1995 vì cha bạn không chuyển công tác lên Gia Lai. Cha bạn bị buộc thôi việc sau 1.1.1995 thì từ 1987 - tháng 1.1995 có được tính là thời gian đóng BHXH hay không?

Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều - Văn phòng luật sư số 6, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời: Theo khoản 5, Điều 3 Luật BHXH 2014 quy định:

“5. Thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi NLĐ bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng. Trường hợp NLĐ đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH”.

Điểm 6, Điều 123 Luật BHXH 2014 quy định: “6. NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1.1.1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Việc tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân”.

Điểm a, khoản 1, Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định NLĐ làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 1.1.1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian làm việc trước ngày 1.1.1995 đó được tính là thời gian đã đóng BHXH”. Bạn nên liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi cha bạn sinh sống để hỏi thêm các quy định cụ thể về cách tính thời gian đã tham gia BHXH trước 1.1.1995.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Q. Hùng - N. Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/cty-tai-co-cau-yeu-cau-nghi-viec-ngay-co-dung-luat-610896.bld