CSGT Hà Nội kéo ngã 2 cô gái: Dựng chuyện để câu view?

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội khẳng định, không có việc cán bộ CSGT số 6 lao ra đường giật tay lái cô gái điều khiển xe máy. Dư luận đặt câu hỏi, liệu người đăng tải có dựng chuyện để câu view?

Mới đây, khi nói về việc mạng xã hội lan truyền thông tin một CSGT Hà Nội giật tay lái xe máy khiến hai cô gái ngã ra đường tại khu vực chốt CSGT gần ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), lãnh đạo Phòng CSGT TP Hà Nội đã lên tiếng phản bác và khẳng định không có việc cán bộ CSGT số 6 lao ra đường giật tay lái cô gái điều khiển xe máy như mạng xã hội đăng tải.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu người đăng tải thông tin vụ việc trên dựng chuyện để câu view hoặc chưa nắm rõ thông tin sự việc đã đăng tải lên mạng xã hội liệu có bị xử phạt?

 Hình ảnh về vụ việc được đăng tải lên mạng xã hội.

Hình ảnh về vụ việc được đăng tải lên mạng xã hội.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin và tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội để nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Đồng thời, cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin và đề cao cảnh giác.

Luật An ninh mạng nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện nhiều hành vi, trong đó có việc thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác...

Do đó, đối với các trường hợp tung tin sai sự thật, vu khống các lực lượng chức năng nếu hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: “a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.

Trường hợp người đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật đó nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, tùy mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho hay, đối với CSGT khi làm nhiệm vụ, căn cứ Điều 12 Thông tư 1/2016/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông quy định về các trường hợp được dừng phương tiện, cụ thể:

Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau: An toàn, đúng quy định của pháp luật; Không làm cản trở đến hoạt động giao thông; Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật, khi dừng xe phải đảm bảo an toàn, đúng quy định. Do đó, nếu CSGT có hành vi giật tay thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành hoặc theo quy định tại Bộ luật hình sự.

Mời độc giả xem thêm video Vụ CSGT bị tông văng lên trời:

Nguồn: VTC 14.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/csgt-ha-noi-keo-nga-2-co-gai-dung-chuyen-de-cau-view-1407057.html