CSGT có được gửi thông báo về cơ quan khi cán bộ vi phạm giao thông?

Việc CSGT gửi thông báo vi phạm về nơi đảng viên, cán bộ, công chức đang làm việc là không trái với các quy định của pháp luật.

Kể từ ngày 20-6 đến hết 20-9, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM sẽ ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. CSGT TP.HCM sẽ tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy ở bến xe, bến cảng, nhà hàng, quán bar, vũ trường, khu du lịch…

Đáng chú ý trong đợt ra quân lần này, đối với những người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức… sẽ bị CSGT gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý. Thông tin này đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, đa số bạn đọc đều cho rằng đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải xử lý nghiêm để làm gương. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng đặt ra câu hỏi việc CSGT gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị của người vi phạm đang làm việc có đúng theo quy định của pháp luật hay không.

Đội CSGT Hàng Xanh kiểm tra nồng độ cồn tại vòng xoay Hàng Xanh thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đội CSGT Hàng Xanh kiểm tra nồng độ cồn tại vòng xoay Hàng Xanh thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xử lý nghiêm để làm gương

Anh Trần Trọng Linh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết đảng viên hay cán bộ công chức vi phạm giao thông là đã vi phạm luật. Mà đã vi phạm pháp luật thì đều phải bị xử lý như người dân bình thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao CSGT biết được người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức để thông báo về cơ quan, đơn vị. Trong khi người vi phạm chỉ cần xuất trình CCCD, CMND, giấy phép lái xe, giấy tờ sở hữu xe là đủ.

“Ngoài việc bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm quy định giao thông, đối với đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm cần có thêm những chế tài xử lý riêng của cơ quan đang công tác để làm gương. Việc làm này tránh được việc người vi phạm giao thông lợi dụng vị trí công tác để xin CSGT bỏ qua lỗi” - anh Linh chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Phan Đăng Duy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho biết anh ủng hộ việc xử lý vi phạm và gửi thông báo đến cơ quan, đơn vị của người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức. Làm việc trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, đảng viên trước hết phải gương mẫu, nếu vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm, thậm chí nếu cần thiết phải xử lý nặng hơn so với người dân bình thường để làm gương. “Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, cũng cần xem xét các quy định của pháp luật xem liệu CSGT có được gửi thông báo vi phạm về nơi người vi phạm đang làm việc hay không. Mục đích là tốt nhưng cũng dựa và tuân theo quy định của pháp luật” - anh Duy nói.

Việc gửi văn bản thông báo trao đổi thông tin giữa hai cơ quan nhà nước với nhau là hết sức bình thường và pháp luật không cấm việc này.

Pháp luật quy định như thế nào?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, luật sư (LS) Lê Văn Bình, Đoàn LS TP.HCM, cho biết Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), quy định trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Do đó, CSGT có hai hình thức để gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính là giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, xét về quy trình xử lý vi phạm hành chính sau khi lập biên bản vi phạm giao thông, cơ quan công an sẽ ra quyết định xử phạt và gửi về địa chỉ cư trú của người vi phạm. “Địa chỉ này có thể là địa chỉ do người vi phạm tự khai trong lúc lập biên bản hoặc cơ quan công an sẽ dựa vào địa chỉ ghi trên thẻ CCCD hoặc CMND” - LS Bình thông tin.

Liên quan đến vấn đề CSGT gửi thông báo vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức về cơ quan đang làm việc có đúng luật hay không, LS Bình cho rằng việc làm này không trái với các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, trong những vụ việc này bên cạnh việc CSGT xử lý người vi phạm giao thông theo quy trình luật định (lập biên bản, ra quyết định xử phạt, gửi quyết định để thi hành…), CSGT sẽ gửi thêm một thông báo tới cơ quan mà người vi phạm đang công tác để cơ quan đó xử lý theo quy định của từng cơ quan. Tức vừa bị xử phạt hành chính, vừa có thể bị xử lý nội bộ theo quy định của từng cơ quan.

Thông báo mà CSGT gửi mang tính chất thông tin cho cơ quan mà đảng viên, cán bộ, công chức đang làm việc biết được người của mình quản lý đang vi phạm gì để xử lý theo quy định nội bộ. Việc gửi văn bản thông báo trao đổi thông tin giữa hai cơ quan nhà nước với nhau là hết sức bình thường và pháp luật không cấm việc này. Do vậy, CSGT gửi thêm thông báo đến cơ quan người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức đang làm việc là không trái với các quy định của pháp luật.•

Các hình thức xử lý đối với đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm

Ngoài bị xử phạt hành chính, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà đảng viên, cán bộ công chức còn có thể bị cơ quan mình xử lý bằng các hình thức sau:

Đối với đảng viên: Tại Điều 35 Điều lệ Đảng, quy định các hình thức xử lý kỷ luật. Theo đó, đối với đảng viên chính thức có các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Đối với cán bộ: Điều 78 Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Đối với công chức: Điều 79 Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

LS LÊ VĂN BÌNH, Đoàn LS TP.HCM

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/csgt-co-duoc-gui-thong-bao-ve-co-quan-khi-can-bo-vi-pham-giao-thong-post685747.html