CSGT TP HCM nói gì về tin nhắn 'dụ' đóng phạt 'nguội'?

Người dân dù không có hành vi vi phạm an toàn giao thông nhưng lại nhận được các cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu đóng phạt nguội, khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo sợ.

Liên quan đến vụ việc, trung tá Nguyễn Văn Bình - Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM, cảnh báo đây là thủ đoạn lừa đảo của một số đối tượng xuất hiện trong thời gian gần đây.

Cụ thể, trung tá Nguyễn Văn Bình cho biết các đối tượng này sẽ giả danh là cơ quan công an (cụ thể là cảnh sát giao thông), cơ quan bưu điện… thông qua các cuộc gọi, tin nhắn để thông báo cho các thuê bao di động về việc có liên quan đến một biên lai xử phạt "nguội" về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ, để khai thác thông tin.

Một đoạn tin nhắn thoại chị N.T.T.T nhận được.

Một đoạn tin nhắn thoại chị N.T.T.T nhận được.

Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản của đối tượng.

Có trường hợp sẽ yêu cầu cung cấp mã OTP ( One Time Password ) để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội. Đồng thời, yêu cầu nạn nhân bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền nhằm mục đích dễ dàng chiếm đoạt hơn.

Trước phương thức thủ đoạn tinh vi này, lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến biên lai phạt "nguội" giao thông.

"Khi nhận được các cuộc gọi này, đề nghị người dân nhanh chóng đến báo tin cho cơ quan công an địa phương gần nhất, để lực lượng chức năng làm cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh với các loại tội phạm này. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ mail…) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào" - trung tá Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trước đó, phản ánh đến Báo Người Lao Động, chị N.T.T.T (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết cách đây không lâu chị thường xuyên nhận được cuộc gọi từ đầu số +670. Qua tìm hiểu, chị biết được đây là đầu số của quốc gia Đông Timor.

Cảm thấy có điều bất thường, chị T. không dám bắt máy. Sau đó, đầu số này lại để lại tin nhắn thoại cảnh báo: Xin chào bạn. Công cần gặp mày đặng cho em đóng phạt.

Trung tá Nguyễn Văn Bình thông tin: Tất cả các trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh đều có thông báo vi phạm của cơ quan chức năng đến chủ phương tiện, thông qua đường bưu điện.

Khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc đại diện chủ phương tiện, người có hành vi vi phạm mang phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan chức năng để giải quyết. Nếu sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến giải quyết, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ phối hợp công an địa phương để gửi lại thông báo.

Ngoài ra, để tìm hiểu thông tin liên quan đến vi phạm qua hình ảnh, người dân có thể truy cập Trang thông tin điện tử của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (địa chỉ truy cập: http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn ). Sau đó, chọn mục "Tra cứu", tiếp theo chọn "Thông tin tra cứu lỗi vi phạm giao thông qua hình ảnh".

Tại đây người dân chỉ cần điền chính xác thông tin biển số xe cần tìm vào ô bên dưới. Khi nhập thông tin tìm kiếm, người dân phải đánh máy chính xác chữ, số và ký tự đặc biệt kể cả dấu (,), (-).

Trong trường hợp, phương tiện đó không có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên Trang Thông tin điện tử là "Chúc mừng. Không tìm thấy lỗi vi phạm của bạn. Mong bạn tiếp tục tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và lái xe an toàn".

Ý Linh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/csgt-tp-hcm-noi-gi-ve-tin-nhan-du-dong-phat-nguoi-20210426223744587.htm