Cty Hogan Lovells từ chối trả lời báo chí

Một vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng có yếu tố nước ngoài tương tự vụ Cty luật Hogan Lovells, đã từng xảy ra tại Việt Nam.

Đó là vụ án tranh chấp giữa bị đơn là Cty Dentsu Y&R và nguyên đơn là ông Peter Sorge. Theo hồ sơ vụ án, ngày 7-10-2009, ông Peter Sorge ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Cty Dentsu Việt Nam, chức vụ GĐ Sáng tạo và điều hành, kể từ ngày 9-11-2009. Hợp đồng này được hai bên ký và không có đóng dấu của Cty TNHH Dentsu Việt Nam.

Ngày 10-10-2011, Cty TNHH Dentsu Việt Nam gửi thư điện tử thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn và đính kèm theo là văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng không đề ngày tháng năm và không có con dấu của Cty. Cty này cho rằng, không ký bất cứ hợp đồng lao động nào với ông này. Lý do Cty Y&T Việt Nam đưa ra là Cty Y&R trụ sở chính tại Singapore mới là DN tuyển dụng ông Sorge và điều động ông này làm việc tại Cty Y&R Việt Nam dưới dạng luân chuyển nội bộ DN, lương được ủy thác trả từ Cty Singapore.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong trường hợp này, HĐXX đã công nhận việc làm việc thực tế trong 2 năm của ông Sorge tại Cty Y&R Việt Nam và xác định bên phải tham gia hoạt động tố tụng chính là Cty Dentsu Y&R Việt Nam. Người sử dụng lao động trực tiếp trong các hợp đồng được xác định ở đây chính là Cty Dentsu Y&R Việt Nam. Vì vậy, tại bản án số 822/2015/LĐ-PT, TAND TP HCM căn cứ trên cơ sở quan hệ hợp đồng lao động thực tế để ra phán quyết Cty Dentsu Việt Nam phải thanh toán cho ông Sorge tổng số tiền hơn 300.000 USD gồm tiền lương không được làm việc trong 2 năm và các khoản khác, tương đương hơn 7 tỷ đồng vào thời điểm đó.

Có 2 đặc điểm tương tự trong vụ án tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Cty luật Hogan Lovells với vụ án trên. Đầu tiên, giữa người sử dụng lao động và người lao động đều có yếu tố nước ngoài và thỏa thuận với nhau về công việc theo hình thức làm việc không xác định thời hạn. Đó là một điều phù hợp với thực tế với công việc yêu cầu người lao động có năng lực cao như GĐ Sáng tạo và điều hành – ông Sorge và luật sư cao cấp – bà Q.A.

Đặc điểm tương tự thứ hai là thỏa thuận công việc ban đầu giữa các bên tham gia quan hệ lao động không theo mẫu một hợp đồng lao động thông thường tại Việt Nam. Trong vụ án Cty Dentsu Y&R, tòa án đã chấp nhận, xem thỏa thuận lao động giữa hai bên là một hợp đồng lao động. Từ đó xác định Cty Dentsu Việt Nam là bên sử dụng lao động trực tiếp. Cùng tính chất, song trong vụ án tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Cty Hogan Lovells, bản án sơ thẩm lại bỏ lọt đương sự quan trọng, không đưa chi nhánh Hà Nội tham gia vụ án.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, việc xác định người sử dụng lao động sẽ quyết định tính chất của quan hệ hợp đồng và giá trị pháp lý của hợp đồng lao động. Trong bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội nhận định, nguyên đơn thỏa thuận các điều khoản, điều kiện làm việc, ký thỏa thuận làm việc với Cty luật Hogan Lovells International LLP. Tuy nhiên, trong vụ án này có 1 thỏa thuận lao động và 3 hợp đồng được ký kết. Nội dung 2 hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng thời vụ sau hoàn toàn được ký kết giữa chi nhánh Hà Nội và bà Q.A. Việc thỏa thuận, thực hiện nội dung 3 hợp đồng lao động, thực hiện thỏa thuận lao động đều liên quan trực tiếp đến chi nhánh Hà Nội. Theo luật sư Hà, không đưa Chi nhánh Hà Nội tham gia vụ án là dấu hiệu vi phạm về thủ tục tố tụng, dẫn đến ảnh hưởng tới tính khách quan và toàn diện khi xem xét vụ án.

Luật sư Hà cho biết, Cty luật của mình đã gửi kiến nghị về việc xem xét lại bản án 01/2018 của TAND TP Hà Nội có vấn đề về nội dung và vi phạm về tố tụng tới Văn phòng chính phủ. Mới đây, văn phòng Chính phủ đã chuyển TAND TC đơn kiến nghị của Cty Luật Hà My và cộng sự để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và đề nghị thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Chính phủ.

Để xác minh giá trị pháp lý của giấy xác nhận của người sử dụng lao động mà chánh văn phòng Chi nhánh Hogan Lovells Hà Nội đóng dấu ngày 12-7-2016, loại công việc không xác định thời hạn với bà Q.A, PV đã liên hệ với chi nhánh Hà Nội và được cho biết, hiện tại chi nhánh Hà Nội không có chánh văn phòng!? Chị Nguyễn Thu Thủy, phụ trách nhân sự Cty Hogan Lovells tại Việt Nam, trả lời rằng bản thân không rõ việc này!? Cty có luật sư đại diện nên không cung cấp thông tin gì.

Tại sao người phụ trách nhân sự hiện tại lại trả lời rằng bản thân không rõ một văn bản đã có đóng dấu của Cty? Lý do gì đằng sau khiến một Cty luật quốc tế lớn như Hogan Lovells trả lời báo chí rằng không cung cấp thông tin, không chấp hành Luật Báo chí về cung cấp thông tin? Cái giá của sự mất uy tín này chắc không ít hơn việc xác nhận tính chính xác một thông tin không có lợi khi ra tòa của Cty này.

Chí Tùng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cty-hogan-lovells-tu-choi-tra-loi-bao-chi-152420.html