CSGT xuyên đêm mở đường cho xe chở tạng người hiến tặng: Bác sĩ nói gì?

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, BV Chợ Rẫy nói về việc BV thực hiện thành công 4 ca phẫu thuật nhờ CSGT hai địa phương phối hợp chuyển tạng trong thời gian nhanh nhất.

Vừa qua (ngày 17/5), Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 4 ca ghép tạng từ 1 quả tim, 1 lá gan và 2 quả thận. Người cho là một nam thanh niên không may bị TNGT chết não ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để nguồn tạng lúc thực hiện phẫu thuật tốt nhất, CSGT hai địa phương Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM đã phối hợp dẫn đường xuyên đêm để kịp vận chuyển tạng từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP.HCM.

Tại sao cần cảnh sát dẫn đường?

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết, trong hiến tạng, người hiến chết não hay tim ngừng đập thì những cơ quan tạng hiến của họ phải được bảo quản, vận chuyển tới người nhận kịp thời gian. Thời gian bảo quản của từng tạng sẽ khác nhau, tim và phổi thời gian tối đa là 6 giờ, gan 12 giờ, thận khoảng 24 giờ.

Các bác sĩ trong một ca ghép tim. (Ảnh: BV Chợ Rẫy)

Các bác sĩ trong một ca ghép tim. (Ảnh: BV Chợ Rẫy)

Những bộ phận ấy, khi thời gian bảo quản lạnh càng lâu thì sự thoái hóa của mô tế bào càng nhiều, chức năng hồi phục kém hơn, đặc biệt là tim. Nếu bảo quản và vận chuyển thất bại thì đồng nghĩa với người bệnh đang chờ nhận kia sẽ chết.

“Thay vì vài tháng nữa người ta chết, nhưng vì không mang tạng về kịp, cơ quan tạng hư đồng nghĩa với người bệnh chờ ghép bị tử vong. Vì cuộc mổ hai bên (bên cho và bên nhận) gần như diễn ra song song, chậm trễ tạng ghép bệnh nhân sẽ chết”, BS Du cho biết lý do vì sao cần CSGT dẫn đường để việc vận chuyển tạng được nhanh nhất.

Theo BS Du, khi các phẫu thuật viên đi nhận tạng thì sẽ đánh giá chất lượng của cơ quan ngay trên bàn mổ. Và người ở nhà (bên phía người chờ ghép) cũng được chuẩn bị, nhưng chưa mổ, nằm chờ. Thời điểm các phẫu thuật viên chỗ tiếp nhận tạng hiến xác nhận chất lượng tạng tốt thì nhóm ở nhà bắt đầu cuộc mổ cho bệnh nhân nhận tạng và đợi cơ quan tạng hiến tặng về đặt vào để ghép.

"Ở Bà Rịa-Vũng Tàu báo tạng tốt thì ở TP.HCM xác nhận và bắt đầu mổ, chờ từng giây từng phút tạng về để ghép vô", nữ tiến sĩ nói về ca ghép tạng hôm 17/5.

Trong quá trình đánh giá mô tạng hiến, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh của người hiến tạng, tình trạng bệnh đã điều trị triệt để chưa, đã cố hết sức chưa, còn cái gì chưa làm được...

“Đó là tính nghiêm ngặt trong y đức của người bác sĩ. Không phải vì người ta đã ký hiến tạng mà mình làm sai, làm sao cũng được. Chúng tôi làm rất nghiêm ngặt và luật pháp đã quy định trong chẩn đoán chết não, chẩn đoán ngừng tim. Phải thực sự đã chết mới mổ lấy tạng", BS Du nói.

BS Du khẳng định lại, trong quá trình điều trị và thực hiện ghép tạng, khi bác sĩ đã quyết định cuộc mổ, thì sẽ phải làm sao chuẩn bị thật tốt tất cả mọi chuyện. Với tim, gan thì càng nghiêm ngặt hơn.

Trước khi mổ lấy tạng, các bác sĩ sẽ dành phút mặc niệm cho bệnh nhân, họ tri ân và tôn trọng người hiến tặng.

Các bác sĩ trong một ca ghép thận. (Ảnh: BV Chợ Rẫy)

Ai là người được nhận tạng?

Theo BS Du, những người bệnh được nhận cơ quan tạng ghép phải có tên trên danh sách chờ với đầy đủ thông tin về y khoa. Tất cả có quyền bình đẳng như nhau, không phân biệt điều kiện như thế nào.

Nữ tiến sĩ phân tích, chỉ có một cái khác là tiêu chuẩn y khoa của người hiến và người nhận, nếu nó hòa hợp với nhau thì sẽ được chọn. Còn không hòa hợp mà ghép, sẽ có sự thải ghép còn nguy hiểm hơn.

Trên danh sách chờ, sự quản lý của hệ thống chứng minh cho sự minh bạch trong tiêu chuẩn tuyển chọn. Tất cả tiêu chuẩn tuyển chọn về y khoa, về tuổi, giới tính, bệnh kèm theo của người nhận tạng đều được mã hóa thành tiêu chuẩn về điểm.

Ai đủ điểm, ai hòa hợp nhiều nhất thì người đó đương nhiên được nhận. Sự phối hợp ngành y tế và công an cũng vậy, cảnh sát làm việc không có nghĩ cái tạng đó vận chuyển cho ai, địa vị gì cả, chỉ biết rằng hỗ trợ nhanh đưa tạng về để kịp thời gian cứu người mà thôi”, BS Du nhấn mạnh.

CSGT Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM phối hợp dẫn đường

Chiều 13/5, anh N.T.T. (41 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) bị TNGT dẫn đến chết não. Gia đình anh T. đồng ý hiến tạng để cứu giúp những bệnh nhân khác.

Trong đêm 16/5, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện việc tiếp nhận cơ quan hiến tặng tại Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) nhận được đề nghị hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc tạo điều kiện cho xe cứu thương chở tạng người từ Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Bệnh Viện Chợ Rẫy để ghép tạng cho nhiều người.

CSGT Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với CSGT TP.HCM cùng mở đường đưa tim, gan và 2 quả thận của người chết não về Bệnh viện Chợ Rẫy cứu 4 người

PC08 đã nhanh chóng lên kế hoạch, phân công Đội tuần tra dẫn đoàn và các đơn vị trực thuộc phụ trách các tuyến đường mà xe cứu thương sẽ đi qua như Đội CSGT Cát Lái, Bến Thành, Chợ Lớn để bố trí cán bộ, chiến sỹ tại các giao lộ phân luồng giao thông khi đoàn đi qua.

Gần 1h ngày 17/5, xe cứu thương chở tạng của người hiến được xe ô tô đặc chủng của Phòng CSGT Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở đèn và còi ưu tiên ra khỏi đường cao tốc. Lập tức, 2 mô tô với 4 CSGT của Đội tuần tra dẫn đoàn PC08 chờ đón và hỗ trợ dẫn đường theo lộ trình.

Trong suốt quá trình di chuyển từ đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây về đến bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn xe luôn được lực lượng CSGT tại các giao lộ có đoàn đi qua bật đèn xanh, điều tiết giao thông cho đoàn đi qua nhanh chóng và an toàn.

Nhờ đó, chỉ hơn 10 phút từ khi rời khỏi cao tốc, đoàn xe cứu thương chở tạng người đã về đến Bệnh viện Chợ Rẫy an toàn để đưa tang hiến đến với ê-kíp của bệnh viện đang chờ trong phòng mổ.

Được biết, hiện tại tình hình sức khỏe của 4 bệnh nhân được ghép tạng tạm ổn định và đang được các y, bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục theo dõi.

MAI THÚY

Nguồn VTC: https://vtc.vn/csgt-xuyen-dem-mo-duong-cho-xe-cho-tang-nguoi-hien-tang-bac-si-noi-gi-ar610965.html