Crimea tập trận chống tên lửa hành trình: Nga nhắc nhẹ Mỹ

Không thông báo trước về kế hoạch tập trận, Nga bất ngờ báo cáo về kết quả mĩ mãn trong việc chống đòn tấn công phủ đầu.

Người phụ trách báo chí của bán đảo Crimea, ông Vadim Astafyev hôm 10/4 cho biết Quân đoàn 4 - Quân khu phía Nam của Nga được triển khai tại đây vừa tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn.

Ông Astafyev cho biết cuộc tập trận này mang nhiệm vụ chống tấn công bằng tên lửa hành trình với sự tham gia của hệ thống phòng thủ S-400, Pantsir-S1, và máy bay ném bom chiến thuật Sukhoi Su-24.

"Cuộc tập trận này là một phần của việc kiểm tra các kỹ năng và chuyên môn đã được Quân đoàn 4 huấn luyện trong mùa đông vừa qua. Tình huống giả định được đưa ra khi bán đảo Crimea đối mặt với một cuộc tấn công từ biển bằng tên lửa hành trình và nhiệm vụ đặt ra phải đánh gãy các đợt tấn công đó" - ông Vadim Astafyev cho biết.

"Tất cả các khoa mục đã được hoàn thành mĩ mãn. Sau khi di chuyển đến vị trí xuất phát và sẵn sàng chiến đấu, S-400 Triumfs đã phát hiện và khóa mục tiêu, được mô phỏng bởi những quả tên lửa được các máy bay Su-24 khai hỏa.

Hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 được đặt tại bán đảo Crimea

Hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 được đặt tại bán đảo Crimea

Để chống lại cuộc tấn công quy mô lớn và mạnh mẽ vào các vị trí của S-400, các đơn vị tên lửa Pantsir-S1 đã hoạt động. Sau khi đánh chặn tên lửa hành trình mô phỏng bằng Pantsir-S1, S-400 hoán đổi vị trí và khai hỏa. Kết quả cuộc tập trận cho thấy S-400 và Pantsir-S1 đủ sức bẻ gãy bất kỳ cuộc tập kích nào bằng tên lửa hành trình" - ông Astafyev khẳng định.

Cuộc tập trận diễn ra bất ngờ và không hề có thông báo trước về kế hoạch thực hiện. Nga chỉ đơn thuần báo cáo kết quả và phương thức triển khai. Điều đáng chú ý, cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh NATO đang tiến hành cuộc tập trận Sea Shield 2019 (Lá chắn Biển - 2019) diễn ra từ ngày 5/4 đến 13/4 ngoài khơi Romania, thuộc Biển Đen.

Cuộc tập trận này của NATO có sự tham gia của một số lượng lớn các tàu chiến, máy bay và binh sĩ từ Mỹ, Bulgaria, Hy Lạp, Canada, Hà Lan, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Gruzia và Ukraine cũng cử đại diện tham gia tập trận. Đây là cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia lớn nhất trên Biển Đen.

Xuyên suốt cuộc tập trận của NATO, Hạm đội Biển Đen của Nga luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. "Trong các khu vực được chỉ định, các tàu trinh sát, nhóm chiến hạm mặt nước, hệ thống tên lửa bờ biển Bastion và Bal, cùng nhiều máy bay thuộc biên chế Hạm đội Biển Đen đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng này sẽ giám sát hoạt động của tàu chiến NATO tại một số khu vực trên Biển Đen", Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga thông cáo cho biết.

Có thể thấy, việc bán đảo Crimea công khai kết quả cuộc tập trận chống tấn công phủ đầu bằng tên lửa hành trình đã mang thông điệp trực tiếp đến NATO. Chiến thuật này được cho là "bài tủ" của quân đội NATO trong mọi cuộc chiến mà họ theo đuổi kể từ năm 2000 trở lại đây.

Cuộc tập trận Sea Shield 2019 của NATO trên Biển Đen

Theo đó, các tên lửa hành trình được phóng từ tàu khu trục ngoài khơi vượt qua hàng trăm km và tấn công trực tiếp, chính xác vào các địa điểm trọng yếu của đối thủ, đa phần là các cơ sở phòng không và trung tâm chỉ huy quân sự. Cuộc tấn công này mở đường cho màn không kích tổng lực của các máy bay chiến đấu hiện đại, các máy bay ném bom chiến thuật.

Cách đánh này đã được nhìn thấy ở Afghanistan, Iraq, Libya, Syria... Thậm chí, những cuộc tấn công này đã được gọi tên là "thời kỳ của Tomahawk" (loại tên lửa hành trình được dùng phổ biến của Mỹ và NATO).

Thách thức đặt ra là bẻ gãy được đòn đánh phủ đầu, khắc chế được cuộc không kích tổng lực của liên quân NATO. Và Nga đã vừa chứng minh với S-400 và Pantsir-S1 họ hoàn toàn giải quyết gọn đẹp màn tấn công phủ đầu của đối phương.

Đáng chú ý, lời nhắn này không chỉ gói gọn trong khu vực Biển Đen và người sử dụng là quân đội Nga mà còn gửi gắm tới Mỹ về mọi điểm nóng trên thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ sắp được nhận S-400, Trung Quốc, Ấn Độ đều có S-400 và Pantsir-S1. Và thậm chí cả Venezuela, nơi mà Mỹ đang rất muốn can thiệp quân sự.

Hiện Venezuela chỉ đang sở hữu S-300, nhưng nếu trong tình trạng leo thang căng thẳng, một hợp đồng ký kết theo kiểu đổi dầu lấy S-400 hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là một lời nhắc nhẹ nhàng và thẳng thắn và chân tình từ Nga gửi tới Mỹ.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/crimea-tap-tran-chong-ten-lua-hanh-trinh-nga-nhac-nhe-my-3377991/