CSI 2020 góp phần hồi phục phát triển kinh tế bền vững

Chương trình Đánh giá, Công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 (CSI 2020) đã được phát động sáng nay (26/5), tại Hà Nội. Đây là một hoạt động có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần vào việc hồi phục phát triển kinh tế bền vững hậu Covid-19.

CSI 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) thực hiện, với sự phối hợp tham gia của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Lễ phát động CSI năm 2020

Lễ phát động CSI năm 2020

Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững CSI với 127 tiêu chí xếp hạng tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp, dựa trên 4 trụ cột: Báo cáo phát triển bền vững; chỉ số quản trị; chỉ số môi trường; chỉ số lao động. Điểm mới của CSI 2020 là đã cập nhật các yêu cầu phù hợp với cam kết tại các hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA… cũng như các thay đổi về chính sách quản lý lao động, môi trường. Các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, cũng đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào CSI 2020. Các doanh nghiệp thuộc mọi qui mô đều có thể tham gia và không phải nộp bất cứ khoản phí nào.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương tại lễ phát động CSI 2020, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch VBCSD, cho biết: Mục tiêu CSI hướng tới là mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh hướng tới các giá trị nhân văn, lợi ích kinh tế phải hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Bộ chỉ số CSI là công cụ quản trị doanh nghiệp rất khoa học, hiệu quả, được xây dựng dành riêng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. CSI sẽ giúp các doanh nghiệp trả lời được các câu hỏi: Phát triển bền vững là gì? Muốn phát triển bền vững doanh nghiệp cần phải làm gì?.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã hé lộ những lỗ hổng trong quản trị và vận hành các nền kinh tế, nhiều chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy, tác động ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội trên toàn cầu, vấn đề phát triển bền vững lại càng đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết đối với bất cứ nền kinh tế hay quốc gia nào. Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, bộ chỉ số CSI sẽ có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở Việt Nam hậu Covid-19. Càng nhiều doanh nghiệp áp dụng CSI, hoạt động quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ càng trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn, doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh, tăng cường được khả năng chống chọi và phục hồi phát triển trong mọi kịch bản, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế.

Theo báo cáo đánh giá quá trình phát triển bền vững của các doanh nghiệp đã tham dự CSI trong giai đoạn 2016-2018, do VCCI-VBCSD thực hiện trong năm 2019, cho thấy, các doanh nghiệp sau khi tham gia CSI đều có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động cải thiện đáng kể so với trước khi chưa tham gia CSI. Đặc biệt, kết quả hoạt động kinh doanh, năng suất lao động của các doanh nghiệp tham gia CSI đều vượt trội hơn so với những doanh nghiệp không tham CSI.

“Các doanh nghiệp cần coi việc áp dụng bộ chỉ số CSI là một trọng tâm trong chiến lược quản trị, phát triển của mình. Áp dụng CSI vào việc lập báo cáo phát triển bền vững, thường xuyên tham chiếu bộ chỉ số CSI vào trong quá trình quản trị doanh nghiệp, cũng như khi vận hành sản xuất, kinh doanh, để kịp thời phát hiện ra những điểm yếu, những thiếu sót, qua đó có thể để điều chỉnh nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và sản xuất, kinh doanh, nắm bắt kịp thời các cơ hội đầu tư và “đi tắt đón đầu” - ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/csi-2020-gop-phan-hoi-phuc-phat-trien-kinh-te-ben-vung-137939.html