'CSGT trên trời': Nhìn thấy pháo hoa mới biết giao thừa đã điểm…

Với những người kiểm soát viên không lưu, giao thừa có khi chỉ là những đốm sáng nhỏ di chuyển trên màn hình, tiếng máy fax loẹt xoẹt thêm một lời chúc Tết vội qua bộ đàm với phi công.

“Đêm chuyển giao năm cũ sang năm mới, người người, nhà nhà quây quần hàn huyên, chúc nhau ly rượu mừng. Song với những người kiểm soát viên không lưu, giao thừa có khi chỉ là những đốm sáng nhỏ di chuyển trên màn hình, tiếng máy fax loẹt xoẹt thêm một lời chúc Tết vội qua bộ đàm với phi công. Nhưng từng đó cũng đủ để anh em làm việc thấy ấm lòng vì niềm vui của nghề là những chuyến bay an toàn, giúp hành khách đoàn tụ cùng gia đình”, ông Nguyễn Đình Tôn, một kiểm soát viên không lưu kỳ cựu trong nghề chia sẻ.

An toàn mỗi chuyến bay luôn là trên hết

Nằm trên đỉnh Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài cao hơn 80m, cơ sở kiểm soát tại sân bay (còn gọi là đài chỉ huy) có nhiệm vụ kiểm soát máy bay cất hạ cánh và các phương tiện khác trong sân bay, điều hòa máy bay đi và đến, chiếc nào hạ cánh, chiếc nào dừng chờ...

Chịu trách nhiệm về hoạt động điều hành bay trong vòng bán kính hơn 10 km. Đó là căn phòng đặc biệt với nhiệt độ luôn được giữ ở mức 20-22 độ C. Phòng được thiết kế hình tròn vách kính bao quanh, từ đây có thể nhìn bao quát về phía sân bay, phía xa bên kia sông Hồng là trung tâm Hà Nội với những tòa nhà cao tầng, một phía là những dãy núi mờ xanh...

Tuy nhiên, các Kiểm soát không lưu (KSVKL) không có thời gian để ngắm cảnh, khi đã vào vị trí, họ phải nói, hướng dẫn phi công liên tục (lúc cao điểm, thời gian nói, hướng dẫn bay của KSVKL thường hơn 50 phút/h), đồng thời, mắt nhìn vào màn hình, tai nghe phi công báo cáo, vừa viết lại các thông số cơ bản của chuyến bay vào băng phi diễn, vừa thao tác trên bàn phím máy tính khai thác các chức năng điện tử…

Chính thức trở thành kiểm soát viên không lưu năm 1978, tính đến nay cũng vài chục năm trong nghề, nhiều năm song hành trong vai trò kíp trưởng, song số lần ông Nguyễn Đình Tôn ăn Tết trọn vẹn bên vợ con cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, chưa khi nào ông lấy đó làm buồn, làm lý do “chán nghề”.

Ngược lại, ở người đàn ông này luôn toát lên một niềm yêu nghề mãnh liệt. Tình yêu đó cũng đã được truyền sang cho hai cô con gái nhỏ. Giờ đây, cả 3 bố con đều là kiểm soát viên không lưu, là đồng nghiệp cùng Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Tâm sự trong một ngày cuối năm, ông Tôn bảo, nghề này “kén” người lắm.

Ông thuộc lứa thứ 3 đến với nghề. Khi đó, cả lớp huấn luyện có 70 người, thì 40 người được chọn sang làm kiểm soát không lưu với các điều kiện ngặt nghèo: thành phần gia đình, có sức khỏe và phản ứng tốt. Ông may mắn đáp ứng đủ các điều kiện này. Về sau này, việc chọn người ngặt nghèo hơn nữa, đó là sau khi tốt nghiệp Học viện Hàng không, học viên tiếp tục được huấn luyện tại Trung tâm đào tạo nghiệp vụ quản lý bay, đến khi được nhận vào làm việc, cũng phải có người kèm.

Sau tối thiểu 5 năm, một kiểm soát viên mới vào nghề có thể làm việc độc lập. Chưa dừng lại, nghề này đòi hỏi sự tâm huyết thực sự, đặc biệt là cẩn trọng và chính xác. Bởi một câu huấn lệnh chỉ đường sai là sự cố nghiêm trọng, tính mạng của hàng trăm con người có thể gặp nguy.

Vào những dịp lễ Tết, áp lực công việc lại cao hơn ngày thường vì mật độ bay rất đông. Đặc biệt, những ngày cận và trong Tết, chuyến bay trục Nam - Bắc tăng rất nhiều, mỗi giờ có tới 50-60 máy bay cất/hạ cánh. Do đó, khi mọi người sum họp chờ thời khắc giao thừa thì những KSVKL vẫn cần mẫn bám trụ với công việc. Trực đêm 30 Tết tuy hơi buồn nhưng từ đài chỉ huy họ được ngắm pháo hoa rực rỡ từ phía trung tâm Hà Nội. Vào thời khắc giao thừa thừa đã điểm, họ cảm thấy ấm lòng vì đã góp phần đảm bảo an toàn cho những chuyến bay ngày Tết.

“Được ví như “Cảnh sát giao thông” trên trời, căng thẳng, áp lực là vậy, song hạnh phúc với chúng tôi rất bình dị: Điều hành từng chuyến bay an toàn, hành khách được an toàn”, ông Nguyễn Đình Tôn bộc bạch.

Ông Nguyễn Đình Tôn vầ con gái lớn Thu Trang tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài.

Ông Nguyễn Đình Tôn vầ con gái lớn Thu Trang tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài.

Nghề luôn phải giữ cái đầu… lạnh

Nếu vào thời điểm năm 1995-1996, mỗi ngày có khoảng 30 chuyến máy bay cất/hạ cánh tại sân bay Nội Bài, thì đến nay, hơn 20 năm sau, vào dịp Tết Canh Tý, con số đó đã lên tới hơn 600 chuyến cất/hạ cánh (gấp hơn 20 lần). Điều này có thể thấy, an toàn của mỗi chuyến bay phải được ưu tiên gấp bội. Cũng vì mục tiêu an toàn nên các kiểm soát viên của Đài kiểm soát không lưu Nội Bài dường như ai cũng quen với cảnh đón giao thừa trên đỉnh tháp cao gần 100m. Nhờ có sự liên lạc thông suốt của kiểm soát viên, các phi công không đơn độc trên hành trình của mình.

Thời gian trực tại đài không lưu là 24/24 giờ. Một ngày chia làm 2 ca, có 4 kíp thay nhau ở từng vị trí. Mỗi phiên, kiểm soát viên không trực quá 2 giờ, cứ sau 2 giờ bắt buộc phải nghỉ. Do đặc thù nghề nghiệp nên ngày thường cũng như ngày lễ tết, các lãnh đạo Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài cũng phải “trực chiến” tại đài.

Giả sử trong kíp trực có vấn đề vượt quá thẩm quyền xử lý, kíp trưởng sẽ gọi lãnh đạo trung tâm quyết định. Lãnh đạo trực trung tâm sẽ ngay lập tức có mặt tại phòng điều hành để xem xét, quyết định, nếu vẫn thấy vượt quá thẩm quyền sẽ tiếp tục gọi điện lên cấp trên. Đơn cử như năm 2016, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài phải xử lý vụ việc phi công bay từ phía Nam ra đã ấn nút báo có không tặc. Chỉ trong ít phút, đơn vị đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn nguy cấp quốc gia.

Chỉ sau ít phút thông tin đã được chuyển đến cơ quan chỉ huy cao nhất và một phương án ngăn chặn đã được triển khai. Rất may máy bay sau đó hạ cánh an toàn, phi công báo đã ấn nhầm nút không tặc thay vì ấn nút khẩn nguy. Vụ việc không gây nhiều thiệt hại nhưng cũng là phép thử cho thấy phản ứng nhanh chóng, chuyên nghiệp của lực lượng kiểm soát không lưu.

Anh Trần Xuân Lộc, Phó Trưởng Trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay Nội Bài cho biết thêm, khi hoạt động bay gia tăng quá nhiều, lãnh đạo trung tâm sẽ tăng cường người cho các kíp trực để tránh quá tải, chú ý kiểm soát mệt mỏi đối với các kiểm soát viên.

Thời điểm giao thừa, những KSVKL đang làm nhiệm vụ thì tuyệt đối không được phép rời vị trí, những kiểm soát viên đang được nghỉ giải lao giữa hai ca sẽ chuẩn bị những đồ ăn mang hương vị ngày Tết như bánh chưng, bánh kẹo, thắp hương, chúc mừng năm mới tại trung tâm. Thời khắc đầu tiên của năm mới, họ chúc mừng, ăn với nhau miếng bánh, cái kẹo rồi lại tiếp tục làm việc.

“Các cán bộ, KSVKL tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài luôn gắn bó như trong một gia đình lớn nên việc đón Tết tại đài luôn được mọi người cố gắng lo chu toàn”, anh Trần Xuân Lộc kể.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, việc tạo điều kiện để anh chị em làm việc vào những ngày Tết Âm lịch được hưởng hương vị Tết ngay tại nơi làm việc, tuy đơn giản nhưng ấm cúng. Đặc biệt là đêm giao thừa, thời khắc mà nhà nhà, người người đang quây quần cùng nhau đón chào năm mới đã phần nào an ủi người lao động, tạo động lực để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang niềm vui đến cho mọi người, mọi nhà.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/t27_-canh-sat-giao-thong-tren-troi-nhin-thay-phao-hoa-moi-biet-giao-thua-da-diem-577574/