CSGT Hà Nội mở lớp học chào, hỏi người dân

Có một lớp học đặc biệt diễn ra 2 buổi tại Phòng CSGT Hà Nội. CSGT Thủ đô học lại cách chào, cách ứng xử với người dân. Đích thân lãnh đạo Cục CSGT và lãnh đạo phòng này đứng lớp…

Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm Ảnh: hồng vĩnh

Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm Ảnh: hồng vĩnh

Phải đo lường sự hài lòng của dân

Cả buổi sáng 28/5 vừa qua, có lẽ trên nhiều tuyến đường Hà Nội vắng bóng CSGT một cách khác thường. Bởi vì 1.300 cán bộ, CSGT thuộc 25 đội phải tham gia lớp học đặc biệt (chia thành 2 buổi trong một ngày để 50% quân số thay phiên nhau học), nói như thượng tá Dương Đức Hải (Trưởng phòng CSGT Hà Nội): “Phải đo lường được sự hài lòng của người dân”. Hai buổi học đó không chỉ có lý thuyết suông, mà còn dẫn các tình huống cụ thể. Thậm chí, một CSGT phải đứng lên làm mẫu các hiệu lệnh và tập chào hỏi đúng phong cách.

“Trong thời gian qua, lực lượng CSGT còn hạn chế như chưa chịu khó nghiên cứu, trau dồi kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cần thiết, trong khi pháp luật và kiến thức liên quan công tác thường xuyên thay đổi. Từ đó dẫn đến khi làm nhiệm vụ còn hạn chế khi gặp tình huống khó, cán bộ chiến sỹ giải quyết tình huống còn lúng túng, hiệu quả công việc chưa cao”, thượng tá Hải nói rõ thực trạng trong lớp học.

Đội trưởng CSGT Đường sắt Đặng Hồng Giang, nói: “Chúng tôi được tập huấn cả tình huống gặp người ngoại tỉnh, người già yếu, phụ nữ và trẻ em vi phạm Luật giao thông sẽ phải làm sao. Lãnh đạo yêu cầu lấy trọng tâm hướng dẫn luật là chính. Làm sao để người dân không căng thẳng khi gặp CSGT”.

Trong buổi học đặc biệt này, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội quán triệt cán bộ chiến sĩ không được nghe, sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác (ngoài loại do ngành trang cấp) khi làm nhiệm vụ. Lý do được giải thích rằng, hầu hết người vi phạm khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, xử lý thường có thói quen gọi điện can thiệp, xin xỏ. Việc này vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa giảm áp lực cho CSGT.

Không nghe điện thoại của “người thân”

Nói về buổi học hôm đó, thượng úy Nguyễn Văn Tiến (SN 1990, đội CSGT số 12) cho rằng: Tự thân mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xác định rõ mục tiêu đi làm CSGT để làm gì. Nắm rõ quy định những gì được và không được làm, không ngừng học hỏi, tu dưỡng, hoàn thiện. “Có những trường vi phạm giao thông không phải cứ xử phạt là tốt. Lúc đó CSGT chỉ cần giải thích, tuyên truyền để họ hiểu và chấp hành. Song, có trường hợp bắt buộc phải xử phạt nghiêm để chấn chỉnh. Đơn cử như với những người lái xe có nồng độ cồn vượt quy định. Bởi vì, nếu không xử phạt, hậu quả gây ra có thể rất khủng khiếp”, thượng úy Tiến nói.

Khi được hỏi không được nghe điện thoại riêng khi tuần tra có “bí” lắm không? Trung tá Nguyễn Đức Thắng (Phó đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 7), cho rằng việc này sẽ giảm áp lực “cú điện thoại người thân” của người vi phạm. “Mỗi cán bộ, chiến sĩ như được giao cho quyền tự quyết định, không phải nghe điện thoại nên sẽ không bị chịu áp lực từ phía nào, không bị can thiệp. Quy định này rất cần thiết để anh em thực hiện chuẩn chỉ”, Đội phó CSGT số 7 chia sẻ.

Cũng theo ông Thắng, kiểm tra giám sát sau đợt tập huấn, đơn vị nhận thấy cán bộ chiến sĩ khi đang công tác đã biết cách từ chối nghe điện thoại một cách có văn hóa, thực hiện tương đối nghiêm túc. “Khi người vi phạm đưa điện thoại đề nghị CSGT nghe trao đổi, cán bộ, chiến sĩ nhẹ nhàng từ chối với lý do việc này đang trong quy định mới, mong anh/chị thông cảm. Anh em biết cách ứng xử tốt cho công việc hơn”, vị Đội phó nói.

Ngoài học ứng xử, chào hỏi, CSGT Hà Nội còn học cách xử lý các đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo. Theo trung tá Thắng, những đối tượng đó cần đấu tranh mạnh, để vừa phòng chống tội phạm, vừa ngăn chặn tai nạn giao thông. Mặc dù, đấy là những đối tượng bặm trợn, hay có biểu hiện chống đối, thậm chí có cả vũ khí, song như quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo phòng, các cán bộ, chiến sĩ cần bình tĩnh xử lý tình huống, giữ đúng tư thế tác phong, đúng quy định đấu tranh đến cùng.

Thượng úy Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Đoàn thanh niên Phòng CSGT Hà Nội cũng cho hay, đoàn thanh niên đang tích cực hưởng ứng phong trào thi đua mỗi ngày-mỗi người có việc làm tốt. Xây dựng mỗi đoàn viên thanh niên là một tuyên truyền viên để người vi phạm thấy rằng tự mình có thể làm tốt hơn, ý thức hơn trong việc tham gia giao thông.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, việc mở lớp học văn hóa ứng xử sẽ được diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian tới. Theo đó, chúng tôi cố gắng để người dân hợp tác hiệu quả và CSGT phải là người tuyên truyền Luật giao thông hơn là đi xử phạt.

Đại Huệ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/csgt-ha-noi-mo-lop-hoc-chao-hoi-nguoi-dan-1424081.tpo