Credit Suissie báo lãi gần 14 tỉ USD nhờ trái phiếu AT1

Trong quý 1/2023, Credit Suisse ghi nhận dòng tiền ròng chảy ra khỏi ngân hàng lên tới 61,2 tỉ CHF (khoảng 68,6 tỉ USD), tương đương 5% tổng tài sản của nhà băng này tính đến thời điểm cuối năm 2022.

 Credit Suissie báo lãi gần 14 tỉ USD nhờ trái phiếu AT1 (Ảnh: CNBC)

Credit Suissie báo lãi gần 14 tỉ USD nhờ trái phiếu AT1 (Ảnh: CNBC)

Credit Suisse vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023, trong đó ghi nhận khoản lãi đột biến một lần ở mức 12,43 tỉ CHF (13,9 tỉ USD), chủ yếu nhờ vào lô trái phiếu AT1 trị giá 15 tỉ CHF (16,8 tỉ USD) được bút toán giảm về 0 trong thương vụ sáp nhập với UBS.

Theo CNBC, nếu loại trừ khoản lãi đột biến này, Credit Suisse lỗ trước thuế 1,3 tỉ CHF (1,4 tỉ USD).

Đáng chú ý, Credit Suisse ghi nhận dòng tiền ròng chảy ra khỏi ngân hàng trong kỳ lên tới 61,2 tỉ CHF (khoảng 68,6 tỉ USD), tương đương 5% tổng tài sản của nhà băng này tính đến thời điểm cuối năm 2022. Trong số đó, tiền gửi của khách hàng chiếm 57% tổng lượng tiền bị rút.

Hoạt động rút tiền đã diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là vào nửa cuối tháng 3/2023, “dù đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa đảo chiều tính tới ngày 24/4”.

“Trong nửa cuối tháng 3/2023, Credit Suisse đã phải đối mặt với tình trạng tiền gửi bằng tiền mặt bị rút ra đáng kể. Tiền gửi của khách hàng đã giảm tới 67 tỉ CHF (75,1 tỉ USD) trong quý 1/2023. Đỉnh điểm của làn sóng rút tiền là những ngày trước và sau thông báo sáp nhập”, ngân hàng cho biết.

Trước đó, các cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính của Thụy Sĩ giữ vai trò trung gian trong thương vụ UBS mua lại Credit Suisse với giá 3 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm mạnh trước làn sóng rút tiền của khách hàng kể từ khi Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ sụp đổ.

Dự kiến thương vụ mua lại sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, tuy nhiên việc sáp nhập hoàn toàn hoạt động kinh doanh của Credit Suisse vào Tập đoàn UBS sẽ phải mất tới 3-4 năm.

Bên cạnh đó, thỏa thuận này vẫn gặp nhiều vướng mắc pháp lý, đặc biệt là việc ‘xóa sổ’ hơn 17 tỉ USD trái phiếu AT1, làm dấy lên làn sóng bất bình của các trái chủ.

Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA gần đây đã phải đối mặt với vụ kiện từ trái chủ với quyết định bút toán giảm toàn bộ giá trị lô trái phiếu AT1 trong khi cổ đông vẫn nhận được lợi ích khi thương vụ này hoàn tất.

Trong cuộc họp thường niên diễn ra vào tháng trước, Chủ tịch Axel Lehmann và Giám đốc điều hành Ulrich Koerner đã xin lỗi các cổ đông và nhân viên vì hàng loạt vụ bê bối liên quan đến lãnh đạo cấp cao, năng lực quản trị rủi ro yếu kém và thua lỗ triền miên.

Như VietTimes từng đề cập, Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) - nhà đầu tư chiến lược của VPBank - đã phát hành thành công lô trái phiếu AT1 trị giá 140 tỉ yen (tương đương 1 tỉ USD).

SMFG là 1 trong số 30 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống (systemically important banks) trên thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài SMFG, chưa có định chế tài chính nào trong nhóm này phát hành trái phiếu AT1 kể từ sau sự kiện UBS mua lại Credit Suisse hồi tháng 3/2023.

Chưa rõ hoạt động phát hành trái phiếu AT1 của SMFG có phải nhằm huy động vốn cho thương vụ mua 15% vốn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) của SMBC hay không, song, theo ghi nhận của VietTimes, 2 đại diện của SMFG đã có mặt tại AGM 2023 của VPBank mới đây./.

Nguồn tham khảo: CNBC

Mai Trang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/credit-suissie-bao-lai-gan-14-ti-usd-nho-trai-phieu-at1-post166177.html