Craft Link - 26 năm gìn giữ nghề thủ công của người Việt

Hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt, nhưng cũng tạo ra sức ép cho những mặt hàng không thể sản xuất đại trà như hàng thủ công mỹ nghệ. Trước sức ép đó, các làng nghề và nghệ nhân cần sự đồng hành của những doanh nghiệp xã hội như Craft Link - đơn vị đã có 26 năm gìn giữ và phát triển hàng thủ công mỹ nghệ của người Việt.

“Keep Alive” - giữ lửa văn hóa truyền thống

Mục tiêu của Craft Link khi đặt ra Keep Alive là giữ gìn truyền thống văn hóa và tăng thêm thu nhập cho các nhóm đối tượng như đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nhóm làng nghề.

Được thành lập từ năm 1996, Craft Link - CTCP doanh nghiệp xã hội công bằng thương mại và phi lợi nhuận của Việt Nam - đã hỗ trợ trên 60 nhóm từ khắp các vùng miền tổ quốc với trên 6.000 người được hưởng lợi.

Craft Link có 2 mảng chính là kinh doanh và phát triển. Tại mảng kinh doanh, doanh nghiệp đang hỗ trợ các nhóm sản xuất quảng bá và tiêu thụ hàng hóa thông qua kênh xuất khẩu, bán sỉ và bán lẻ. Còn ở mảng phát triển, Craft Link sẽ dùng chính lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh làm kinh phí để hỗ trợ các nhóm sản xuất gìn giữ nền văn hóa truyền thống và gia tăng thu nhập cho cộng đồng.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các nhóm đối tượng sản xuất được trưng bày tại cửa hàng của Craft Link. Ảnh: Quách Sơn

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các nhóm đối tượng sản xuất được trưng bày tại cửa hàng của Craft Link. Ảnh: Quách Sơn

Theo bà Trần Tuyết Lan, Tổng Giám đốc Craft Link, thông thường, chu trình để Craft Link hoàn thiện mỗi dự án khoảng 2 năm. Cán bộ của Craft Link sẽ tới tận nơi họ sinh sống, và làm việc với người dân tại bản, như vậy, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ được nhiều người hơn.

Trong quá trình thực hiện dự án, Craft Link sẽ tiến hành nhiều đợt tập huấn tại địa phương. Đầu tiên là tập huấn cho ban quản lý nhóm về các kỹ năng cần thiết như bán hàng, giao dịch, quản lý sổ sách, kế toán đơn giản… Ban quản lý này do chính các thành viên nhóm bầu chọn lên, thông thường sẽ là người có tiếng nói, trình độ học vấn và năng lực lãnh đạo cao trong nhóm. Còn các thành viên nhóm thì được tập huấn về thiết kế, phát triển sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm và marketing.

Trong những năm qua, Craft Link đã tiến hành nhiều dự án, mức độ thành công của từng dự án cũng có phần phụ thuộc vào năng lực của mỗi nhóm đối tượng. Sau khi dự án kết thúc, doanh nghiệp vẫn duy trì hỗ trợ các nhóm phát triển và marketing sản phẩm cũng như trưng bày và bán sản phẩm tại cửa hàng và hệ thống đại lý.

Bà Tuyết Lan cho biết, Craft Link quan niệm, khi các nhóm có cơ hội làm càng nhiều sản phẩm thì kỹ năng của họ càng được phục hồi, văn hóa truyền thống được lưu giữ, phát huy và được lan tỏa, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng. Do đó, Craft Link đặt mục tiêu có thể hỗ trợ các nhóm đối tượng tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, từ đó, những nhóm này mới có động lực để gắn bó với nghề truyền thống.

Hiện nay, Craft Link đang hỗ trợ các nhóm sử dụng các hoa văn họa tiết truyền thống của họ để áp dụng vào các sản phẩm mới, có chức năng sử dụng cao, phù hợp với cuộc sống đương đại. Thông qua việc nghiên cứu hoa văn, họa tiết truyền thống của các nhóm được hỗ trợ trong dự án, cán bộ của Craft Link sẽ thiết kế sao cho sản phẩm mới vừa kế thừa và phát huy được bản sắc, ý nghĩa văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với các xu hướng đương đại.

Bươn chải vượt khó sau đại dịch Covid-19

Theo bà Trần Tuyết Lan, để kết nối đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nhóm đối tượng ra thị trường nước ngoài, Craft Link đã nghiên cứu các tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường, thị hiếu, nhu cầu của khách hàng để hướng dẫn các nhóm phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá thông qua khách du lịch, đưa các sản phẩm đi dự các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế, Craft Link cũng đã giới thiệu các sản phẩm này online và bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Shopee và trên Fanpage, website của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng rất lớn đến Craft Link, giãn cách xã hội, phong tỏa giữa các nước khiến việc bán hàng hóa và hỗ trợ các nhóm sản xuất bị chững lại gần như hoàn toàn. Trong thời gian đại dịch, Craft Link cũng đã phải đóng cửa chính thức 3 trên tổng số 4 cửa hàng , đồng thời nhiều đại lý của doanh nghiệp cũng phải nghỉ hoặc tạm nghỉ kinh doanh. Đến nay, các cửa hàng này mới bắt đầu gây dựng lại. Bà Tuyết Lan chia sẻ, đây thực sự là 2 năm khó khăn nhất của Craft Link.

Từ tháng 5 năm 2022, cùng với việc Chính phủ ban hành và thực thi Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các hoạt động động thương mại, du lịch cũng dần trở lại, sau đó là sự mở cửa của biên giới và các chuyến bay quốc tế. Nhờ đó, thị trường dần sôi nổi trở lại, các nhóm sản xuất cũng có cơ hội tiếp tục phát triển sản phẩm. Craft Link nhận thấy, bên cạnh sự hồi phục của thị trường nước ngoài, thị trường trong nước cũng đã có sự gia tăng đáng kể.

Đứng trước những tín hiệu tích cực này, Craft Link hi vọng thị trường sẽ ngày càng phát triển và nỗ lực trở lại giai đoạn trước đại dịch. Do đó, hiện tại, Craft Link đang hỗ trợ các nhóm hồi phục sau đại dịch.

Theo Craft Link, bên cạnh sự hồi phục của thị trường nước ngoài, thị trường trong nước cũng đã có sự gia tăng đáng kể. Ảnh: Quách Sơn

Bà Trần Tuyết Lan cho biết, năm 2022 là năm Craft Link nỗ lực vực lại và xây dựng các nhóm từ đầu, hỗ trợ các nhóm khắc phục những lĩnh vực mà họ yếu kém. Craft Link cũng đang nỗ lực hoàn thiện lại mình và đi lên sau đại dịch. Dù bắt đầu trở lại kinh doanh đều đặn, nhưng 2 năm đại dịch đã hạn chế các hoạt động của Craft Link, khiến doanh nghiệp không có nhiều kinh phí để hỗ trợ mạnh hơn cho các nhóm sản xuất và để tổ chức nhiều các hoạt động quảng bá. Vì vậy, phải đến cuối năm 2022, vào đầu tháng 12, doanh nghiệp mới tổ chức triển lãm đầu tiên trong năm với chủ đề “Nghệ thuật dệt bản địa”, đánh dấu sự hồi phục trở lại của Craft Link sau 2 năm đại dịch.

Tuy nhiên, bà Tuyết Lan cho biết, việc đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là chất lượng của hàng thủ công rất khó đồng đều, khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặt số lượng lớn. Do sản phẩm thủ công được làm bởi nhiều người khác nhau nên có độ vênh về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, khi xuất khẩu, doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu về những quy chế kiểm soát chất lượng của các nước nhập khẩu. Với mỗi mặt hàng, mỗi thị trường đều có những yêu cầu riêng về an toàn sản phẩm, quy cách đóng gói, bảo quản, chất lượng sản phẩm… cần tìm hiểu và tuân thủ.

Bên cạnh đó, theo bà Tuyết Lan, việc người dân hiện nay đang dần chuyển sang phương thức mua hàng trực tuyến cũng gây nên những rào cản nhất định cho Craft Link, bởi rất khó để người mua hàng có thể cảm nhận hết được những vẻ đẹp của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chỉ qua hình ảnh, đôi khi, sự độc đáo của sản phẩm đến từ chất liệu làm nên sản phẩm đó, mà phải nhìn tận mắt hoặc sờ tận tay mới cảm nhận hết được.

Để chuẩn bị cho năm 2023, Craft Link sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm mạnh hơn để duy trì văn hóa truyền thống và tăng thêm thu nhập nhằm vượt qua khó khăn sau đại dịch. Trong thời gian tới, doanh nghiệp dự kiến có nhiều dự án, trong đó, ít nhất có 3 dự án hỗ trợ đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ 5 nhóm làng nghề truyền thống trong lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm mới để tăng thêm thu nhập.

Craft Link sẽ tổ chức thường xuyên các hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống như các workshop, các triển lãm tuyên truyền về hình ảnh, kỹ năng, về văn hóa truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số tại văn phòng Craft Link và các cơ sở khác ở Hà Nội. Đồng thời doanh nghiệp sẽ tham gia các triển lãm quốc tế để giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống tới các nước, đặc biệt là châu Âu, gần nhất sẽ là hội chợ quốc tế tại Đức (Ambiente) vào đầu năm 2023.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/craft-link-26-nam-gin-giu-nghe-thu-cong-cua-nguoi-viet-post15434.html