CPTPP và EVFTA đưa xuất khẩu lên tầm cao mới

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau hơn một năm thực thi CPTPP và hơn một tháng EVFTA có hiệu lực, nền xuất khẩu nước ta đã gặt hái được nhiều thành tích.

Hàng Việt đang tiến sâu vào thị trường châu Âu. Ảnh: TL

Hàng Việt đang tiến sâu vào thị trường châu Âu. Ảnh: TL

Nhờ CPTTP, năm 2019 Việt Nam đã xuất siêu sang nội nhóm 1,6 tỷ USD

Tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành diễn ra chiều 23/9, báo cáo về "việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên", Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay, 26 bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương và 62/63 địa phương đã xây dựng Kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành hoàn thành tất cả 15 nghĩa vụ thông báo như: Cơ chế áp dụng lộ trình cắt giảm thuế quan; cơ chế chứng nhận xuất xứ; cấp phép xuất khẩu, cấp phép nhập khẩu; mua sắm của Chính phủ; các nghĩa vụ liên quan đến SMEs; đầu mối xử lý đơn thư về lao động…

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. “Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD, trong khi năm trước đó Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Trong đó, Canada và Mexico là hai thị trường mới có FTA với Việt Nam có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên.

Ở khía cạnh khác, Bộ Công thương đánh giá, việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực như môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ và thương mại điện tử…

Thực thi EVFTA, xuất 277 triệu USD hàng hóa đi 28 nước EU

Sau hơn 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các bộ ngành chức năng đã nỗ lực triển khai các chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA, tập trung vào các cam kết về dịch vụ - đầu tư, thuế, quy tắc xuất xứ, phát triển bền vững, quyền sở hữu trí tuệ…Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm đến nay đã nhận được hơn 1.600 lượt đăng ký đến từ 1.000 doanh nghiệp, 20 hiệp hội và hơn 10 trường đại học tại 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đáng chú ý, trong 1 tháng EVFTA được thực thi, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan.. Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh…Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tuấn Anh, các hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức. Từ thách thức về kinh tế, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế….đến thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường…Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về những cơ hội do FTA mang lại còn hạn chế, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội.

“Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định quan trọng này, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định. Đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với Hiệp định EVFTA”, Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-24/cptpp-va-evfta-dua-xuat-khau-len-tam-cao-moi-92631.aspx