CSGT các tỉnh 'vây bắt' xe công nông 'đại náo' quốc lộ

Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, 'quái xế' thường điều khiển xe công nông vào buổi trưa hoặc chiều tối. Nguy hiểm hơn, do thùng xe thấp nên người điều khiển xe dựng thêm vài cây gỗ làm giá đỡ để chở thêm nhiều hàng…

Xe công nông tự chế nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ảnh: V.T

Xe công nông tự chế nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Ảnh: V.T

Không cần học, “cứ ai biết chạy thì làm tài xế”?

Người dân ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến giờ vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lại vụ xe công nông lao xuống vực làm 3 người chết và một số người bị thương hồi tháng 5/2018. Qua xác minh ban đầu, sau khi điều khiển xe công nông chở ngói từ bản Thèn Thầu lên bản Sàng Giang (xã Bản Lang) bán cho các hộ dân, anh Lý Vần Chung (SN 1991) đã cho nhiều học sinh cùng trèo lên thùng xe để về nhà. Khi đến khu vực khe suối, xe công nông bất ngờ lao xuống khe suối sâu khiến lái xe cùng 2 học sinh tử vong tại chỗ; 4 người khác bị thương nặng.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, mặc dù đã bị Chính phủ đình chỉ lưu thông từ 1/1/2008 nhưng đến nay xe công nông vẫn vô tư chở hàng lưu thông trên quốc lộ. Nguy hiểm nhất, quá trình vận chuyển, người dân thường chất nông sản rất cao, có nhiều người cùng ngồi lên trên nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Anh Lò Văn Thái (ở huyện Mường Tè, Lai Châu) kể, ở đây, nhà nông ai cũng có ít nhất từ một đến vài ha nương rẫy. Xe công nông là phương tiện chính phục vụ vận chuyển của bà con. “Chúng tôi biết chở người và nông sản cồng kềnh là vi phạm nhưng nhà nông vận chuyển vật tư, nông cụ ra rẫy, ra đồng và nông sản thu về dùng xe công nông là phương tiện thích hợp”, anh Thái nói. Vì cho rằng xe mình chỉ chạy trên đường liên thôn, xã để chở hàng nên không ai cần phải học. “Tất cả người dân ở đây, rất ít người học thi GPLX. Cứ ai biết chạy thì làm tài xế chở mọi người đi làm thôi”(?), anh Thái cho hay.

Đi dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái… dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công nông chở đầy người, hàng hóa và nông sản chất cao ngút, phóng bạt mạng. Mới đây nhất, tại huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đã xảy ra vụ TNGT liên quan đến xe công nông tự chế khiến 1 người chết. Nguyên nhân được xác định là do xe không có vách ngăn ở buồng lái nên khi xảy ra va chạm khiến người ngồi ở ca bin rơi về phía trước dẫn đến tử vong.

Tương tự theo số liệu do Phòng CSGT tỉnh Tuyên Quang cung cấp, trên địa bàn xảy ra không ít vụ TNGT liên quan đến xe công nông tự chế. Ngày 10/8 vừa qua, trên QL37 đoạn qua tổ dân phố Quyết Tiến (thị trấn Sơn Dương) đã xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe tải và xe công nông tự chế lưu thông cùng chiều khiến lái xe công nông bị thương.

Các lái xe thường chây ì, không chấp hành

CSGT tịch thu xe công nông tự chế.

Trung tá Nguyễn Văn Hưng - Đội trưởng Đội CSGT TP Tuyên Quang cho biết, loại xe công nông đầu ngang, tự sản xuất lắp ráp không được kiểm định, khi lưu thông trên đường có thể chạy tốc độ tối đa từ 30 đến 40km/h - tốc độ tương đối nhanh. Trong khi đó, nhiều xe không lắp gương, tầm nhìn, quan sát bị hạn chế, các lái xe không được tập huấn, không có kĩ năng lái loại xe này chuyên nghiệp, khả năng xử lý các tình huống khi điều khiển còn hạn chế gây ra tình trạng mất ATGT.

Trước tình trạng đó, Đội CSGT TP Tuyên Quang vừa ra quân cao điểm tuần tra kiểm soát và xử nghiêm vi phạm, cương quyết tịch thu phương tiện này khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, đối với các hộ nông dân, các chủ vựa nông sản ở vùng cao đây là tài sản có giá trị và tiện lợi trong sản xuất nên quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

“Các lái xe thường chây ì, bỏ đi không chấp hành yêu cầu đưa phương tiện về nơi tạm giữ, nhiều lần tổ công tác phải sử dụng phương tiện hỗ trợ để đưa xe công nông tự chế về trụ sở cơ quan”, Trung tá Nguyễn Văn Hưng nói và cho biết, tuy khó khăn nhưng đơn vị cương quyết xử nghiêm bởi không chỉ không an toàn cho lái xe mà loại phương tiện này chở hàng cồng kềnh còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Lãnh đạo Phòng CSGT - Công an tỉnh Lai Châu cũng cho biết, trước tình hình TNGT liên quan đến xe công nông tăng cao thời gian vừa qua, Phòng CSGT đã tham mưu cho UBND tỉnh có các biện pháp tăng cường quản lý đối với loại phương tiện này. “Dù đây là phương tiện sử dụng thường ngày cho hoạt động sản xuất của người dân, vấn đề xử lý, xử phạt còn gặp khó khăn. Đặc biệt, người sử dụng phương tiện ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số nên vấn đề xử lý rất nhạy cảm. Tuy nhiên, vẫn phải tăng cường tuyên truyền, xử lý để loại phương tiện này không tham gia giao thông, ngăn chặn được các vụ TNGT đáng tiếc xảy ra”, vị đại diện chia sẻ.

Điều đáng nói, các xe này thường hoạt động vào chập tối và về đêm. Trên xe lại không được trang bị đèn xi nhan, thậm chí nhiều xe còn không có đèn chiếu sáng, tài xế phải đội đèn pin trên đầu. Do đó, mỗi khi muốn rẽ sang đường, tài xế thường dùng một tay xin ra hiệu, tay còn lại cầm vô - lăng, xe lại chở nặng khiến nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.

Trong khi đó, Ban ATGT tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ phối hợp với lực lượng CSGT các huyện, thị xã trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý. Riêng với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ tịch thu phương tiện...

Xem xét hỗ trợ, chuyển đổi phương tiện

Để xóa bỏ tình trạng xe công nông tự chế hoạt động trở lại, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã lên kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý. Đặc biệt, các ban ngành chức năng đang nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ chuyển đổi, thay thế xe công nông để bảo đảm an toàn giao thông.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/csgt-cac-tinh-vay-bat-xe-cong-nong-dai-nao-quoc-lo-20181121171105306.htm